30/04/2017 14:57 GMT+7

Gặp lại người báo tin giúp bà con vùng sạt lở thoát nạn

TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU
TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU

TTO - Lúc đứng bên đường ranh cảnh báo “nguy hiểm”, nhìn về con phố hoang tàn - nơi căn nhà tổ ấm của ông đang nằm bên miệng vực, ông nghe lòng quặn thắt.

Ông Ba Bé - Ảnh: T.T.
Ông Ba Bé - Ảnh: T.T.

Nhưng ông Ba Bé được an ủi bội phần khi nghĩ đến hàng xóm, già, trẻ, gái, trai... đã thoát được cơn thịnh nộ của dòng sông.

Sáng 21-4, một trận lở đất kinh hoàng cùng lúc nhấn chìm 14 căn nhà tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang). Không ít người đã xem đi xem lại các clip trên các báo điện tử cảnh một dãy nhà bị sụp rồi chìm nhanh xuống mặt nước sôi sùng sục.

Những ai xem cảnh ấy cũng đều hoang mang, không hiểu cư dân sống trong những căn nhà đổ sụp ấy có kịp thoát thân. Ai cũng lo có thiệt hại nhân mạng.

Thế nhưng như một phép mầu, chẳng có thương vong nào cả. Có được như vậy là nhờ việc phát hiện và báo tin quý giá của lão nông Nguyễn Văn Bé (Ba Bé, 67 tuổi) - người dân trong ấp Mỹ Hội.

“Buổi chiều trước khi xảy ra sự cố, tui xuống mé sông tắm như thường lệ. Thế nhưng khi bước xuống nước thì bỗng chới với bởi hằng ngày mé sông chỉ sâu đến lưng quần, giờ lặn với tay cũng không chạm đến đáy.

Tui vội leo lên bờ thì phát hiện bờ sông có vết nứt bằng lóng tay, kéo dài về phía lộ. Tui liền hớt hải chạy đến báo vụ việc với công an xã. Xã báo lên huyện rồi huyện báo về tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cùng đoàn cán bộ của tỉnh nhanh chóng đến hiện trường...” - ông Bé nhớ lại nói.

Ông Thi ra lệnh sơ tán dân khẩn cấp. Nhờ đó đã không có ai trong những căn nhà gặp nạn khi chúng bị chìm xuống dòng sông. Dân tình không tiếc lời cảm kích tin báo kịp thời của ông Bé và chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của ông Thi.

Người dân quanh vùng sạt lở kể rằng chỉ 20 phút sau khi người cuối cùng được lệnh chính quyền buộc rời khỏi căn nhà đang có nguy cơ sạt lở, 14 căn nhà cùng lúc sụt xuống sông mất dạng.

Nghĩ đến chuyện thoát chết trong gang tấc, họ không xiết lời cảm ơn những người đã kịp thời báo vụ việc cho chính quyền.

Trò chuyện sau đó, ông Thi nói rằng chuyện mình kịp thời chỉ đạo di dân là chuyện mà “chức phận phải làm”.

Còn ông Bé, chúng tôi tìm ông đang ngồi lạc thần giữa hàng trăm người khắc khổ đang chờ cứu trợ ở hội trường xã Mỹ Hội Đông.

Người nông dân này nói: “Nhà tui cũng tanh bành hết rồi. Thấy sinh mạng bà con không sao tui mừng lắm...”.

Năm 1982, ông Ba Bé lập gia đình rồi về cất căn nhà gỗ bên bờ sông Hậu. Khởi nghiệp từ chiếc ghe chở thuê, ông cũng gây dựng nên cơ nghiệp, được liệt vào “hộ giàu” cũng từ những chuyến sông.

Khi mất cửa mất nhà, người dân Mỹ Hội không nửa lời oán trách vàm sông. Họ chỉ trách những người từ nơi khác đổ về nạo vét cát, “bóc lột” dòng sông đến khôn lường.

Và họ cho rằng việc làm đó khiến sông giận dữ. 108 hộ dân sống ven sông Hậu gần “búng cá”, nơi vùng nước xoáy kinh người, sẽ được sắp xếp nơi ở mới.

Cũng có nghĩa là nhà cửa của họ sẽ tách xa những cơn cuồng nộ của dòng sông, nhưng không ít người biết sống ra sao khi tách khỏi dòng sông?

Ông Bé nói bản thân ông cũng không biết bắt đầu cuộc sống “xa sông” như thế nào, bởi dòng sông vừa sạt lở đó không chỉ là sinh kế mà còn là chỗ dựa tâm hồn của dân cư chốn này.

TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp