22/09/2022 09:00 GMT+7

Gặp lại Lạc 'ổi': Càng khó khăn, sức bật càng lớn

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đó là chia sẻ của anh Đỗ Văn Lạc (biệt danh Lạc "ổi", 33 tuổi, trú xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 15 năm trước, hoàn cảnh của Lạc được người mẹ "đóng đinh" bằng câu nói: "Cái tội lớn nhất của nó là nghèo khổ nhưng ham học".

Gặp lại Lạc ổi: Càng khó khăn, sức bật càng lớn - Ảnh 1.

Cậu bé Lạc “ổi” (phải) của 15 năm trước giờ là ông chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phố cổ Hội An - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sau 15 năm, Lạc "ổi" giờ đã trở thành một ông bố vững chãi của gia đình êm ấm với công việc kinh doanh hàng lưu niệm bên bờ sông Hoài, phố cổ Hội An.

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online, anh Lạc chia sẻ: "Hai năm qua, những người làm du lịch như tôi đều bị "sốc" trước ảnh hưởng của đại dịch. Với tôi, cuộc đời chưa bao giờ bằng phẳng, nhưng khó khăn nhất là giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa đại học thì nay đã qua. Thật may lúc khó khăn nhất có chương trình Tiếp sức đến trường, có báo Tuổi Trẻ bên cạnh".

Tuổi thơ buôn thúng bán bưng

* Bạn đọc theo dõi chương trình Tiếp sức đến trường vẫn nhớ đến câu chuyện của anh. Nhiều người nói nếu ở Huế có hoàn cảnh khó khăn của nhân vật Ô Xin (bài viết Ô Xin rửa bát thuê nay đã là bác sĩ Nam Phương) thì Quảng Nam có Lạc "ổi". Anh nhớ mình của 15 năm trước như thế nào?

- Thật ra hoàn cảnh của tôi lúc đứng trước ngưỡng cửa đại học và những năm trước đó cũng chẳng khác gì nhau.

Hồi đó hai mẹ con tôi sống trong căn nhà chỉ đủ để kê hai cái giường. Ở quê cái nghèo cứ bám lấy. Ai cũng khó nhưng gia đình tôi còn khó hơn vì năm nào nước lũ sông Thu Bồn cũng ào về cuốn trôi hết công sức lao động của hai mẹ con là hai sào lúa. Không đủ ăn, mẹ tôi dù tàn tật nhưng ngày nào cũng phải đi hơn 15km từ sáng tới tối bán vé số để nuôi con. 

Tôi thì từ lúc học cấp 1 đã biết buôn bán phụ mẹ mưu sinh. Những năm ấy, ngoài giờ đến trường, tôi làm không sót việc gì, từ đi bán vé số, bán cà rem, bán trái cây, phụ hồ, bán quán ăn… Biệt danh Lạc "ổi" ra đời khi bạn bè cấp 2 trêu chọc lúc tôi mang rổ ổi đi bán quanh vùng (cười).

Lúc tôi trúng tuyển vào đại học với số điểm 24, ai cũng trầm trồ. Nhưng tất cả những ai biết hoàn cảnh gia đình tôi đều thấy thương và lo hơn cả. Gia đình tôi khó khăn, huống gì ngồi ghế giảng đường…

Gặp lại Lạc ổi: Càng khó khăn, sức bật càng lớn - Ảnh 2.

“Nghèo khổ thời thơ bé không đánh gục được tôi nên khi việc kinh doanh có gặp khó khăn vì dịch, vợ chồng tôi cũng không sợ khổ khi làm đủ nghề để mưu sinh” - anh Đỗ Văn Lạc nói. Trong ảnh: cửa hàng của anh Lạc tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đông khách sau khi du lịch phục hồi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Rồi anh đến với học bổng Tiếp sức đến trường như thế nào?

- Học bổng Tiếp sức đến trường đã tìm đến tôi. Thi xong, tôi biết mình sẽ đậu đại học nên tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, mà xin mẹ ra Đà Nẵng làm việc ngay. Tôi phụ việc cho một nhà hàng lớn, làm ba ca từ sáng đến khuya rồi ăn ngủ ở đó để kiếm tiền trang trải.

Ngày Đại học Đà Nẵng gởi giấy báo trúng tuyển về, mẹ tôi mừng lắm, bà vừa đi bán vé số vừa cầm giấy báo của tôi khoe khắp xóm làng. Thành ra xóm làng biết tin trúng tuyển đại học còn trước tôi. Sự động viên của bà con khiến đường đi mưu sinh của mẹ con tôi có thêm phần động lực. 

Nhưng thú thực tôi cũng có chút rùng mình, không biết sau này sẽ thế nào, vì đây là lần đầu tiên tôi bỏ mẹ đi xa. Lấy đâu ra tiền để theo suốt bốn năm đại học? Không có mình, ai sẽ bên cạnh mẹ lúc mưa gió? Đó là hai suy nghĩ khiến tôi trằn trọc mỗi đêm về ngả lưng.

Hoàn cảnh của tôi được một số thầy cô truyền đến tai ban tổ chức chương trình. Thế là khi tôi đang phục vụ bàn đã có người tìm đến để hướng dẫn làm các thủ tục nhận học bổng. Suất học bổng 15 năm trước là 3 triệu đồng, đủ cho tôi trang trải 3 tháng.

Nhưng trong chương trình giao lưu năm ấy, rất nhiều cô chú nhận hỗ trợ tiền học phí hằng năm cho tôi. Có người nhận tôi làm gia sư cho con cái, đi phát hành báo, có người cho tôi công việc làm thêm ngoài giờ học, với mong muốn giúp tôi có thu nhập để trang trải đời sống sinh viên. 

Có cô chú còn cho tôi 20 triệu để mua xe lăn cho mẹ và làm lại bậc thềm cao hơn 2m trước nhà, giúp mẹ tôi lên xuống dễ hơn khi không có con trai bên cạnh. Nhờ đó mà tôi an tâm hơn khi những lúc mưa gió trở trời. 

May mắn là nhân duyên từ chương trình Tiếp sức đến trường không kết thúc sau khi hết chương trình, mà theo tôi suốt 4 năm trên giảng đường, nên tôi không khi nào "thất nghiệp" cả.

Gặp lại Lạc ổi: Càng khó khăn, sức bật càng lớn - Ảnh 3.

Anh Lạc giao tiếp với một khách Thái Lan tại cửa hàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nghĩ tích cực để hướng về phía trước

* Anh nói đến rất nhiều trải nghiệm cơ cực. Những trải nghiệm đó có ý nghĩa thế nào với anh trong công việc sau này?

- Tôi tốt nghiệp đại học rồi lần lượt đi làm cho ba công ty. Khi có chút tích lũy và có gia đình nhỏ, tôi ra kinh doanh riêng vì muốn về ở gần nhà để thuận tiện chăm sóc mẹ cho an lòng. 

Tôi mở cửa hàng bán đồ lưu niệm ở trung tâm phố cổ Hội An, kinh doanh được ít lâu thì dịch COVID-19, nên mọi việc chưa được suôn sẻ lắm. Nhiều lúc rảnh rỗi nhìn lại, tôi thấy ông trời lúc nào cũng muốn thử thách mình. Nhưng rồi chỉ biết cười và tiếp tục cố gắng hơn vì gia đình, chứ làm gì có lựa chọn khác.

Khi nhận trả lời phỏng vấn, đã có lúc tôi nghĩ rằng sẽ thỏa lòng hơn khi mình thành công để đền đáp tấm lòng của những người quan tâm, yêu thương mình ngày ấy. 

Nhưng tôi cũng muốn mọi người biết rằng những trải nghiệm, sự giúp đỡ đã qua đã giúp tôi trưởng thành, vững vàng hơn rất nhiều trên đường đời, công việc và giáo dục các con sau này. Cho nên giai đoạn này có đôi chút khó khăn nhưng cũng chưa là gì, mình vẫn vượt qua được.

* 15 năm nhìn lại, nếu có lời khuyên cho các bạn tân sinh viên khó khăn, anh sẽ nói điều gì?

- Tôi muốn các bạn hãy suy nghĩ tích cực lên. Ai cũng có ước mơ, nếu bạn suy nghĩ tích cực thì mới dẫn lối hành động đến ước mơ. Chỉ cần các bạn cố gắng và cho mọi người thấy được nỗ lực vượt khó của mình, tôi tin mọi người ai cũng ủng hộ bạn theo con đường học vấn. 

Tôi của ngày ấy ngoài học tập trên giảng đường thì cùng một lúc làm tới 2-3 việc. Nhưng thật bất ngờ có đôi lúc lên giảng đường mình lại thấy "dễ thở" hơn so với thời học THPT, vì lúc bấy giờ đã có sức vóc và được sống trong bầu trời tri thức.

Ai đó đã nói rất hay rằng "chỉ cần bạn cố gắng, cả vũ trụ sẽ giúp bạn". Tôi nghiệm thấy điều này thật đúng. Sau này theo dõi nhiều hoàn cảnh được giới thiệu trong chương trình Tiếp sức đến trường, tôi thấy bạn nào càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì sức bật càng lớn, các bạn càng khát khao mãnh liệt hơn. 

Có lẽ khi rơi vào hoàn cảnh không thể nào cơ cực hơn, ước mơ thay đổi cuộc đời để bù lại ngày tháng cơ cực càng lớn. Ước mơ của tôi lúc đó là thay đổi cuộc đời mẹ đã hy sinh tất cả cho tôi bằng cuộc đời mình. Thế nên tôi đã cố gắng để làm mẹ an lòng bằng tất cả khả năng của mình.

Cảm ơn những tấm lòng ngày ấy

Nhìn lại hình ảnh bậc dốc cao hơn 2m trước nhà ngày ấy, anh Lạc nhớ hôm vào TP.HCM để giao lưu cùng chương trình Tiếp sức đến trường thì cả làng Triêm Đông, xã Điện Phương nơi anh ở chạy nước lụt trắng trời.

Những bậc dốc cao ngày ấy nay không còn nữa, mà thay thế bằng con đường phẳng phiu để báo hiếu người mẹ cả đời lam lũ vì mình.

Bà Nguyễn Thị Tha bây giờ vẫn làm công việc bán vé số như 15 năm trước. Nhưng gánh nặng mưu sinh trên vai nay đã được trút bỏ, thay vào đó là niềm vui sum vầy cùng con cháu.

"Con tôi lớn lên từ tấm lòng nhân ái, bảo bọc của mọi người. Những năm tháng khó khăn nhất đã có những cánh tay giúp con có ý chí vượt lên cái nghèo" - bà Tha nói.

Gặp lại Lạc ổi: Càng khó khăn, sức bật càng lớn - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường

Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.

Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...

Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.

Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin .

Khơi dòng chảy 'Lạc ổi' Khơi dòng chảy "Lạc ổi"

TTO - Nhiều người nói: bây giờ cứ ra ngõ là gặp chuyện tiêu cực, còn chuyện tích cực hiếm hoi như lá mùa thu. Bình tâm nghĩ lại, thấy hình như đúng mà chưa đúng...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp