Những nữ dân quân "trắng nõn những búp tay" ngày ấy bắn rơi máy bay "thần sấm" F-105 của Mỹ
"Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này,
Bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ. A-ha!
Dân quân Châu Yên ta với súng trường
Nhằm thẳng vào mặt kẻ thù bắn "thần sấm" phải rơi…
...Con gái trắng nõn những búp tay
Em có dám bắn máy bay"...
55 năm sau, chúng tôi đã tìm gặp được những cô gái "trắng nõn những búp tay" ngày nào trong bài hát Người Châu Yên em bắn máy bay của nhạc sĩ Trọng Loan đã lập nên chiến công bắn rơi máy bay F-105 - "thần sấm" của Mỹ trên bầu trời Yên Châu, Sơn La.
"Tay cày, tay súng" bắn trúng máy bay
- "Các bà học cách bắn rơi máy bay thế nào, khó hơn cầm cuốc xẻng không ạ?", các bạn trẻ mở đầu cuộc chuyện trò với những nữ dân quân người Thái can trường 55 năm về trước.
Dáng người khỏe khoắn, giọng nói đanh thép, bà Quàng Thị Lói, nữ dân quân ngày ấy năm nay đã bước sang tuổi thất thập nhớ lại: "Không khó đâu, mất một thời gian để quen tay nắm, chừng 2 tuần. Và chỉ ngắm rồi bắn thôi".
Nữ dân quân Quàng Thị Lói hồi tưởng lại những năm tháng sục sôi cầm trúng chiến đấu - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày ấy tiểu đội dân quân tóc dài của bà Lói có 10 chị em, do nữ dân quân Quàng Thị Lả làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội được biên chế 10 khẩu súng trường làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu) - tuyến huyết mạch giao thông độc đạo nối liền hai bờ suối Sập.
Năm 1965, trên bầu trời Tây Bắc, máy bay Mỹ không ngừng bắn phá, liên tục ném bom. Sáng làm nhiệm vụ canh gác, tranh thủ đêm đến chị em dân quân mới vác cuốc vác cày lên nương trồng lúa, trồng ngô.
Đôi mắt cương nghị, giọng nữ dân quân Quàng Thị Lửa (69 tuổi, ở Chiềng Hặc) sang sảng: "Máy bay quần liên tục nhưng không sợ đâu. Thời điểm đấy, chị em ai cũng tham gia".
Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu giai đoạn 1945 - 2015 ghi riêng ngày 23-7-1965, máy bay Mỹ liên tục bắn phá 9/13 xã trong huyện Yên Châu với tổng cộng 38 lần ném bom, 5 lần bắn súng máy và rocket.
Ngày 2-9-1965, ngay ngày Tết độc lập, một tốp máy bay F-105 của Mỹ ném bom làm sập cầu Tà Vài. Chỉ với súng trường trên tay, những thiếu nữ người Thái ngày ấy không hề run sợ trước sức mạnh của kẻ thù, cả tiểu đội bám trụ cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cầu.
Cây cầu Tà Vài hôm nay. Đây là huyết mạch giao thông độc đạo nối liền hai bờ suối Sập ngày trước - Ảnh: NAM TRẦN
Thấy một chiếc F-105 bay quanh khu vực cầu chuẩn bị bổ nhào cắt bom, tiểu đội trưởng ra lệnh "bắn", cả tiểu đội đồng loạt nổ súng. Và... "cháy rồi, cháy rồi!", tiểu đội nữ dân quân hô vang, vỡ òa trong vui sướng.
Chiếc máy bay mệnh danh "thần sấm" của quân đội Mỹ bốc cháy, rơi xuống ở xã Tú Nang - giáp xã Chiềng Hặc về phía Nam. Phi công Mỹ nhảy dù nhưng mắc kẹt trên cành cây, cả tiểu đội hò nhau cùng bà con đi bắt sống.
Vất vả nhất là áp tải viên phi công chân bị gãy nặng đến 90kg bằng cáng của người Thái. Cứ thế thay nhau người cáng người khiêng, đến lúc giải về trời đã nhá nhem tối.
"Tay cuốc, tay cày" lập nên chiến công, nhưng bà Lửa dí dỏm: "Do đúng tầm ngắm thì mình bắn thôi".
Cầu Tà Vài, thuộc bản Tà Vài, xã Chiềng Hặc, Yên Châu, Sơn La là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh.
Cầu do Ty Giao thông Sơn La xây dựng năm 1961, dài 57m, rộng 6,5m, bắc qua suối Sập, xã Chiềng Hặc. Địa hình nơi đây hiểm trở, giao thông bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu với nhiều tảng đá lớn nhỏ dựng thành vách hai bên bờ. Vì vậy cây cầu là huyết mạch giao thông độc đạo nối liền hai bờ suối Sập.
Chỉ tính giai đoạn 1965 - 1968, cầu Tà Vài phải hứng chịu tới 46 trận bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ với 1.272 quả bom các loại.
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu giai đoạn 1945 - 2015 viết ngày 2-9-1965, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu phối hợp đơn vị bộ đội pháo cao xạ bắn rơi một máy bay và bắt sống một phi công Mỹ.
Ngày 3-11-1965, dân quân Quàng Văn Kẻo (xã Chiềng Đông) một mình dùng súng trung liên bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ.
55 năm sau ngày bắn rơi máy bay "thần sấm", những nữ dân quân ngày ấy đứng trên cây cầu Tà Vài năm xưa kể chuyện cho con cháu nghe - Ảnh: NAM TRẦN
Không sợ gì nữa!
55 năm sau, đứng trên cây cầu Tà Vài còn nguyên chứng tích bị bom đánh sập năm xưa, bà Quàng Thị Lói vẫn vẹn nguyên cảm xúc một thời khói lửa đạn bom.
Vừa tròn 15 - 16 tuổi, những thiếu nữ người Thái nghe lời kêu gọi, tình nguyện đăng ký vào dân quân xã. Máy bay bắn phá ác liệt suốt ngày đêm hàng tháng ròng, chị em dân quân vẫn tập trung canh gác, phối hợp bộ đội chiến đấu.
"Có lúc cũng lo lắng vì máy bay nhiều quá, sức tàn phá lớn, sống chết chực chờ. Nhưng thời điểm ấy nam giới đi bộ đội cả, bản chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Máy bay đến, nữ giới cũng xung phong chiến đấu", bà Lói bộc bạch.
16 tuổi, bà Lửa cũng nghe lời vận động tình nguyện tham gia dân quân, học võ thuật, học bắn súng.
Nữ dân quân Quàng Thị Lửa khảng khái: "Không sợ gì nữa, mục tiêu là làm sao bắn trúng máy bay thôi"
Từ căn nhà sàn, bà chỉ tay về hướng quả đồi trước mặt, đấy là nơi tiểu đội nữ dân quân ngày ấy trực chiến, đào hầm, đào hào xung quanh, có khi đào liên tục 3 - 4 ngày đêm, khó khăn nhưng ai ai cũng hào hứng.
Đánh rất nhiều trận nhưng bà Lửa nhớ nhất có lần bị lộ, máy bay Mỹ ném bom xuống, cháy cả chỗ tập kết.
"Vất vả nhất trận đấy vì kho súng nằm ngay gần đó, phải múc nước suối dập lửa vì cháy lan sang cả nhà dân. Nhưng thời điểm đấy không ai sợ gì nữa, tất cả chỉ có một mục tiêu là làm sao bắn trúng máy bay", bà Lửa kể.
"Nếu bắn lại bà có bắn được nữa không?", các bạn trẻ ríu rít hỏi. Mái đầu đã ngả bạc nhưng ánh mắt cương trực, những nữ dân quân ngày ấy vẫn khảng khái đáp: "Nếu cho bắn, chúng mình vẫn bắn được ấy".
Hòa bình lập lại, tiểu đội nữ dân quân quay về cuộc sống thường nhật, tham gia sản xuất, xây dựng gia đình. 10 cô gái dân quân của tiểu đội vinh dự đón nhận Huân chương kháng chiến các hạng nhất, nhì, ba.
"Mỗi một lần đi qua cây cầu gợi lại rất nhiều kỷ niệm, nhớ những ngày tham gia chiến đấu, mồ hôi, nước mắt và cả máu bao người đã đổ xuống đấy. Nhưng nghe theo lời dạy Bác Hồ, bây giờ con cháu mới được sung sướng và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn", bà Lửa chia sẻ.
Nữ dân quân Quàng Thị Lửa và Quàng Thị Lói trên cầu Tà Vài, cây cầu huyết mạch xưa - Ảnh: NAM TRẦN
"Người ta đi thì mình đi, người ta làm được thì mình phải làm được"
Nam giới đi bộ đội, ở bản làng chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già. 15 tuổi, Hà Thị Ín (bản Nà Khái, xã Sạp Vặt, huyện Yên Châu) viết đơn xin tham gia dân quân sau khi nghe lời động viên của xã.
"Mình xin tham gia dân quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, không sợ đâu", năm nay bước sang tuổi 73, bà Ín nhớ lại.
Năm đó, bà Ín nộp đơn cho xã đội làm lễ kết nạp vào dân quân, được xã đội giao một khẩu súng lên quả đồi trực chiến. Sáng sáng lên đồi trực chiến bắn máy bay, đêm về đi gặt hái, cày cấy hoặc cầm đèn dầu làm cọc tiêu cho ôtô đi, nếu nghe tiếng máy bay thì tắt đèn đi, ôtô sẽ hiểu là có máy bay.
"Không thấy sợ đâu. Không biết vì sao, người ta đi mình cũng đi, người ta làm được thì mình cũng làm được, thế thôi", bà Ín quả quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận