Y Nôn cùng ba mẹ trong ngôi nhà gỗ của mình - Ảnh: B.D.
Chúng tôi trở lại làng Kon Sủ, xã Đắk Long (huyện Kon Plông, Kon Tum) giữa đại ngàn Tây Nguyên để tìm Y Nôn trong câu chuyện đầy thương cảm xảy ra gần 9 năm trước.
Ngôi nhà gỗ nằm u uẩn giữa mây mù hiện ra. Ở bậc cửa, một thiếu nữ dường như linh cảm có người quen tìm tới nên cô đứng mong ngóng và nhận ra tôi trong khoảnh khắc.
Từ "ma rừng" chờ chết
Chúng tôi không thể nhận ra Y Nôn của bây giờ so với cô bé từng bị bỏ rơi ngoài bìa rẫy năm nào nếu không chú ý đến một con mắt trắng đục và mấy đám sẹo để lại trên cổ.
Y Nôn của hiện tại đã là thiếu nữ qua tuổi 18 và hằng ngày theo mẹ cha cầm dao rựa lên rừng đi tìm cái ăn. Cô bé trắng trẻo, nhanh nhẹn và mừng vui khi gặp lại người quen trong câu chuyện bi thương xảy ra trước đó.
A Hành - bố đẻ của Nôn - còn khá trẻ. Cũng như khoảnh khắc buồn cách đây gần 9 năm khi ngồi với cán bộ xã để giãi bày lý do để con ngoài bìa rừng đợi chờ cái chết, Hành rất buồn và dường như không muốn nhắc đến chuyện cũ.
"Lúc đó tại sao mình lại để con ngoài rẫy?". A Hành quay mặt rồi xoay người ra ngoài, tay bắt chéo trên đầu gối, mãi sau mới bật ra thêm vài tiếng: "Thì mình chữa không được, không biết phải làm sao nữa nên mới bỏ nó ở đó".
Chúng tôi quay qua hỏi Y Nôn và người mẹ Y Đương. Câu chuyện diễn ra đứt đoạn, ngắt quãng. Số phận của cô bé dân tộc Mơ Nâm lẽ ra đã kết thúc buồn giữa rừng thẳm nếu không có người biết để giải cứu.
Tháng 3-2014, trong lúc đi làm đường giao thông nông thôn ở Nước La, nhóm cán bộ và Đoàn thanh niên xã Đắk Long phát hiện một cô bé nằm thoi thóp ở chòi rẫy cách làng Kon Sủ khoảng 500m.
Họ tá hỏa khi thấy một thân thể đã bưng lở, những đụn thịt trông giống như viêm da, ghẻ nước đang xâm chiếm dần những mảng da cuối cùng còn sót lại trên vùng mặt. Thật may mắn, cô bé còn sống và chỉ còn một đôi mắt mở được, mắt còn lại đã bị ghẻ ăn trùm kín.
Cô bé rớt nước mắt, nhìn người lạ như muốn kêu cứu. Họ lập tức báo lên cấp trên, một chiếc xe cứu thương được điều khẩn cấp từ trung tâm huyện chạy xuống làng, băng ca được đẩy ra để hướng thẳng về trung tâm TP Kon Tum.
Cô bé trong câu chuyện bi thương mang màu sắc của hủ tục giữa rừng thẳm này chính là Y Nôn - cô thiếu nữ mà chúng tôi đang trò chuyện của hiện tại.
Cháu đau lắm, lạnh mà ngứa khắp người nhưng ở trong chòi rẫy không biết kêu ai cả. Cháu nghĩ là mình sẽ chết, sợ lắm.
Y Nôn
Hành trình hồi sinh ngoạn mục
Sau khi hội chẩn sơ bộ, biết cô bé giữa rừng thẳm bị bệnh viêm da hiếm gặp, nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum lúc đó đã làm thủ tục để chuyển Y Nôn xuống Bệnh viện Da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định).
Sở Văn hóa Kon Tum - đơn vị nhận kết nghĩa với địa phương nơi Y Nôn ở - cũng cử cán bộ đi theo để hỗ trợ hậu cần.
Toàn thân Y Nôn ngày ấy lở loét, ghẻ nước đã trùm kín cơ thể và ăn hỏng mất một con mắt. Các bác sĩ đặt Y Nôn trên tấm vải màu trắng và chụp một tấm ảnh trước lúc can thiệp chuyên sâu.
Sau khi chẩn trị, bác sĩ xác định Y Nôn gặp chứng bệnh viêm da hiếm gặp, lại không được điều trị đúng cách nên căn bệnh quái ác càng xâm lấn thêm. Cơ hội sống sót của Y Nôn lúc đó chỉ chưa tới 20%. Nhưng nhờ sự yêu thương và quyết tâm cứu chữa, cô bé dần hồi sinh.
Sau nhiều tháng điều trị, chiếc xe của Sở Văn hóa Kon Tum xuống tận Bình Định đón Y Nôn về làng. Cô bé đã khỏe, nhưng da vẫn đầy thương tích. Bố mẹ Y Nôn là hai người đầu tiên được báo con gái của họ đã được cứu sống.
Nhưng trong sâu thẳm nỗi sợ vô hình "ma rừng", họ không tin lời của cán bộ. Để Nôn mạnh khỏe và chăm sóc bình phục hoàn toàn, cô bé được bà Võ Thị Lễ - bí thư Đảng ủy xã Đắk Long lúc đó - nhận đỡ đầu, đón về nhà nuôi ăn ở, vỗ về, yêu thương.
Các thầy cô giáo ở Phòng giáo dục huyện Kon Plông cho biết lúc bị nhiễm bệnh, Y Nôn đang học lớp 5. Sau hành trình dài cứu chữa, cô bé mất gần một năm để trở lại bình thường.
Ban đầu nhiều học sinh không dám tiếp xúc với Nôn, nhưng nhờ thầy cô giải thích, các em đã quên hết nỗi sợ và đón nhận Nôn như các bạn bè khác. Nôn được người mẹ nuôi là Võ Thị Lễ chở tới trường vào đầu tuần và đón về nhà vào cuối tuần.
Nhờ mẹ Lễ, Nôn lành cả da thịt lẫn tâm hồn. Hết lớp 5, bé được mẹ Lễ trả về nhà cha mẹ ruột. Cô bé đã tươi tắn như chưa từng trải qua những ngày hãi hùng khi nằm cô độc ở bìa rừng, bất lực đón nhận cái chết.
Y Nôn giờ đây đã là cô thiếu nữ khỏe mạnh, nụ cười đã trở lại sau biến cố - Ảnh: B.D.
"Nó là con mình mà"
Trong ngôi nhà cũ của mình, Y Nôn - cô thiếu nữ đang bước vào độ tuổi yêu đương - ngồi bên cạnh bố mình. Hỏi lại chuyện cũ, Nôn ngại ngùng và bảo rằng lúc đó rất sợ. "Cháu đau lắm, lạnh mà ngứa khắp người nhưng ở trong chòi rẫy không biết kêu ai cả. Cháu nghĩ là mình sẽ chết, sợ lắm", Y Nôn kể lại.
A Hành bảo rằng lúc ra chọn khu đất ở ngoài làng rồi chặt cây làm chòi rẫy để đưa con đặt ở đó, bản thân ông cũng rất buồn nhưng ông không thể làm gì khác. "Trong làng lúc đó Nôn là người đầu tiên bị ghẻ lở nhiều như thế, mình cũng đưa con đi đắp lá thuốc rồi ra trạm y tế xã lấy thuốc về chữa nhưng không khỏi.
Đâu chỉ chừng 3 tháng từ bình thường khỏe mạnh, con mình đã bị ghẻ lở ăn đầy người. Mình sợ quá, mà dân làng cũng sợ lây nên xa lánh. Mình nghĩ không chữa được nữa nên mới phải bỏ con ở chòi rẫy, hằng ngày đưa cơm nước cho cháu ăn", ông Hành nhớ lại.
Người đàn ông Mơ Nâm này ngậm ngùi bảo rằng ngày ấy đã xác định con mình sẽ bị chết mà không cách gì cứu chữa, kể cả tới khi cán bộ phát hiện và thuyết phục ông để đưa con đi chữa trị thì ông cũng không hy vọng gì.
"Nó là con mình mà, mình cũng buồn lắm chứ. Thấy con trở về thì mừng lắm. Giờ nó khỏe mạnh được như thế này cũng nhờ được người ta cứu chứ không thì chết rồi", ông Hành nói.
Ông Hành có vợ và ba người con, Y Nôn là con giữa. Sau khi lên lớp 6, Nôn được giao về gia đình và được đi học tới qua lớp 8 thì nghỉ học rồi ở nhà đi làm rẫy cho tới nay. Cô bé bảo rằng hiện giờ trong người vẫn sẹo chi chít, mắt một bên mù hẳn.
Căn bệnh cũ tới giờ vẫn còn chưa dứt hẳn, nhưng đã có phác đồ điều trị được vạch ra. "Cứ vài tuần con lại bị ngứa ở cổ và quanh người. Con tự chạy xe xuống Bệnh viện Kon Tum để các bác sĩ phát thuốc về uống", Nôn tâm sự.
Cô bé "đợi chờ cái chết"
Y Nôn vốn khỏe mạnh, bình thường nhưng đầu năm 2014, khi 10 tuổi và đang học lớp 5, thì bị ghẻ lở khắp người. Gia đình dùng lá rừng điều trị không khỏi, sau đó mời thầy cúng nhưng bệnh càng tồi tệ hơn.
Trong nỗi bế tắc và tuyệt vọng, gia đình Y Nôn đã dựng một chòi rẫy ngoài làng rồi đặt cô bé trên sạp tre nứa, hằng ngày cô bé nằm ở đó và được đưa cơm nước để đợi cho tới lúc bệnh nặng chết.
Đoàn cán bộ xã tình cờ phát hiện cô bé đã thoi thóp và giúp hồi sinh như câu chuyện thách thức hủ tục ngàn đời trên núi cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận