Ba cuốn sách vừa ra mắt sớm trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: TỰ TRUNG
Các bạn đến để đọc lại cuốn sách Kính chào thế hệ thứ tư, gặp lại một con người: cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân của ngày nào.
Gối đầu nằm lời "Kính chào"
Đứng giữa các bạn trẻ, ông Hoàng Đôn Nhật Tân như được sống lại thời thanh niên 47 năm trước.
Ông cười: "Tôi khi ấy được phân công làm trưởng Ban tuyên huấn Thành Đoàn. Tuổi ngoài 20, hăng hái lao vào công tác, tổ chức những cuộc mít tinh, văn nghệ, hoạt động thanh niên... thế mà cũng có lúc thấy mệt.
Ấy vậy mà chú Sáu Dân thì đủ công việc mà chỗ nào cũng thấy ông có mặt. Đã vậy ông còn viết được cả sách. Cuốn sách ra đời như một lời giải cho bài toán hàm số phức đang rối ren cuộc đời chúng tôi trong buổi giao thời ấy...".
"Buổi giao thời" giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến đấu và xây dựng đời sống mới, giữa hưởng thụ cuộc sống và đảo lộn mất mát... bao nhiêu con người là bấy nhiêu nỗi niềm.
Nhiều thanh niên Sài Gòn đang chán nản vì mất chỗ học, chỗ làm, hoang mang, lo lắng không được chấp nhận trong xã hội mới.
Nhiều thanh niên cách mạng như ông Tân cũng vướng mắc vì chưa biết phải tiếp cận với "những người của chế độ cũ" ra sao... Những bài phát biểu của Bí thư Võ Văn Kiệt đi vào lòng người nhưng không phải ai cũng được nghe, thành phố liền tập hợp lại, in thành sách.
"Ngay lập tức, cuốn sách trở thành sách gối đầu nằm của chúng tôi - cả người mới và người cũ.... Trong ấy có những lời giải đáp cho tất cả".
Ông Hoàng Đôn Nhật Tân mỉm cười, khép mắt đọc những đoạn nằm lòng: "Tương lai không bao giờ có sẵn và tự dưng đến với chúng ta.
Phải thông qua chiến đấu và lao động bằng chính sức của mình mới có được tương lai bền vững. Lớp người trước không tiếc máu. Lớp người sau không tiếc mồ hôi.
Tổ quốc sống, thành phố sống vì những lứa tuổi thanh xuân biết nghĩ, biết làm. Khó khăn đến đâu chúng ta cũng giải quyết được nếu chúng ta biết gỡ ra từng mối một"...;
"Trong những năm chiến đấu, tuổi trẻ thành phố chúng ta có một bài hát dễ thương, đó là bài Tự nguyện. Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát: "Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương".
Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước vĩnh viễn độc lập tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống. Câu hát đó có thể sửa lại là: "Nếu là người tôi phải sống cho quê hương"...
Bà Thế Thanh, cô phóng viên trẻ, xông xáo của báo Phụ Nữ những năm ấy hôm nay cũng đến với buổi giao lưu để kể về những ngày mướt mồ hôi chạy theo bí thư Thành ủy từ cuộc họp đến công trường.
Bà nhắc lại ấn tượng sâu đậm nhất: "Ông chỉ nói có một lần trong cuộc họp cán bộ: "Tuyệt đối không được phân biệt đối xử với "những người Sài Gòn" dù đó là cựu lính cộng hòa, đối tượng nghiện hút...".
Một câu như thế thôi cũng khó mà xóa tan đi những quan điểm bị khắc sâu bởi chiến tranh trong lòng nhiều người. Nhưng đi theo ông thì thấy ông thể hiện mọi lúc mọi nơi, bài phát biểu nào cũng bắt đầu bằng "Các em yêu quý! Các em thân mến!".
Xuống công trường, những lần ông hỏi các anh em "dân Sài Gòn" ở đội nào là để ông xuống đội đó hút thuốc, trò chuyện. Sáng ra, ông cầm leng cầm cuốc đào xúc đất thành thạo y như mọi người.
Cuốn sách của ông xuất bản với cái tít đi thẳng vào lòng người: Kính chào thế hệ thứ tư. Là người viết báo, tôi cũng không nghĩ ra được câu nào trân trọng người trẻ hơn thế...".
Nhà báo Trần Ngọc Châu, khi ấy đang là một nhà giáo mất việc, bảo ông vì nghe bí thư gọi mình là "Các em yêu quý" mà đã gia nhập lực lượng thanh niên xung phong những năm ấy.
Ảnh: PHẠM VŨ
Chất ngọc của chữ Dân
Và không chỉ có những câu chuyện về người trẻ. Đọc lại những bài phát biểu đậm chất Võ Văn Kiệt trong ba cuốn sách vừa ra mắt sớm trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (Kính chào thế hệ thứ tư và Đồng chí Võ Văn Kiệt - NXB Tổng Hợp TP.HCM, Chất ngọc Võ Văn Kiệt - NXB Trẻ), người đọc hôm nay còn thấy rõ những suy ngẫm quay quắt của ông những năm trùng trùng khó khăn ấy: "Cuộc chiến đấu sống còn, quyết liệt nhưng nhất định phải thắng.
Cùng với cái ăn mà khẩu phần và định lượng buộc chúng ta phải tính tới kho lúa, rẫy rau, vựa cá và đàn heo, chúng ta còn phải giải quyết một loạt nhu cầu về mặc, về ở, về phương tiện đi lại, học hành và giải trí lành mạnh cho con người".
Và ông xắn tay lên, cùng các đồng chí mình chạy gạo cho dân, được người dân đặt cho biệt danh "ông bí thư gạo".
Ông lắng nghe đến "trân người" ý kiến của những người trí thức Sài Gòn và tâm sự tha thiết với họ: "Tôi nghĩ nhiều khi không phải vấn đề tư tưởng mà là vấn đề cách làm việc. Biết làm việc xin nhớ cũng là biết đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong công việc chung.
Mặt khác, mỗi người trí thức chúng ta phải biết nâng tầm nghĩ lớn, không nên quá ư chấp nhất, chớ vì đôi điều vướng mắc cá nhân mà đặt thành vấn đề thái độ chung hay chính sách.
Chúng ta rất nên tỉnh táo, biết nhìn nhận khách quan, vì nghĩa lớn và trọng lao động của nhau mà chủ động cùng nhau vun bồi tinh thần thật tâm đoàn kết, thông cảm, hợp tác với nhau thật sự". Rất nhiều người trí thức đã chọn ở lại vì cảm được sự chân thành ấy.
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện về ông Sáu Dân mọi người sẽ đọc, sẽ kể những ngày này.
Và câu chuyện nào cũng quy về chữ "Dân" trong lòng ông, mà ông đã tự tay viết thư giải thích cho một người bạn: "Sáu là người chị tôi yêu quý nhất còn lại sau khi mẹ tôi mất và người chị thứ năm tôi mất sớm; Dân, là tên đứa con gái yêu quý tôi đặt tên là Hiếu Dân để ghi nhớ sâu sắc trong cuộc đời là nhớ công ơn của Dân".
Thư được in trong Chất ngọc Võ Văn Kiệt, đủ để những người thuộc thế hệ thứ tư, thứ năm, thứ sáu của ngày hôm nay phải dành ra thời gian, để thêm tâm nguyện mà nghĩ về chữ Dân trong mình.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, NXB Tổng Hợp TP.HCM, NXB Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM và các đơn vị phát hành sách tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ ngày 13 đến 24-11 tại Đường sách TP.HCM với các hoạt động triển lãm, trưng bày các ấn phẩm, sách, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận