27/09/2024 11:38 GMT+7

Gặp lại cậu bé bị bệnh, ước làm lính cứu hỏa

Cậu bé Trần Đặng Trung Quân (8 tuổi) vẫn còn nhớ như in ngày được trải nghiệm làm lính cứu hỏa ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) năm ngoái. Đó là buổi sáng vui nhất của Quân trong những ngày bị căn bệnh ung thư máu hành hạ.

Gặp lại cậu bé bị bệnh, ước làm lính cứu hỏa - Ảnh 1.

Bé Trần Đặng Trung Quân thích thú khi được trải nghiệm một ngày làm lính cứu hỏa vào tháng 8-2023 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM - Ảnh: BVCC

Gặp lại Quân khi mẹ em là chị Đặng Thị Kim Loan (46 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) đưa con đi tái khám. Quân trông khỏe mạnh hơn, hồn nhiên cười khoe mới đi học lại lớp 1.

Một ngày làm lính cứu hỏa

6h40 sáng, mưa tầm tã, chị Loan vào nộp sổ khám. Chờ đến lượt con, một lần nữa chị trút nỗi lòng sau một năm rưỡi cùng con chống chọi bệnh tật. Đầu năm 2023, Quân đang học lớp 1 ở quê ngoại Bình Thuận.

Làm công nhân ở TP.HCM, về thăm chị thấy tay con có nhiều vết bầm to nhưng nghĩ do con đi học chạy giỡn. Nào ngờ Quân yếu đi, hay mệt, chị đưa con vào TP.HCM khám rồi như muốn đổ gục khi biết Quân mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.

Lòng mẹ đau như cắt. Chị tạm nghỉ việc và từ khi Quân nhập viện vào tháng 4-2023, chị ở luôn khu điều trị chăm con. Những ngày Quân truyền thuốc, chị thức trắng canh chừng. Nhìn con khi ấy chỉ nặng 20kg, tóc rụng hết, da sạm, nằm thiêm thiếp mà chị rơi nước mắt không biết bao lần.

Quân dù đau đớn, tủi thân nhưng vẫn rất ngoan và thương mẹ. Chị kể: "Trong con có mầm tươi tốt. Con cứ nói với mẹ là muốn lớn lên làm lính cứu hỏa cứu người". Tình cờ, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM - thường tổ chức cho các em nhỏ trải nghiệm nghề nghiệp cứu hỏa - biết đến ước mơ của Quân.

Đại úy Đỗ Ngọc Đức, lúc đó là bí thư Đoàn PC07, kể rằng anh lập tức đề xuất hiện thực ước mơ của em.

Anh chia sẻ: "Tôi và các đồng đội rất lo lắng, hồi hộp vì sức khỏe Quân có đảm bảo an toàn để trải nghiệm hay không. Sáng 4-8-2023 được sự hỗ trợ của các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng, hoạt động trải nghiệm diễn ra thuận lợi, an toàn".

Chị Loan nhớ mãi sáng hôm đó Quân được hướng dẫn các thao tác cơ bản, cùng các anh thực hiện nhiệm vụ, phun chữa cháy... Quan sát Quân trong trang phục xanh đen, đội nón đỏ của người lính cứu hỏa, mọi người nhận xét bé hoạt bát và tiếp thu nhanh. Đôi mắt chị Loan ánh lên niềm tự hào trước ước mơ đẹp của con đã thành hiện thực dù chỉ một ngày.

Quân là bệnh nhi đầu tiên mà đơn vị đến tận bệnh viện tổ chức buổi trải nghiệm. "Sau buổi đó, Quân tươi tắn, khỏe mạnh hơn. Tôi và đồng đội hạnh phúc khi mang lại nụ cười cho em", anh Đức nói.

Còn chị Loan cứ nhắc đi nhắc lại: "Làm như sau bữa đó, bệnh con đỡ hơn. Trước đây có lúc Quân yếu lắm, không ăn được bằng đường miệng, người ta khuyên nên chuẩn bị tinh thần. Con nói không muốn chết đâu, muốn sống với mẹ...".

Chăm con, mẹ phát hiện mình cũng mắc ung thư

Hiện mẹ con chị Loan thuê trọ ở đường tỉnh lộ 43, huyện Củ Chi. Mua thêm cho Quân chiếc bánh bao, nhìn con ăn, chị lại nhớ về đoạn đời cơ cực.

Học hết lớp 5, là chị cả trong gia đình tám anh chị em, khuya nào chị cũng lên núi mót than gánh về bán lại. Đến giờ chị vẫn có cảm giác đời mình trắc trở như con đường một bên là núi, một bên là vực, buông tay là ngã.

Chị lấy chồng, sinh con. Quân ra đời năm 2016. Từ hồi trẻ chị bị suy tim, cảnh nhà thiếu thốn nên chỉ mua thuốc uống. Chăm bệnh Quân, nhiều đêm không ngủ, ngực chị đau nhói, phải nhờ mấy chị nuôi bệnh cùng phòng đấm lưng cho đỡ.

Chị đâu ngờ đó là lúc bệnh ung thư trở nặng, mỗi khi nằm xuống không thở nổi do tràn dịch. Phần cổ bên trái to lên, bướu sờ cứng nặng như đeo đá.

Được khuyên đi khám, chị mếu máo: "Tiền đâu mà khám, không chừng lòi ra bệnh". Nghe dọa lỡ có gì ai lo cho con, chị mới chịu qua Bệnh viện Ung bướu khám. Chị kể: "Kết quả sinh thiết tôi bị ung thư tuyến giáp đã di căn. Cầm tờ giấy, tôi khóc quá trời luôn".

Chị muốn sống lo cho con. Quay về, chị không cầm được nước mắt khi biết con trai một mình ra chỗ tượng Phật chắp tay cầu: "Ai thấy mẹ con con cũng thương, xin giúp cho mẹ con có tiền đi mổ". Nhìn Quân lúi húi khấn lạy, ai cũng rưng rưng.

Nỗi đau dồn dập vượt quá sức chịu đựng. Quân xuất viện, chị gửi con về cho ngoại trông đỡ, một mình trải qua ca mổ tháng 10 năm ngoái, rồi mổ lần hai vào đầu tháng 11.

Nhìn mẹ qua màn hình điện thoại, Quân khóc: "Mẹ ơi, mẹ có sao không mẹ? Con thương mẹ quá mẹ ơi!". Sắp tới, chị lại đi xạ trị. "Bây giờ khi làm việc nặng hoặc suy nghĩ nhiều là đầu đau buốt, có khi nhớ nhớ quên quên", chị tâm sự.

Mong một phép màu

Cả mẹ và con đang chống chọi căn bệnh đáng sợ, nhưng thay vì khóc than số phận nghiệt ngã, mẹ con chị nương tựa nhau, tự thắp lên ánh sáng cuộc đời. Tên ở nhà của Quân là Sáng. Chị Loan nói mỗi lần gọi "Sáng ơi", chị cảm thấy có chút gì le lói hy vọng.

Tình yêu thương vô bờ của mẹ, sự quan tâm của người xung quanh giúp Quân hồi phục phần nào. Vừa rồi khám, em cân được 34kg, mũm mĩm ai nhìn cũng thương.

Thương con dở dang năm học vừa rồi, chị Loan vừa xin cho Quân học ở một trường dòng cho con đỡ buồn, có bạn bè. "Mấy nay con học tô các nét. Con thích học môn tiếng Việt, thuộc bài trên lớp luôn", Quân nhoẻn cười, bàn tay nhỏ lật giở trang vở với nét tô tim tím.

Để trang trải, mỗi ngày chị Loan dậy từ 4h sáng. Khi con còn trong giấc thơ ngây, chị đạp xe bán vé số. 5h30 chị về sửa soạn cho con đi học, mình bán tiếp đến trưa về cơm nước cho con. Nếu còn vé, chiều chị lại bươn đi bất kể nắng mưa.

Có thời gian dù đang bệnh nặng, để có tiền lo cho con, chị dậy từ 1h đạp xe ra chợ đầu mối. Trên con đường khuya vắng vẻ, người mẹ không thấy sợ hãi chỉ mong bán mỗi ngày 200 tờ vé số. Sau thấy như vậy nếu mình ngã xuống ai sẽ lo cho Quân, chị không bán khuya nữa.

Trong câu chuyện, chị cứ nhìn sang con. Quân ôm mẹ, hỏi mẹ mệt không. Cầm bánh bao, Quân bẻ nhỏ đút cho mẹ. Lúc lấy máu, Quân khẽ nhăn mặt nhưng khám xong, em lại nói: "Nay không đau mẹ ơi".

Chị xoa lưng, bóp bóp bàn tay Quân: "Tội nghiệp lắm. Con đi học mà mấy hôm nay tay bị co rút, viêm phế quản. Đang biên chữ thì đau, co lại, cô giáo phải xoa cho con một hồi".

Nghĩ đến chặng đường phía trước, nước mắt chị Loan lại rơi. Có lúc chị nghĩ quẩn, hay là mình ôm con từ giã cuộc đời. Nhưng rồi chị bình tĩnh lại.

Trong lòng chị biết rằng con như cây non, có thể có kỳ tích, có thể có phép màu. Nên con thèm ăn gì, muốn làm gì chị đều cố gắng cho con vui. Quân thích ăn gà, xúc xích, ốc và món canh chua mẹ nấu.

Trời vẫn mưa tầm tã, hai mẹ con nắm tay nhau về. Dường như trong mưa có tiếng thổn thức cho hai số phận nhỏ nhoi giữa bão tố cuộc đời. Một lát nữa thôi, mặt trời sẽ lại sáng...

Điều khiến chị ấm lòng nhất, đó là Quân không chỉ thương mẹ mà còn biết nghĩ đến người khác. Hôm đóng góp cho bà con bị bão số 3, bé đi học lấy 40.000 đồng mẹ cho mấy hôm để góp. Quân khoe mẹ, cười vui vì làm được việc ý nghĩa.

Gặp lại cậu bé bị bệnh, ước làm lính cứu hỏa - Ảnh 2.

Quân nằm nghỉ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm khi đi tái khám. Dù bản thân cũng bị bệnh, chị Kim Loan luôn nắm chặt tay con vượt qua bão tố cuộc đời - Ảnh: Y.T.

Ngày 9-3-2024, Đoàn thanh niên PC07 tổ chức huấn luyện trải nghiệm "Một ngày làm lính cứu hỏa" cho hơn 300 sinh viên, bé Trung Quân cũng có mặt. Đơn vị trao tặng bé 10 triệu đồng hỗ trợ học tập.

"Chúng tôi thường liên lạc hỏi thăm tình hình sức khỏe điều trị của Quân. Mong em luôn lạc quan chống chọi bệnh tật, vượt qua khó khăn để trở thành người lính cứu hỏa kiên cường, bản lĩnh", đại úy Đỗ Ngọc Đức chia sẻ.

Gặp lại cậu bé bị bệnh, ước làm lính cứu hỏa - Ảnh 3.Gặp lại chàng trai từng xin cá sống qua ngày

Sáu năm sau ngày trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi gặp lại Nguyễn Tấn Thành tại chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" ở xã biển Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp