Phút trùng phùng của hai mẹ con chị Thơm (bìa trái) và bé Hà sau năm ngày bị bắt cóc - Ảnh tư liệu |
Cách đây gần 5 năm, thôn Kênh Cầu (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) vốn yên bình bỗng xôn xao vì cái tin con trai mới sinh của gia đình anh Phạm Xuân Chiều và chị Trần Thị Thơm (39 tuổi) bị ngay tại Bệnh viện Phụ sản trung ương Hà Nội.
“Ai bắt con tôi?”
Hà là cậu bé trắng trẻo, có đôi mắt to tròn và gương mặt thông minh. Vừa thấy chúng tôi, cậu bé đã nhoẻn cười rồi mắc cỡ sà vào lòng mẹ. Xoa xoa hai bàn tay bé xíu của con, chị Thơm nói với chúng tôi rằng nếu ngày đó không tìm được Hà, không biết cuộc đời chị sẽ ra sao.
“Nhưng chắc chắn là không bao giờ hạnh phúc và cũng sẽ không còn tâm trí làm được gì nếu không còn con nữa” - chị chia sẻ. Rồi chị kể lại giây phút tình mẫu tử bị đe dọa ngày ấy mà chị khó có thể quên được.
Khoảng 10g ngày 3-11-2011 tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, bé Hà - khi đó gia đình tạm đặt tên là Phạm Văn Trường - được 3 ngày tuổi và vừa được ẵm từ phòng tắm về giường chị Thơm, bỗng nhiên một phụ nữ trong trang phục y tá yêu cầu đưa bé đi xét nghiệm máu.
“Không chút nghi ngờ, mình đồng ý. Mấy giờ đồng hồ trôi qua không thấy bé đâu, gia đình hớt hải đi tìm mới biết bệnh viện không ai yêu cầu đem bé đi đâu cả” - chị Thơm kể.
Khi biết người nhà tìm không thấy bé, chị muốn ngất đi. Vừa mới qua ca mổ lấy con mới được ba ngày và còn đang nằm tịnh dưỡng, nỗi đau này là quá lớn đối với chị. Vụ việc được báo ngay lập tức lãnh đạo bệnh viện, cơ quan chức năng.
Hà là đứa con, đứa cháu mà cả đại gia đình đều mong mỏi. Vì vậy tin cháu bé bị bắt cóc khiến ai cũng hụt hẫng. Bà Vũ Thị Quyết (77 tuổi) - bà nội của Hà - kể lại: “Lúc ấy tôi đang ở quê chăm ông nhà, ông bị tai biến mấy năm nay không đi lại được.
Nghe cháu bị ẵm mất mà bần thần cả người, vội vàng đi xe lên Hà Nội. Đến nơi chỉ còn biết khóc. Không biết ai đã nỡ bắt cháu tôi?”. Còn chị Lê Thị Thu (27 tuổi, cháu ruột chị Thơm) bảo khi nhận tin Hà bị bắt cóc chị cũng không tin.
“Cháu sinh ra nặng 3,4kg, bụ bẫm đáng yêu lắm. Không chỉ người thân họ hàng, mà bất cứ ai nghe chuyện cũng xót xa” - chị Thu nói.
Ngay sau khi bé Hà bị bắt cóc, Công an Hà Nội đã lập ban chuyên án, huy động hơn 70 trinh sát của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội phá án.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (thời điểm xảy ra vụ án đang là đại tá và giữ chức vụ phó giám đốc Công an TP Hà Nội) là người trực tiếp chỉ đạo phá vụ án này.
Sau khi rà soát, loại trừ các trường hợp gia đình xin con nuôi tại Hà Nội trong những ngày đó, ban chuyên án chuyển sang làm việc với hơn 3.000 tài xế taxi ở Hà Nội vì cho rằng kẻ bắt cóc có thể đón taxi từ bệnh viện.
May mắn, tài xế taxi tên Nguyễn Xuân Việt đã cung cấp thông tin quan trọng cho công an làm căn cứ phá án. Theo lời anh Việt, trưa 3-11 anh chở một phụ nữ bế một cháu nhỏ tại quận Long Biên về Bắc Giang.
“Người phụ nữ này nói đấy là con mình nhưng lại không mang theo quần áo, vật dụng gì của trẻ sơ sinh và ngồi xe cứ thi thoảng liếc nhìn tôi. Đến ngày 6-11 nghe tin có cháu bé bị bắt cóc, tôi chợt nhớ lại vị khách lạ lùng này nên vội trình báo cơ quan chức năng” - anh nhớ lại.
Tiếp nhận thông tin từ anh Việt, công an đã đến Bắc Giang để làm rõ, rồi từ đây lần ra người phụ nữ bắt cóc cháu bé tên Nguyễn Thị Lệ. Một lực lượng cũng được cử đến vùng biên giới vì lo ngại cháu bé bị bán qua Trung Quốc.
Ngày 8-11, một tổ trinh sát đến nhà gia đình chồng của Lệ ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Đến nơi, họ ập vào ngay lúc Lệ đang cưng nựng cháu bé. Qua lời khai, đó đúng là cháu Hà, lúc này được 8 ngày tuổi.
Chiều hôm đó, giây phút trùng phùng giữa cháu bé và gia đình đã trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ cho cả đôi bên lẫn phía ban chuyên án và bệnh viện, những người biết chuyện.
Ngoài người thân của gia đình anh Chiều, đội ngũ y bác sĩ, còn có thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng cùng chờ đón cháu bé trở về.
Anh Chiều kể: “Khi đó là gần 3 giờ chiều. Tôi mừng đến mức không thể khóc nổi. Và tuy chưa xét nghiệm ADN nhưng nó là giọt máu của tôi nên khi nhìn thấy thằng bé, tôi đã khẳng định đó là con tôi...”.
Thời điểm ấy, cả ngàn người đã xếp hàng tại Bệnh viện Phụ sản trung ương chứng kiến và chung vui với gia đình chị Thơm.
Bà Quyết mừng mừng tủi tủi nói với chúng tôi: “Mấy hôm cháu bị bắt đi tôi không ngủ được. Ngày nào cũng ngóng tin từ trên viện, không thì đi loanh quanh thôn hỏi thăm xem có ai biết tung tích cháu không. Gia đình cũng chia nhau tìm kiếm các vùng gần đó...”.
Tiếp lời mẹ chồng, chị Thơm cũng xúc động: “Thật không có từ ngữ nào diễn tả được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy lại nhúm ruột của mình. Tôi sẽ không bao giờ để cháu xa rời mình nữa”.
Bé Phạm Trường Hà và chị Thơm hôm nay - Ảnh: Quang Thế |
Tất cả vì con
Bé Hà ở lại theo dõi sức khỏe tại bệnh viện chừng một tuần thì về với gia đình. Liên tiếp những ngày sau đó, hàng xóm và cả những người không quen biết đều tới tận nhà ở Hưng Yên thăm hỏi, xem mặt cháu bé có số phận khá kỳ lạ này: bị bắt cóc và trở về trong 5 ngày.
Chị Thơm nói: “Đến bây giờ 5 năm rồi nhưng thi thoảng tôi ra chợ, đi trên đường vẫn có người hỏi thăm con tôi thế nào rồi. Họ vẫn nhớ rõ chuyện ngày xưa và bảo tôi ráng nuôi con khôn lớn”.
Một điều đặc biệt trong câu chuyện, khi biết rõ hành động bắt cóc của Nguyễn Thị Lệ xuất phát từ hoàn cảnh chính chị ta cũng đang đau khổ, bế tắc vì mất con từ khi mới sinh, gia đình chị Thơm đã không kiến nghị gì mà chỉ để mọi việc được xử theo đúng pháp luật.
Chị Thơm cũng không yêu cầu bồi thường gì từ Lệ và rút đơn khiếu nại bệnh viện. “Tìm được con là mừng rồi, coi như trời đã thương mình. Là người mẹ, tôi cũng thông cảm phần nào với người đã bắt con tôi” - chị chia sẻ. Cuối cùng, bản án dành cho Lệ là 4 năm tù giam.
Sau khi được trả về, bé Hà lớn lên trong tình yêu thương vô hạn của ông bà nội, cha mẹ và họ hàng hai bên. Thời gian đầu khi mới đưa bé về, chị Thơm kể bản thân cũng còn lo sợ và bất an bởi vừa trải qua một cú sốc lớn.
Chị và mẹ chồng trông nom bé rất cẩn thận, hầu như không ẵm đi đâu trong mấy tháng đầu. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chị đi dạy lại (chị là giáo viên cấp II), mọi việc chăm sóc bé giao lại bà nội và một bà cụ quen biết trong làng đến nhà chăm theo giờ.
“Thế nhưng mỗi khi cháu đòi bú, quấy khóc nhiều là tôi phải gọi cho mẹ cháu về. Lúc nhỏ cháu khá kén ăn, thi thoảng bệnh vặt nên chúng tôi phải chăm kỹ lắm” - bà Quyết nhớ lại.
Khi Hà cứng cáp hơn, gia đình cho bé đi nhà trẻ. Chị Thơm vuốt mái tóc con mình, âu yếm nói: “Thấy vầy chứ cô giáo ở nhà trẻ bảo nghịch lắm, hay chạy giỡn với các bạn. Giờ cho đi nhà trẻ để cháu biết sơ sơ mặt chữ, để cháu dạn dĩ hơn. Năm sau cháu vào lớp 1 rồi, nhanh thật”.
Bà nội ngồi gần cười móm mém, nói Hà hay nói với bà rằng cháu thích làm cảnh sát. “Mỗi lần như thế cháu nó lại làm điệu bộ như anh công an đang đứng gác, oai vệ lắm khiến cả nhà cũng vui lây. Tôi chỉ cầu mong cháu lớn lên khỏe mạnh, thông minh” - bà bộc bạch.
Nhớ ơn và không oán trách Cách đây hai năm, gia đình của Lệ từ Bắc Giang có ghé nhà chị Thơm nhờ ký vào đơn xin ân xá cho Lệ. “Không biết cô ấy giờ thế nào, mong rằng cô ấy sẽ làm lại cuộc đời” - chị Thơm nói. Anh Chiều cũng có cùng suy nghĩ như chị Thơm. Anh cười tươi bảo rằng: “Biết là Lệ có lỗi, nhưng sống trên đời mình phải có tấm lòng bao dung. Cô ấy không làm hại con mình, chỉ muốn bắt con mình về vì lý do muốn được làm mẹ nên gia đình cũng chỉ mong cô ấy sớm có con trở lại chứ không oán trách nữa”. Hôm có mặt tại tòa xét xử Lệ, anh cũng là người xin giảm án cho cô. Còn hiện giờ, gia đình anh Chiều - chị Thơm vẫn giữ liên hệ với anh tài xế taxi tốt bụng tên Việt. Anh Việt không làm tài xế cho hãng taxi cũ nữa, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn giữ mối quan hệ khắng khít với vợ chồng anh Chiều - chị Thơm và bé Hà. “Gia đình tôi đã kết thân với anh ấy, coi anh như người nhà. Chúng tôi vẫn nhớ ơn anh ấy vì đã trình báo cơ quan chức năng về việc Lệ bắt cóc con tôi dù đó là chuyện đã qua...” - anh Chiều nói. |
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận