19/12/2022 10:32 GMT+7

Gặp lại các thiên thần sinh năm hy hữu và diệu kỳ

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Năm anh em là những bé thơ trong ca sinh năm hy hữu ở TP.HCM chín năm trước. Gặp lại các bé vui vẻ trong đồng phục thể dục lớp 4, chúng tôi rất vui khi thấy những thiên thần bé bỏng ngày nào đã lớn lên hồn nhiên, khỏe mạnh.

Gặp lại các thiên thần sinh năm hy hữu và diệu kỳ - Ảnh 1.

Năm anh em quây quần ăn cơm cùng nhau - Ảnh: Y.TRINH

Chiều mát, năm cô cậu bé Cả, Hai, Ba, Tư, Út như những chú chim non ùa ra cổng trường, nơi mẹ các bé là chị Lê Huỳnh Anh Thư (37 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) đang đứng đợi. Mấy mẹ con đi bộ về nhà trong con hẻm đường Trần Bình Trọng gần đó.

Năm giọt máu kỳ diệu

Về tới nhà, chị Thư giục các con cất cặp sách, rửa mặt cho mát. Năm anh em nhí nhảnh tíu tít kể chuyện lớp khiến chị cũng cười theo. Nhìn các con, chị bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian thai nghén năm giọt máu của mình...

"Tôi và chồng lấy nhau hai năm chưa có tin vui nên sốt ruột, tìm đến một phòng khám. Năm 2012, tôi đậu thai, mừng lắm", chị kể. Sau đó là khoảng thời gian kiên cường của vợ chồng khi bác sĩ thông báo chị mang thai ba bé. Đến tháng thứ tư, chị đi siêu âm lại thì phát hiện... bốn bé. Bác sĩ khuyên bỏ bớt một phôi vì những rủi ro mang đa thai, nhưng chị quyết định giữ lại. "Đứa nào cũng là con mình, bỏ sao được", chị tâm sự.

Những ngày đó, chị tất bật chuẩn bị "đồ nghề" tã sữa, quần áo sơ sinh. Người ta sắm một, chị sắm tới bốn. Các con ra đời sớm hơn một tháng. Sau cơn chuyển dạ chiều ngày 17-3-2013, chị cấp tốc vào Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Một cách nhanh chóng, các bác sĩ quyết định mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con. Và ai cũng bất ngờ bởi có tới năm bé, chứ không phải là bốn.

Chị Thư vui vẻ kể: "Tôi nghe thì biết vậy. Lúc đó mệt lắm, chỉ mong nhanh nhanh được gặp các con. Bệnh viện đánh số, bé nào ra trước thì ghi số 1, nên chúng tôi gọi các con theo thứ tự Cả, Hai, Ba, Tư, Út cho dễ nhớ. Còn tên thật các con lần lượt là Huynh, Đệ, Lộc, Phượng, Muỗi".

Lúc chào đời, hai bé út và áp út có biểu hiện suy hô hấp, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Hai tuần trôi qua, sức khỏe ổn định, sáu mẹ con được về nhà. "Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi nằm mơ cũng không ngờ mình sẽ là người mẹ của năm đứa con ra đời trong cùng một giờ", chị vui vẻ tâm sự.

Gặp lại các thiên thần sinh năm hy hữu và diệu kỳ - Ảnh 2.

Ca sinh năm hy hữu ở TP.HCM chín năm trước - Ảnh: THUẬN THẮNG

Nhà trẻ thu nhỏ

Nhà chị Thư giờ không khác gì nhà trẻ thu nhỏ. So với hồi chúng tôi ghé đến trước đây, căn nhà hầu như không thay đổi gì. Chỉ có chiếc nệm nhỏ nơi phòng khách các bé hay nằm bú bình đã được cất đi. Góc phải kê chiếc bàn lớn để đủ chỗ cho năm anh em ngồi học. Điểm khác nhiều nhất có lẽ là bây giờ các bé đã lớn, cảm giác ngôi nhà như chật đi.

"Nè, Muỗi tính đi, 72 nhân 2 bằng mấy, 72 nhân 3...", anh Cả chỉ tay vô tập nháp, hướng dẫn em gái út. Ngồi kế bên, bé Tư cầm miếng vải sặc sỡ, xỏ kim chỉ thực hành bài tập môn thủ công. Riêng anh Hai Đệ đã xong phần mình, chuẩn bị đi tắm. Dù vậy, Hai vẫn không quên méc: "Mẹ coi coi, Huynh lấy cuộn băng keo bỏ vô cặp con kìa". Nói rồi em gối đầu lên chân mẹ như chú mèo con.

Trong năm anh em, Ba Lộc nghịch ngợm nhất. Ngồi đọc bài chưa được 5 phút, em đã bày trò chọc ghẹo anh Hai. Nghe mẹ kể với chúng tôi về chiều cao của mấy anh em, Lộc khoe "Bữa ở trường đo con được 1,34m, cao hơn Huynh, Đệ luôn. Còn Phượng với Muỗi mới có 1,29m à...".

"Anh Hai là "sếp sòng" ở nhà này đó, ảnh tình cảm, biết dòm chừng mấy anh em, thể hiện sự quan tâm...", chị Thư nói và đưa mắt ấm áp nhìn các con. Hỏi về ước mơ của những đứa trẻ, chị cười xòa: "Ước mơ tụi nhỏ thay đổi nhanh dữ lắm. Bữa thì muốn làm bác sĩ, bữa muốn kỹ sư. Anh Cả với hai bé gái thì thích vẽ". Nghe tới đây, Ba Lộc làm như mình đã lớn lắm rồi: "Mai mốt con làm kỹ sư lãnh năm chục triệu một tháng, nuôi mẹ" khiến cả nhà được một trận cười.

Dù năm anh em hiếu động, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày lại rất nề nếp. Đến giờ tắm lần lượt từng em một chứ không giành nhau. Giờ ăn, nghe mẹ gọi là vô bếp nhận phần mình. Chị Thư cười kể: "Hồi nhỏ không có được vậy đâu. Từ hồi vô lớp 1, vợ chồng tôi tập tụi nhỏ biết thức dậy đúng giờ, biết tự tắm rửa, ăn uống...".

Gặp lại các thiên thần sinh năm hy hữu và diệu kỳ - Ảnh 3.

Chị Thư giúp các con học bài...

Gánh gồng vì năm con

Anh Nguyễn Thanh Hiếu (47 tuổi, chồng chị Thư) là tài xế taxi, hầu như ngày nào cũng đi làm từ chiều tới sáng hôm sau để lo cả nhà. Sáng anh về phụ chị đưa tụi nhỏ tới trường, rồi tranh thủ ngủ để đầu giờ chiều đi làm tiếp. Việc chăm sóc năm con hằng ngày chủ yếu do chị Thư đảm nhiệm.

Một ngày của người mẹ này bắt đầu từ 4h sáng. "Tôi dậy nấu đồ ăn sáng, 6h kêu con dậy, ăn uống sửa soạn đi học. Rồi tôi đi chợ, nấu cơm, nấu luôn cho bữa chiều", chị kể. Hơn 16h, chị đi bộ qua trường đón con về.

Đợt dịch COVID-19 năm ngoái, mấy mẹ con và mẹ chồng chị nhiễm bệnh. Tuổi ngoài 70 lại thêm bệnh tiểu đường, mẹ chồng chị không qua khỏi. Chị xúc động: "Mẹ thương tụi nhỏ lắm. Mẹ cùng tôi chăm sóc mấy đứa nhỏ từ hồi mới lọt lòng. Nội đi rồi, năm anh em cứ khóc, hỏi nội đâu". Tới chừng hiểu ra, Hai dặn mấy đứa: "Đừng nhắc nội nữa, mẹ khóc đó". Nghe con nói, chị tự nhủ phải nén buồn đau để tập trung chăm sóc con.

Dường như hiểu được nỗi vất vả của mẹ, năm anh em cũng biết nhường nhịn nhau, biết tự học và học giỏi. "Tôi cũng chưa từng xa con ngày nào. Buổi tối, chồng đã đi làm, các con đợi tôi xong việc nhà, lên gác nằm kế bên mới chịu ngủ", chị kể. Các con cũng ít khi vòi vĩnh ba mẹ. Dẫn đi mua quần áo, có bé còn hồn nhiên hỏi "Mẹ có tiền không mà mua đó?" vì sợ tốn tiền của mẹ.

Trời thương, năm đứa trẻ có sức khỏe tốt, chỉ thi thoảng cảm ho lặt vặt. Dù hiện tại vợ chồng chị đau đầu vì các khoản chi tiêu trong gia đình, nhất là những khoản tiền nhân năm, nhưng họ luôn tự nhủ sẽ cố gắng. "Tôi chỉ mong các con khỏe mạnh, sau này lớn lên có cuộc sống tốt. Hai vợ chồng cũng không bắt các con học ngày học đêm. Cuối tuần rảnh tôi thường dẫn các con ra công viên gần nhà, tụi nhỏ mê cây cối lắm", chị Thư vui vẻ kể về các con.

Có một lần, chị Thư thót tim vì sợ. Khi các con ở tuổi lên 2, chị đưa các con qua quận 1 chơi. Nhìn tới nhìn lui, chị hết hồn khi không thấy bé Phượng đâu. "Thì ra là con tụt lại đằng sau. Lúc đó tôi lo lắm...", chị bộc bạch. Vừa rồi, chị với các con đều bị cảm sốt. Anh Hai sờ trán mẹ, mếu máo: "Mẹ có bị giống bà nội không, có chết không?", khiến chị nghe mà thương đứt ruột.

Sự chung tay của xã hội

Để giúp vợ chồng chị Thư nuôi con, hãng taxi nơi anh Hiếu làm việc đã hỗ trợ mỗi tháng 5 triệu đồng cho đến khi các bé 18 tuổi. Hãng cũng tặng anh chị một căn chung cư ở quận Bình Tân. Chính quyền địa phương cũng thăm hỏi, hỗ trợ những phần quà cho các bé vào một số dịp lễ.

Thầy Quách Tuyền Phát, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất ở Trường tiểu học Lê Văn Tám nơi các bé theo học, chia sẻ rằng thầy rất quý mến năm anh em. Mỗi dịp tết, thầy đều mua giày đi học cho năm thiên thần.

"Tôi dạy các em từ năm lớp 1 tới giờ. Mấy đứa ngoan, thông minh, chăm học. Ngoài giờ học, tụi nhỏ còn tham gia ngoại khóa, vô đội trống của trường. Còn một năm nữa là mấy em lên cấp II rồi, không còn gặp nữa, nghĩ mà buồn...", thầy chia sẻ.

Chuyện tình trong trại trẻ mồ côi Chuyện tình trong trại trẻ mồ côi

TTO - Mới đây, một đám cưới đặc biệt được tổ chức tại mái ấm dành cho trẻ mồ côi ở Gia Lai mà chú rể đã vượt ngàn cây số từ Vũng Tàu lên Tây Nguyên hỏi vợ. Họ đến với nhau trong một câu chuyện gặp gỡ lạ lùng.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp