Khách cũ "nợ" khó đòi và muốn rời đi, tìm kiếm khách hàng mới
Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), vốn Nhà nước chiếm 48,3%, vừa bầu bổ sung lãnh đạo mới tham gia vào hội đồng quản trị là ông Nguyễn Cao Cường, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, và ông Nguyễn Công Hoàn, phó giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất.
Vai trò xuất hiện của lãnh đạo của ACV có lý do. Ở bối cảnh này cho thấy SAGS đang cần sự hỗ trợ lớn từ "ông trùm" kinh doanh, quản lý 22 sân bay Việt Nam và chủ đầu tư giai đoạn 1 sân bay Long Thành.
Ông Đặng Tuấn Tú, chủ tịch SAGS, chia sẻ năm 2024 thị trường hàng không phục hồi, điểm sáng tới từ một số thị trường mới như Ấn Độ đã từng bước ghi nhận tăng trưởng về sản lượng hành khách.
Dù vậy, công ty xác định khó khăn vẫn bủa vây liên quan tới lạm phát, biến động giá xăng dầu, tỉ giá khiến chi phí tăng cao. Trong khi đó, cảng Tân Sơn Nhất khó tăng trưởng do slot và hạ tầng quá tải.
Các khoản nợ khó đòi khiến lợi nhuận đang giảm khi phải trích lập dự phòng. Chẳng hạn, SAGS chấm dứt phục vụ với Bamboo Airways từ đầu năm, trích lập dự phòng khoản nợ này từ 53,6 tỉ đồng lên gần 74 tỉ đồng.
Ngoài Bamboo Airways, công ty cũng trích lập dự phòng các khoản thu khó đòi với các hãng khác như Nordwind Airlines, Ikar Airlines, Fly Gangwon, nhưng ở mức thấp hơn. Mặt khác, việc các hãng hàng không như Vietjet phải giảm chuyến bay nội địa vì thiếu máy bay và lên kế hoạch ra tự phục vụ riêng cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thách thức với SAGS đang lớn, ông Đặng Tuấn Tú cho biết định hướng tập trung nâng cao chất lượng nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới với mục tiêu tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ.
Đồng thời ưu tiên đấu thầu thành công dịch vụ mặt đất ở sân bay Long Thành, theo ông Tú "đây là quyết định sự tồn tại, phát triển tương lai của công ty". Tính đến cuối tháng 6, công ty này có gần 1.190 tỉ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt và đầu tư là hơn 880 tỉ đồng, còn lại khoản phải thu 290 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này có gần 350 tỉ đồng nợ ngắn hạn tới hết tháng 6.
Ngoài SAGS, trong ngành dịch vụ mặt đất còn có Công ty Viags (của Vietnam Airlines), HGS, AGS, Vietjet, Pacific Airlines...
Cước hàng không cao, dịch vụ kho hàng ở Tân Sơn Nhất lãi đậm
Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn vừa có quý 2-2024 kinh doanh ấn tượng khi cước vận tải hàng không tăng cao khi đường biển gặp thách thức ở biển Đỏ, kẹt cảng ở Singapore...
Quý 2, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận doanh thu thuần 264 tỉ đồng và lãi ròng 190 tỉ đồng, tăng tương ứng 53% và 47% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, SCS còn sở hữu biên lợi nhuận gộp đến 81%, nghĩa là cứ 100 đồng doanh thu, doanh nghiệp thu về 81 đồng lãi gộp.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế - IATA, sự kiện biển Đỏ khiến chênh lệch giá cước vận tải hàng không so với vận tải biển giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024, làm tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của vận chuyển hàng hóa hàng không.
Khủng hoảng biển Đỏ kéo dài có thể làm thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đem đến thuận lợi cho ngành vận tải hàng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận