Liên tục bán tài sản
Đơn cử như ở Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, hội đồng quản trị doanh nghiệp liên tiếp có quyết định chuyển nhượng tài sản để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Mới đây nhất, công ty này thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng.
Lô đất nêu trên tọa lạc tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, có diện tích 27.731m2. Giá chuyển nhượng dự kiến hơn 96 tỉ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, SMC liên tiếp phải bán tài sản. Hồi tháng 11-2023, SMC đã bán đất và tài sản tại SMC Bình Dương.
Giữa tháng 4 năm nay, hội đồng quản trị SMC đã thông qua nghị quyết chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất ở địa chỉ số 681 Điện Biên Phủ với giá 170 tỉ đồng. Đây cũng là trụ sở của công ty.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính bán niên 2024 ghi nhận lỗ lũy kế của SMC đã giảm từ 168 tỉ đồng hồi đầu năm về còn hơn 68 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 nay. Doanh thu trong nửa đầu năm nay của SMC vẫn giảm rất mạnh so với cùng kỳ, đạt 4.471 tỉ đồng.
Song nhờ khoản thanh lý tài sản, chi phí lãi vay giảm đáng kể…, SMC đã lãi sau thuế 89 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 385 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong ngành may cũng chật vật để duy trì tồn tại bằng việc thanh lý tài sản, đó là Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC).
GMC không có nguồn hàng. Để có dòng tiền, công ty liên tục rao bán máy móc, thiết bị, bất động sản ở tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại báo cáo bán niên 2024, đơn vị kiểm toán độc lập cho biết Garmex đã ngừng sản xuất, kinh doanh từ tháng 5-2023 đến nay.
Hiện công ty đã thực hiện tái cơ cấu lao động, thanh lý tài sản không dùng, góp vốn đầu tư thực hiện dự án, nỗ lực thu hồi công nợ, bổ sung ngành nghề kinh doanh mới nhằm phục hồi sản xuất.
Tới thời điểm này, các thông báo thanh lý tài sản vẫn kín mít trên trang thông tin của Garmex.
Trên báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối tháng 6-2024, Garmex vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 73 tỉ đồng. Doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ còn 358 triệu đồng trong nửa đầu năm nay. Trong khi thời kỳ làm ăn tốt như năm 2021, doanh thu vượt cả nghìn tỉ đồng.
Một tập đoàn có lộ trình thanh lý khối tài sản tỉ USD
Chìm trong khó khăn một thời gian dài, song việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 chuyển từ lãi 345 tỉ đồng sang lỗ hơn 7.300 tỉ đồng của Novaland vẫn khiến nhiều cổ đông choáng váng.
Tại báo cáo đã qua soát xét, đơn vị kiểm toán độc lập đã ghi nhận nhiều thông tin liên quan tới hoạt động tái cơ cấu nợ, duy trì hoạt động của Novaland.
Theo đó, tập đoàn sẽ thanh lý tài sản với tổng số tiền là 25.439 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Trong đó, một tài sản đã được tập đoàn này bán thành công và thu về 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Novaland cũng đã ký các hợp đồng nguyên tắc cho việc bán 7 tài sản với tổng giá trị 12.363 tỉ đồng; đồng thời ký các biên bản ghi nhớ cho việc bản 3 tài sản với tổng giá trị 9.100 tỉ đồng.
Novaland cũng đã nhận được các thư đề nghị không ràng buộc từ người mua cho việc bán 3 tài sản với tổng giá trị 1.982 tỉ đồng.
Gần đây, ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp niêm yết có động thái liên tục bán rút vốn, nhượng lại các khoản đầu tư hoặc chuyển hướng kinh doanh mới.
Như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp của họ tại Công ty Mass Noble. Sau khi hoàn tất thủ tục thoái vốn, Mass Noble không còn là công ty con của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Phía Đức Long Gia Lai cho biết công ty đã đầu tư hơn 249 tỉ đồng, tương ứng nắm giữ 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble.
Hay như Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín liên tục giải thể các công ty con trong lĩnh vực bất động sản để cơ cấu doanh nghiệp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng đã thông qua chủ trương đầu tư, phát triển dự án bất động sản ngoài việc duy trì hoạt động kinh doanh chính là sản xuất sợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận