Theo Hãng tin Reuters, Thái Lan đã trả góp khoảng 7 tỉ baht (193,7 triệu USD) cho Trung Quốc để mua một tàu ngầm lớp Yuan S26T, với động cơ diesel do Đức sản xuất.
Tuy nhiên, thỏa thuận gặp trục trặc do Đức cấm sử dụng động cơ của họ để sản xuất và xuất khẩu với mục đích quân sự.
Trung Quốc đề xuất với Thái Lan phương án thay thế động cơ Đức bằng động cơ do họ sản xuất, nhưng nhiều vòng đàm phán không mang lại kết quả.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh và dự Diễn đàn Vành đai và Con Đường vào tuần trước của Thủ tướng Srettha Thavisin, phía Thái Lan đề xuất muốn mua tàu khu trục thay vì mua tàu ngầm.
"Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc và họ đang xem xét", Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang nói với báo giới ngày 24-10.
Thái Lan sẽ tạm dừng mua tàu ngầm và nối lại "khi đất nước sẵn sàng".
Năm 2017, Thái Lan ký thỏa thuận mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc với giá 13,5 tỉ baht (hơn 373 triệu USD) và còn tính mua thêm 2 tàu ngầm trị giá 22,5 tỉ baht (hơn 622 triệu USD).
Tuy nhiên, thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm bị công chúng Thái Lan và phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ.
Câu hỏi đặt ra là liệu mua tàu ngầm vào thời điểm kinh tế đi xuống vì đại dịch có lợi hay không, và tàu ngầm có cần thiết cho an ninh hay không.
Hải quân Thái Lan khẳng định việc mua sắm tàu ngầm rất quan trọng đối với lợi ích quốc phòng lâu dài của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận