Chùa Kim Quang - một hình ảnh của Huế ở xã kinh tế mới Phú Xuân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) - Ảnh: TRẦN CHI |
“Tôi từ Đà Lạt sang đây trụ trì, thấy như là đang ở Huế. Lúc mô cũng nghe tiếng Huế. Ghé nhà mô cũng thấy nghi lễ, thờ cúng trịnh trọng. Thậm chí còn duy trì hơn cả Huế! |
Sư Thích Nguyên Thắng |
Chiến trường cần... lao động
Anh Trần Chi, trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Krông Năng, hẹn tôi đến quán cà phê Thềm Xưa nằm ở trung tâm thị trấn Krông Năng - nơi hội ngộ của người Huế với một ngôi nhà rường do thợ từ cố đô vào đây thi công. Nhìn qua một thung lũng, bên kia là xã Phú Xuân - vùng kinh tế mới của dân TP Huế với những vườn cà phê và hồ tiêu xanh rì trải dài mải miết ra đến giáp với huyện Ea Kar.
Trần Chi là người có mặt trong đoàn thanh niên xung kích vào đây khai hoang lập vùng kinh tế mới và bám trụ với đất này cho đến tận hôm nay. Câu chuyện của Trần Chi dẫn chúng tôi trở về với cuộc mở đất 40 năm trước với biết bao gian khổ mà theo anh là “thật khó mà diễn tả nổi”...
Bảy giờ sáng 4-2-1977, trời mưa và rét mướt, đoàn xe chở 700 thanh niên xung kích TP Huế rời Đại Nội, qua cầu Phú Xuân thẳng tiến vào Nam với khúc nhạc rộn ràng: “Lên miền Tây không cần gươm súng, chiến trường hôm nay chỉ cần đôi tay lao động...”.
Hai bên đường, người dân vẫy tay chào trong nước mắt. Sau ba ngày hai đêm, đoàn xe dừng lại đổ quân xuống vị trí thôn Huệ An, xã Krông Năng, huyện Krông Buk, bây giờ là thị trấn Krông Năng, nơi chúng tôi đang ngồi. 700 thanh niên xung kích được biên chế thành năm đại đội, do trung tá Nguyễn Thái Long làm trung đoàn trưởng.
Trần Chi được giao nhiệm vụ chính trị viên đại đội 3. Thanh niên xung kích nhưng phần lớn là cậu ấm cô chiêu yểu điệu thục nữ ở phố chưa hề biết đến cái cuốc, cái rựa là gì. Trước mắt họ là rừng rậm bạt ngàn với sên vắt, rắn rít, cọp beo, Fulro, nhưng sợ nhất vẫn là... ma.
Hai tháng sau, lại có thêm năm đại đội với phần lớn là “thanh niên chậm tiến” được bổ sung vô đây để “lao động cho nên người”.
Ngôi nhà của người Huế ở Krông Năng cũng có cây cảnh, hồ nước trước nhà, như kiểu nhà vườn tại xứ Huế. Trong ảnh: nhà của anh Nguyễn Văn Khiển ở xã Phú Xuân - Ảnh: MINH TỰ |
Mồ hôi thấm đất bazan
Ba tháng sau thì những người dân đầu tiên được đưa vô kinh tế mới. Đó là dân của 11 khu phố nội thành và sáu xã vùng ven Huế với cả ngàn lao động chính. Sau khi nhận đất, làm nhà, trồng cây ổn định họ mới đưa trẻ em, người già vào.
Trần Chi cho biết đây là thời kỳ gian nan nhất trong lịch sử 40 năm của xã Phú Xuân. Dân Phú Xuân mấy đời ở TP, nhiều người là trí thức, công chức, sĩ quan chế độ cũ và cả dân vạn đò, đều không quen cuốc đất lật cỏ. Mọi việc sinh hoạt, làm lụng của dân đều đặt dưới sự quản lý gắt gao của chính quyền. Du kích đi tuần suốt đêm để ngăn chặn người dân bỏ trốn về lại TP.
Năm 1989, cuộc sống của người dân còn lắm bấp bênh. Lúc nào cũng nghe họ than thở: “Nhớ Huế quá đi thôi!”. 27 năm sau trở lại, thấy một Phú Xuân đã khác hẳn. Con đường chính chạy qua xã đã trở thành quốc lộ 29, cùng với hệ thống giao thông tỉnh lộ và liên xã kết nối Phú Xuân với cả Tây nguyên và duyên hải miền Trung.
Mỗi tuần hai chuyến xe xuất phát từ Phú Xuân về Huế và ngược lại. Muốn ăn thứ chi thì điện về Huế là sáng mai có ngay. Hai bên con đường chính có những ngôi biệt thự cùng chiếc xe hơi bán tải pickup, kết quả của mấy vụ tiêu được mùa được giá.
Chủ tịch xã Lê Đình Chủng là con trai của thầy giáo Lê Đình Thượng vào dạy học ở đây ngay từ năm 1977 khi Trường cấp I-II Phú Xuân mới mở. Anh Chủng, là thế hệ đầu tiên sinh ra tại đây nhưng nói tiếng Huế rặt, cho biết: “Kinh tế Phú Xuân thuộc loại khá của huyện nhưng phát triển bền vững, vì người dân chú trọng đầu tư lâu dài cho việc học hành và văn hóa”.
Huế hơn cả Huế!
Đi giữa những vườn cà phê và tiêu Phú Xuân mà vẫn nhận ra hình ảnh nhà vườn xứ Huế. Ở đây, nhà nhỏ cũng có cái vườn cảnh trước sân, với bonsai, non bộ và cái bình phong che chắn trước nhà. Chúng tôi ghé vào thăm chùa Kim Quang với chiếc cổng tam quan không khác gì chùa Từ Đàm ở Huế. Ngôi chùa này tiền thân là “niệm phật đường” do dân lập nên từ buổi đầu kinh tế mới.
Trụ trì chùa là đại đức Thích Nguyên Thắng và bốn vị sư thường trú ở chùa này đều là người Huế. Thầy cho biết 90% dân Phú Xuân theo Phật giáo, số còn lại là người các địa phương khác đến và cũng đi chùa vào ngày rằm, mùng một. “Tôi từ Đà Lạt sang đây trụ trì, thấy như là đang ở Huế. Lúc mô cũng nghe tiếng Huế. Ghé nhà mô cũng thấy nghi lễ, thờ cúng trịnh trọng. Thậm chí còn duy trì hơn cả Huế!” - nhà sư nói.
Đêm đầu tiên ở Phú Xuân, một bữa cơm đón khách theo đúng nghi thức Huế được bày ra trong khu vườn của anh Nguyễn Văn Khiển đầy phong lan, cây cảnh, hồ cá và một giàn chanh dây đẹp đến mức không muốn hái.
Ngồi quanh chiếc bàn tròn là đủ các thế hệ người Huế ở Phú Xuân, từ lãnh đạo đến thường dân đều hào hứng nói chuyện “Huế mình”. Anh nông dân kiêm thi sĩ Trần Tương đánh đàn cho chủ tịch Lê Đình Chủng hát bài Huế thương.
Cuối cùng là giọng ngâm thơ của Trần Chi cất lên trong tiếng đàn réo rắt của Trần Tương. “Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên kia”. Bài thơ nổi tiếng về Huế của nhà thơ Thu Bồn được cất lên ở một góc rừng Krông Năng mà cứ như đang nghe ở một khu vườn nào đó trong Thành Nội Huế!
Xã Phú Xuân có hơn 2.365ha cà phê, 380ha tiêu nhưng có đến 10 trường học đủ các cấp, với 234 giáo viên và hơn 3.200 học sinh tiểu học và THCS (chưa kể THPT và đại học). Dân Phú Xuân nổi tiếng ham học và học giỏi ngay từ hồi mới lập khu kinh tế mới. Anh Trần Chi cho biết ngay sau khi làm xong cái lán cho dân vô ở thì phải làm trường học, nếu không họ sẽ bỏ về hết. Họ chấp nhận cực khổ nhưng không chấp nhận con cái thất học, vì dốt thì mấy đời vẫn không hết nghèo. Dù lúc đó xã chỉ mới có trường cấp I, nhưng dân Phú Xuân vẫn đưa con ra ở trọ phố huyện Buôn Hồ để học tiếp cấp II, III. Những đứa trẻ ở trọ ăn bắp để đi học ngày ấy giờ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt tận Sài Gòn, Buôn Ma Thuột. Con trai của anh Trần Chi vừa nhận bằng tiến sĩ toán ở Nga. |
___________________
Kỳ tới: Đến Ea Súp tìm “dân hay cãi”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận