Dù đứng thứ ba thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, đến nay gạo Việt vẫn phải mượn thương hiệu ngoại để xuất khẩu - Ảnh T.Đ.
Đó là một trong những hạn chế về hoạt động được ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, đưa ra tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo VN được tổ chức chiều 10-10.
Theo ông Hải, trong 9 tháng đầu năm (tính đến hết ngày 15-9) Việt Nam đã xuất hơn 4,73 triệu tấn gạo, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, với trị giá đạt 2,38 tỉ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến nay, hoạt động của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh...
Đặc biệt, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến, do gạo Việt được xuất khẩu thông qua một thương hiệu khác. Gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình vẫn chiếm tới 40% cơ cấu gạo xuất khẩu.
Do đó, theo ông Hải, định hướng ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới là sẽ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, xây dựng các vùng chuyên canh lúa gạo hàng hóa có chất lượng. Ngoài ra, sẽ đồng bộ chuỗi sản xuất từ chọn giống, canh tác, quy hoạch gắn với xây dựng uy tín, thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.
Thương hiệu gạo Campuchia đã vươn ra thế giới
Cũng tại hội nghị, dẫn trường hợp Campuchia dù đi sau Việt Nam nhưng đã xây dựng được thương hiệu gạo Phka Romdoul được nhiều nước biết đến, ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, cho rằng đến nay gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu riêng là điều đáng tiếc và là một bài học kinh nghiệm cần nghiên cứu.
Theo ông Albani, các sản phẩm gạo Thái Lan luôn có chỉ dẫn địa lý để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và bán được giá cao, trong khi Campuchia đã rất chú trọng chất lượng, xây dựng thương hiệu nên sản phẩm được đón nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận