Đóng gói gạo hữu cơ tại Công ty Lương thực Tiền Giang - Ảnh: V.TR. |
Những sản phẩm này đang giúp hình thành thói quen sản xuất không dùng phân bón, thuốc hóa học trong nông dân.
Thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, đầu ra ổn định và giá cả cao hơn, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã liên kết phát triển mô hình sản xuất sạch, không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học, với kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình này khi được nhiều người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ.
Trồng bưởi hữu cơ
Vườn bưởi của ông Ngô Văn Đức (xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) chỉ còn hơn hai tuần nữa sẽ thu hoạch để bán trong dịp tết, nhưng lá cây đang bị nấm rong tấn công dù trái rất nhiều với trọng lượng gần 2kg/trái.
Để bảo vệ vườn bưởi, ông Đức và một số nông dân trong tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông đã gặp nhau thảo luận tìm biện pháp khống chế mà không xịt thuốc hóa học. Cuối cùng mọi người thống nhất dùng Chloramine B (dùng khử trùng nước) pha với nước phun lên để vệ sinh lá cây.
Từ năm 2016, ông Đức (có 7 công đất trồng bưởi da xanh được 5-7 năm tuổi) và 27 hộ trong tổ hợp tác Sơn Đông đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp Hương Miền Tây ở huyện Mỏ Cày Bắc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
“Các vườn bưởi sản xuất hữu cơ sẽ không dùng phân bón hóa học, không xịt thuốc cỏ, thuốc kích thích ra hoa hay thuốc trừ sâu hóa học. Nói dễ hình dung là sản xuất theo kiểu giao cho ông trời, cây lớn tự nhiên, chỉ tưới nước, bón phân hữu cơ” - ông Đức giải thích.
Để chứng minh trái bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ ngon hơn bưởi bình thường rất nhiều, ông Phạm Thành Tri (thành viên tổ hợp tác) ra vườn hái một trái bưởi chưa đến ngày thu hoạch vào nhà lột vỏ, tách múi cho mọi người ăn thử.
Ông Đàm Văn Hưng (chủ Doanh nghiệp Hương Miền Tây) đánh giá: “Đúng là bưởi trồng tự nhiên ngon hơn bưởi bón phân, xịt thuốc rất nhiều. Dù chưa chín nhưng các múi bưởi đỏ hồng, căng mọng nước. Múi bưởi không bị sượng và có vị ngọt đậm. Quan trọng nhất là bưởi này tốt cho sức khỏe và rất an toàn”.
Theo ông Hưng, trái cây nào nhìn bên ngoài ngon mà xẻ ra thấy bên trong bị giập, úng chắc chắn có bón phân hóa học, chưa kể sử dụng thuốc, thường có hiện tượng bị hư từ trong ra. Còn trái cây canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ để lâu tự nhiên được, bên trong không bị giập, hư thối và đương nhiên chất lượng rất ngon.
“Dự kiến có khoảng 30 tấn bưởi da xanh hữu cơ được đóng gói bằng bao bì riêng biệt, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ để đưa vào siêu thị phục vụ người tiêu dùng dịp tết” - ông Hưng cho biết.
Ngoài Bến Tre, các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và miền Đông Nam bộ cũng đang trồng rất nhiều bưởi da xanh, nhiều nguy cơ lại bị dội chợ, rớt giá. Từ đó, ông Đức cùng thành viên tổ hợp tác chuyển sang hướng đi mới, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn cho sức khỏe nhằm tạo ra sản phẩm khác biệt, tăng tính cạnh tranh.
“Người tiêu dùng vốn sợ trái cây “ngậm” thuốc trừ sâu nên sẽ tìm kiếm trái cây an toàn. Bưởi hữu cơ được trồng hoàn toàn tự nhiên chắc chắn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng” - ông Đức nói.
Chuyển sang làm gạo sạch
Công ty Lương thực Tiền Giang vừa ra mắt người tiêu dùng năm sản phẩm gạo an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng.
Ông Lê Thanh Khiêm - phó giám đốc công ty - cho biết toàn bộ diện tích canh tác lúa đều được công ty ký hợp đồng với nông dân và quản lý nghiêm ngặt từ khi gieo sạ đến chế biến, đóng gói.
“Không chỉ hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trong canh tác, công ty cũng tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi thu hoạch. Nếu không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, công ty mới thu mua để xay xát, đóng gói đưa ra thị trường” - ông Khiêm khẳng định.
Gạo này được làm theo quy trình rất đặc biệt: tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật và chỉ sản xuất 1 vụ/năm như lúa mùa. Trên bao bì loại gạo này ghi rõ đó là gạo hữu cơ để người tiêu dùng nhận diện.
Ông Nguyễn Công Tạo - chủ tịch Hội Nông dân xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre - cho biết nông dân rất mừng khi ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với doanh nghiệp này bởi được nhiều cái lợi.
Trước hết là không phải lo nghĩ chuyện phun xịt thuốc, tiết kiệm chi phí lại có đầu ra ổn định, giá lúa luôn ở mức cao, lợi nhuận cao và không bị thương lái ép giá như các vụ trước.
“Tính bình quân nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa - tôm theo tiêu chuẩn hữu cơ thu lợi khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Những hộ sản xuất bình thường và không ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thì lợi nhuận thấp hơn. Từ vụ tới, chúng tôi sẽ vận động tất cả nông dân trong xã sản xuất 670ha lúa hữu cơ. Bởi doanh nghiệp nói có bao nhiêu lúa hữu cơ đều bao tiêu hết” - ông Tạo nói.
Không chỉ xã An Điền, nông dân xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú cũng đã đi tiên phong sản xuất lúa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đầu tháng 12 này, 17 hộ nông dân của tổ hợp tác An Hòa (xã An Nhơn) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”.
Nông dân ở đây cũng sản xuất theo mô hình lúa - tôm, chỉ 1 vụ/năm và hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cây lúa lớn lên, trổ bông và cho hạt hoàn toàn tự nhiên. Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết nhiều doanh nghiệp đã tìm đến tranh nhau ký hợp đồng với nông dân.
Tại Đồng Tháp, nông dân Võ Văn Tiếng cũng mày mò sản xuất lúa sạch rồi đưa ra thị trường sản phẩm gạo Tâm Việt phục vụ người tiêu dùng. Cũng như gạo hữu cơ, gạo của anh Tiếng sản xuất hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiện đã có mặt tại TP.HCM nhưng sản lượng còn ít. Tỉnh Đồng Tháp đang tích cực hỗ trợ anh Tiếng đầu tư mở rộng diện tích, phát triển thị trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận