Ngày 30-7, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân tại nước này đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu so sánh vào năm 1999 và giảm khoảng 20% so với năm trước.
Nguyên nhân là do lượng khách du lịch tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gạo, cùng với thời tiết nắng nóng năm ngoái đã ảnh hưởng đến mùa màng.
Với tình hình nhiệt độ cao tiếp tục diễn ra trong mùa hè này, nhiều ý kiến lo ngại rằng lượng gạo tồn kho có thể tiếp tục giảm và dẫn đến việc giá gạo tăng.
Trong khi nhu cầu gạo hàng năm ở Nhật Bản đang giảm do dân số nước này giảm, dữ liệu sơ bộ cho thấy nhu cầu trong nước tính đến tháng 6 vừa qua là 7,02 triệu tấn, tăng 110.000 tấn so với năm trước, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 10 năm.
Bộ Nông nghiệp cho biết nguyên nhân làm tăng nhu cầu tiêu thụ gạo có thể là do mức tăng giá gạo tương đối hợp lý so với giá bánh mì hoặc mì.
Theo báo cáo năm 2023 của Cơ quan Du lịch Nhật Bản, nước này đã chứng kiến lượng khách nước ngoài đổ về sau khi các hạn chế đi lại do COVID-19 được dỡ bỏ và đồng yen yếu. Thưởng thức ẩm thực Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của du khách.
Đối với lượng gạo sản xuất năm 2023, giá trung bình khi các hợp tác xã sản xuất bán cho người bán buôn đã tăng lên 15.865 yen (102 USD) cho 60kg vào tháng 6, mức cao nhất trong khoảng 11 năm. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp khẳng định rằng cán cân cung cầu "chưa bị phá vỡ" và cho biết việc phân phối gạo sản xuất năm 2024 vẫn chưa được đẩy nhanh hoàn toàn.
Chính phủ dự báo lượng gạo tồn kho sẽ giảm xuống còn 1,52 triệu tấn vào tháng 6 năm sau và nhu cầu trong nước sẽ giảm xuống còn 6,73 triệu tấn trong cùng tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận