Con là tất cả của mẹ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đơn thân là cuộc sống không phụ nữ nào mong muốn. Nhưng có những ngã rẽ, họ chọn cuộc sống một mình đóng nhiều vai. Trái với những mưu sinh, gạo tiền, con cái phải làm lụng lo nghĩ, thì không ít người mẹ đơn thân quan niệm "cày" dành dụm là… chuyện thường.
Những bà mẹ đơn thân là những người phụ nữ đang nuôi con một mình. Dù có là ai thì vất vả là điều dễ thấy. Nhưng ngày nay, không khó để bắt gặp những người mẹ đơn thân biến vất vả thành... niềm vui, để nhẹ nhàng mọi thứ thường nhất.
Tự lấy khó khăn làm bàn đạp
Chị Nguyễn Hồng Ánh (Hà Nội) là giáo viên một trường THCS quốc tế. Chị chia tay chồng được 5 năm, tự nuôi 2 con, đứa tiểu học, đứa THCS. Mọi thứ ban đầu với chị là màu tối, dù rằng đây là sự ra đi của quá nhiều rạn vỡ mà cả hai đã chuẩn bị trước. Vực dậy, tự mình lấy khó khăn làm... bàn đạp.
Chị kể: "Năm đầu tôi ổn định tâm lý. Những năm về sau lao vào làm. Sau khi dạy xong, tối tôi đến trung tâm dạy, rồi nhận dạy online, nhận phiên dịch tiếng Trung tại nhà. Thứ bảy, chủ nhật đăng ký làm hướng dẫn viên cho công ty du lịch, đi nội thành.
Tôi còn quay sang tìm hiểu về đất đai, tôi mua dự án trả theo giai đoạn, mua đất thế chấp nhà. Rồi chạy vòng để sang tay lấy chút chênh lệch. Quá bận rộn nên không còn thời gian lo nghĩ, hay so sánh với cuộc sống có vợ có chồng".
Thắc mắc thời gian đâu dành cho con, chị Ánh chia sẻ khoảng trống để mấy mẹ con quây quần là trong bữa ăn và trước khi đi ngủ.
"Con tôi rất hiểu chuyện, tôi thường xuyên chia sẻ tâm sự nên các con hiểu rằng mẹ đi "cày". Có lúc con tôi nói vui mẹ như "3 đầu 6 tay", nhưng mà mọi thứ mình độc lập, năng lượng tràn đầy, lạc quan thì mọi gánh nặng thành như là gánh... vui" - chị Ánh chia sẻ.
Phải nuôi dạy con thật tốt, khôn lớn trưởng thành, thu nhập thật cao... là cái đích mang mẫu số chung của nhiều phụ nữ đơn thân.
Câu chuyện về người mẹ nuôi tận 3 đứa con ngoan ngoãn, học tốt khiến hội Single mom (mẹ đơn thân) đầy ngưỡng mộ. Đó là câu chuyện của chị N.T.K.Xuân (Q.12, TP.HCM) làm ở công ty nước ngoài (trụ sở Q.1).
"6h sáng, 4 mẹ con phải ra khỏi nhà. Con đi học, mẹ đến công ty. Trưa là tôi lên lịch cho những cuộc hẹn, ý tưởng công việc làm ăn bên ngoài. Tối con cái lên giường là mình làm việc thêm. Thấy việc nào trong khả năng của mình là tôi xin bạn bè làm chung, thậm chí sẵn sàng gánh "team" (nhóm) để có nhiều thù lao. Vì xác định được mục đích của mình rồi, công việc, sự bận rộn là niềm vui", chị Xuân tâm sự.
Một công ty khởi nghiệp ban đầu chỉ là nhiệt huyết, là ý chí "cày", để bây giờ là một cơ sở mà nhiều đối tác tìm đến trong dịch vụ vận tải xuyên đa quốc gia; một vài quán cà phê nho nhỏ... tất cả được chị Xuân "vận công" ngày đêm, dốc hết công sức vào.
"Một mình làm gì cũng khó, nhưng than thở kêu ca không phải là điều hay. Từ ngày tôi hết mình làm để nuôi con, tôi ham nhiều công việc, tuy mệt nhưng mà vui, không phụ thuộc, vì thế mọi thứ rất nhẹ nhàng", chị Xuân nói.
Suy nghĩ tích cực thành nội lực
Phụ nữ an nhàn, phụ nữ nội trợ, phụ nữ của gia đình... là những cụm từ chỉ phần đông cuộc sống êm đềm, đúng trách nhiệm, đúng nghĩa vụ của chị em mà tạo hóa sinh ra. Thế nhưng, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa kiếm tiền, vừa giữ "lửa" với các con... phải chăng là sức mạnh tình thế, hay là xu hướng?
Trao đổi điều này với ông Đào Lê Hòa An - chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, ông cho rằng với xu hướng hiện đại, phụ nữ ngày nay đã khẳng định mình trên rất nhiều lĩnh vực, đạt được rất nhiều thành công trong công việc lẫn cuộc sống.
"Những đặc điểm tính cách chung ở họ chính là sự quyết tâm, có ý chí, quyết đoán, tự lập, bản lĩnh. Tuy nhiên, đi kèm với những điều đó chính là việc không có nhu cầu lệ thuộc vào một bờ vai "chưa biết" có vững chắc hay không từ những người đàn ông.
Thông thường, những người mẹ đơn thân có những vết thương tinh thần, nếu suy nghĩ tích cực, lâu dài sẽ trở thành nội lực. Những điều đó khiến họ có xu hướng "một mình có thể lo cả thế giới". Tôi đánh giá đó là những phụ nữ rất bản lĩnh", ông An nhìn nhận.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng mở rộng thêm để trọn vẹn vấn đề, dù "một tay" có vững chãi về kinh tế, có độc lập về tài chính đến đâu chăng nữa, thì sâu thẳm cuộc sống của mẹ đơn thân ít nhiều vẫn có chông chênh.
Chuyên gia này nói thêm: "Dù rằng họ rất giỏi giang, ẩn sâu trong nhu cầu của phụ nữ vẫn cần nhận được sự chở che, luôn yếu mềm trước một ai đó có thể "bắt đúng cảm xúc" của mình. Cho nên cũng cần phân biệt sự mạnh mẽ, bản lĩnh ở góc độ nhất định, chứ không phải khẳng định tất cả".
Trân trọng những phụ nữ bản lĩnh
Sau tất cả là tình yêu mẹ dành cho con - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo một chuyên gia xã hội học: "Trong Hán - Nôm, chữ "an" có nghĩa là yên ổn, thì cách viết của từ này phía trên là bộ miên, phía dưới là bộ nữ, tức là phụ nữ phải ở trong nhà, lo việc nhà mới là người phụ nữ bình yên, hạnh phúc theo đúng quan niệm ngày xưa. Ngày nay, xã hội thay đổi, con người cũng thay đổi theo nên tôi hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần gánh vác, lo bươn chải với phụ nữ coi như là... niềm vui, dù rằng rất mệt nhọc.
Ở đây cũng nhấn mạnh tôi không cổ xúy cho cuộc sống đơn thân. Nhưng với những trường hợp phụ nữ hiện đại ngang sức đàn ông, có cuộc sống tự chủ dù là khách quan hay chủ quan, vẫn làm tốt nhiều vai, rất đáng khâm phục, trân trọng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận