Với - đứng trước một gánh nặng của “nhiều đời bộ trưởng để lại” (?) - ông sẽ chọn khâu nào làm điểm đột phá, để tạo một bước chuyển mới cho nền giáo dục Việt Nam?
Triết lý giáo dục - la bàn không chỉ hướng Bắc!
Phóng to |
Sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit) tham gia Lễ hội văn hóa do khoa Đông ph ương học của trường tổ chức - Ảnh Đ. Toàn |
“Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà GS Hoàng Tụy đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục” - Nhà văn Nguyên Ngọc không hề đơn độc với nhận định trên của mình.
Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, một người lạc quan nhất cũng có thể nhận thấy rằng, nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là sự thiếu thích ứng với những biến đổi to lớn của nền kinh tế - xã hội và những đòi hỏi ngày càng cao của thế giới, đó là vì Việt Nam thiếu một triết lý giáo dục cho thời kỳ mới.
GS.TS Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục cho rằng do Việt Nam chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng và thống nhất, gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu và phát triển chiến lược giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục cụ thể. GS Nguyễn Hùng Hậu (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng thấy cần có một triết lý giáo dục đi trước mở đường, chứ không thể xây dựng chiến lược theo kiểu “dò đá qua sông”.
Ý kiến thì rất nhiều, song Bộ GD-ĐT có nghe không? Trước sức ép của dư luận, năm 2007 Bộ cũng đã tổ chức hội thảo về triết lý giáo dục. Và, đến hôm nay mọi việc coi như… chìm!
Triết lý nào cho giáo dục Việt Nam thời kỳ mới? Câu hỏi tiếp tục treo lơ lửng!
Đổi mới quản lý là đổi mới cái gì? Ai cần đổi mới?
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG TP.HCM nói về kinh nghiệm rút ra được của bà: “Hiện nay cái gì hay đều do những sáng kiến và nỗ lực cá nhân hoặc tập thể nhỏ, hay nói cách khác, là từ cấp cơ sở, mà ra. Còn cái dở, đa số nằm ở tầm chiến lược, chính sách, và cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành quản lý. Mà... sai ở tầm vĩ mô, thì nguy hiểm lắm chứ! Ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến toàn bộ một dân tộc trong một vài thế hệ. Rất đáng lo!”.
GS Chu Hảo nói thẳng: “Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức. Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường đại học”.
Trong buổi trực tuyến ngày 31-8-2009 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, cũng phát biểu: “Nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD-ĐT”. Ngay Nghị quyết trung ương 2, khóa 8 năm 1997 chỉ ra bốn nguyên nhân làm yếu kém nền giáo dục nước nhà, trong đó có nguyên nhân thuộc về công tác quản lý.
Vấn đề tưởng đã quá rõ. Song, công tác quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô nhiều năm qua vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”.
Trước thực trạng quản lý giáo dục ngày càng bộc lộ những yếu kém, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về “Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012”. Lý giải về việc chọn đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất của tất cả các yếu kém mang tính hệ thống ở bậc đại học thời gian qua là do thực hiện các giải pháp khoa học quản lý chưa sát.
Tiếc thay, Bộ GD-ĐT lại triển khai cuộc “cách mạng” quản lý bằng tư duy “phong trào” chứ không bằng tư duy “khoa học”: hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị của các trường ĐH-CĐ trên cả nước được mở ra với nhiều chương trình hành động và khẩu hiệu “nổ rền”, nhưng lại chẳng liên quan gì đến việc đổi mới quản lý cả! Hàng loạt cuộc ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Trung ương Đoàn TNCS HCM, giữa các ban giám hiệu, đảng ủy nhà trường với Đoàn TNCS HCM của các trường về chương trình hành động của sinh viên (!) đối với cuộc “đổi mới quản lý giáo dục”.
Đổi mới diễn ra “lạc đề, lạc chủ thể”? Trong khi đó, nội dung được các trường và xã hội mong chờ nhất là: việc đổi mới công tác quản lý của Bộ đối với hệ thống các trường đại học ra sao? Giao quyền tự chủ đến đâu? Đổi mới cơ chế tài chính như thế nào? Mức độ phân công, phân cấp quản lý cho các trường? v.v... Tất cả chìm khuất!
Tài chính - càng lên cao càng “mờ”?
Trên trang web chính thức của Bộ GD-ĐT nhiều năm trước đây, số sinh viên học sinh, số giảng viên, tổng đầu tư của Nhà nước, tổng chi từng năm đều được công khai. Nhưng, nay những số liệu trên đã gần như biến mất. Vì sao thông lệ công khai tài chính của nhiều đời bộ trưởng trước, nay lại bỏ?
GS Phạm Phụ nhiều lần kiến nghị: Có kế hoạch từng bước minh bạch hóa tài chính giáo dục, minh bạch rồi sẽ có hiệu quả, có chất lượng và hạn chế được tham nhũng. Trước mắt đề nghị minh bạch năm khâu: Quy trình cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục; Các dự án vốn vay ODA; Quy trình cấp phép lập trường và nâng cấp trường; Xuất bản sách giáo dục; Công khai tài chính ở các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã chiếm 20% tổng chi ngân sách. Về con số tuyệt đối, ngân sách nhà nước đã tăng từ 19.747 tỉ đồng năm 2001 đến 2012 sẽ là 137.566 tỉ đồng. Ngoài ra, người dân đóng góp dự kiến từ năm 2008-2012 sẽ là 190.904 tỉ đồng, tương đương 2% GDP (tính toán của Bộ GD-ĐT). Chưa kể vốn vay ODA và các khoản viện trợ không hoàn lại của quốc tế vào khoảng trên 2 tỉ USD trong mười năm qua.
Trong lúc tiền đầu tư tăng vùn vụt thì ngành giáo dục lại thừa nhận: không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước, bởi 74% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục do các UBND tỉnh quản lý, 21% do các bộ ngành khác quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 5%. Không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách giáo dục, mà các địa phương và bộ ngành khác quản lý cho Bộ GD-ĐT nắm tình hình để điều phối.
Bộ GD-ĐT đã mất quyền kiểm soát về tài chính!?
Với Đề án Đổi mới cơ chế tài chính, Bộ GD-ĐT có chuyển động bước đầu với chủ trương bốn kiểm tra, ba công khai: kiểm tra thu, chi ngân sách, học phí, và kinh phí các chương trình mục tiêu; công khai cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm, thu chi tài chính.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Đặng Văn Ngữ, đến nay Bộ chỉ nhận được báo cáo từ 150 trường đại học và 227 trường cao đẳng, trong đó chỉ có 34% trường báo cáo đủ các nội dung. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Hà Nội, các trường tự tuyên bố, kê khai là một chuyện, cần phải có cơ quan kiểm định để ghi nhận thực tế đó đến đâu. Còn GS Phạm Phụ lại băn khoăn: ba công khai rất tốt, nhưng có lẽ khó có một ai phán xét nổi chất lượng ở đó là đáng giá “bảy triệu đồng hay 10 triệu đồng”.
Một nội dung lớn khác của tài chính giáo dục: nền giáo dục Việt Nam đã đa dạng hóa loại hình đầu tư, hàng loạt ĐH-CĐ dân lập, tư thục đã ra đời trong suốt mười năm đổi mới. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian vấn đề lợi nhuận của khu vực này đã rất không rõ ràng: là trường “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”? Bởi trên thế giới, ứng xử của Nhà nước giữa hai loại hình trường này rất khác nhau.
Một khi tài chính thiếu minh bạch sẽ ngáng trở rất lớn trong việc đánh giá hiệu quả, thiết lập kế hoạch đầu tư chính xác cũng như đóng góp của xã hội cho giáo dục.
Không lắng nghe và chưa thấu hiểu?
Có thể nói quá không: trong suốt hơn 10 năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới một cách quyết liệt, chưa bao giờ trên các diễn đàn giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân cũng như giới trí thức trong và ngoài nước ngừng nghỉ việc đóng góp ý kiến của mình để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Điểm qua các kiến nghị về giáo dục của các nhóm trí thức lớn thời gian qua, có thể thấy năm 2004 GS Hoàng Tụy cùng 23 nhà khoa học khác đã gửi bản kiến nghị lên Trung ương Đảng, Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Minh Hiển kêu gọi cải cách giáo dục toàn diện và mạnh mẽ.
Năm 2005, nhóm nhà khoa học Việt kiều gồm các giáo sư: Hồ Tú Bảo, Trần Nam Bình, Trần Hữu Dũng, Trần Văn Thọ, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt đã có đề án “Sử dụng trí thức Việt kiều để góp phần xây dựng giáo dục đại học chất lượng cao tại Việt Nam”. Năm 2006 là bản kiến nghị của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam về những vấn đề của giáo dục. Năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra đề xuất “Đổi mới có tính cách mạng nền GD-ĐT của nước nhà”.
Năm 2008, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và 15 nhà quản lý và chuyên gia giáo dục như Trần Hồng Quân, Nguyễn Thị Tâm Đan, Nguyễn Minh Hiển, Chu Hảo, Đặng Quốc Bảo, Vũ Ngọc Hải, Phạm Phụ… cũng đã “Đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ”.
Nhưng tiếc thay, tất cả như rơi vào “hố thẳm của im lặng”!
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 đã nhận định: công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước. Đạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận