* Vụ Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News bị TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội xử bác đơn kiện (TT 30-4) cho thấy con đường bảo vệ quyền lợi của chủ tài sản trí tuệ không hề dễ dàng dù không thiếu luật. Xin giới thiệu một số ý kiến luật sư.
Phóng to |
Một số lượng lớn ruột sách không nguồn gốc chưa gia công bị bắt quả tang tại cơ sở Huy Thi năm 2011 - Ảnh: First News |
Giai đoạn đầu: người chủ tài sản trí tuệ thực hiện quyền tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ thông tin, truyền thông. Làm cho người tiêu dùng biết, và nhận biết sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ của mình, và khuyến cáo mọi hành vi xâm phạm sẽ bị trừng phạt.
Bồi thường thiệt hại theo luật định Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BVH-TT&DL - BKH&CN - BTP, có nội dung hướng dẫn “nguyên tắc bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại và cách thức bồi thường” trong lĩnh vực bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác biệt với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự, vì vậy phải áp dụng điều 204, điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 sửa đổi bổ sung theo nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 của Chính phủ. Một trong những khác biệt là mặc dù Luật sở hữu trí tuệ quy định thiệt hại phải xác định theo thực tế, nhưng điều 205 cũng quy định giải pháp mở, trong tình huống không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất, thì mức do tòa án ấn định nhưng không quá 500 triệu đồng, gọi là “bồi thường thiệt hại theo luật định”. Quy định đặc thù này bảo đảm bù đắp phần nào thiệt hại cho chủ tài sản trí tuệ. |
Giai đoạn tiếp theo: khi phát hiện có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu phải tự tổ chức thu thập thông tin, xác minh, tập hợp bằng chứng. Giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, phải đảm bảo các yêu cầu:
Thứ nhất, phải tự tổ chức đội ngũ chuyên gia tham vấn, kể cả luật sư, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ. Thường các chủ sở hữu ít chú tâm đến điều này nên tự tổ chức nhân viên của mình làm, dẫn đến kết quả thu thập “chứng cứ yếu”, “không phản ánh đúng bản chất”, có thể bị bên vi phạm phản bác, hoặc không đủ sức thuyết phục cơ quan có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu.
Thứ hai, thực hiện xác minh, làm rõ hành vi xâm phạm, tập hợp được đầy đủ chứng cứ và xác định được thiệt hại ở bốn góc độ chính yếu mà Luật sở hữu trí tuệ quy định bao gồm: thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần, chi phí đã bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại và chi phí thuê luật sư. Trong đó thiệt hại vật chất không phải lúc nào cũng xác định được; nhưng để có cơ sở áp dụng giải pháp “bồi thường thiệt hại theo luật định”, thì chủ thể phải xác định được ai thực hiện hành vi xâm hại, có thiệt hại trong khoảng thời gian và không gian xác định.
Thứ ba, tất cả chi phí thực hiện công việc trên phải được tập hợp và có chứng từ hóa đơn hợp pháp. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng thường bị xem nhẹ, dẫn đến không ít trường hợp bị tòa bác yêu cầu.
Giai đoạn sau cùng: yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền như biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự.
Cần lưu ý rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không xem xét giải quyết nếu đơn yêu cầu của người chủ sở hữu không chứng minh được có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy để thực hiện được chế tài trừng phạt và bồi thường trong giai đoạn này, chủ sở hữu phải thực hiện những điều ở các giai đoạn trước như đã nói.
Mục tiêu cuối cùng của quá trình theo đuổi bảo vệ quyền, ngoài sự trừng phạt, còn phải hướng đến chấm dứt hành vi xâm hại và được bồi thường thiệt hại. Vì vậy các biện pháp dân sự luôn được áp dụng, bao gồm: buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại, nếu không ảnh hưởng đến khả năng khai thác tài sản trí tuệ của chủ thể quyền.
Chủ tài sản trí tuệ tự đánh giá mức độ bị xâm phạm quyền để có thể chỉ yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự hoặc áp dụng các biện pháp dân sự sau khi áp dụng biện pháp hành chính như vụ First News; hoặc áp dụng biện pháp dân sự song song với biện pháp hình sự nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý quy định tại điều 170a và điều 171 Bộ luật hình sự. Mỗi cách thức áp dụng, gánh nặng chứng minh khác nhau; việc chứng minh sẽ nhẹ hơn trong tình huống có kết luận, quy buộc của cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Việc hiểu và vận dụng quy định của luật pháp vào thực tiễn không phải bao giờ cũng thống nhất, nhưng chủ tài sản trí tuệ không còn cách nào khác ngoài việc dấn bước trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cần phối hợp chặt chẽ nhiều cơ quan
Ngày 5-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết các vi phạm kinh doanh không phép, kinh doanh sách không có hóa đơn chứng từ đều phải bị xử lý. Đối với các vụ vi phạm bản quyền, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên trách của Sở Thông tin & truyền thông TP.HCM để xác minh hoặc tham gia đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp thực hiện.
Theo thống kê của QLTT, các vụ kiểm tra liên ngành, chuyên ngành phát hiện và tịch thu hàng chục ngàn cuốn sách không rõ nguồn gốc trong thời gian gần đây. Cụ thể mới đây đội QLTT 2B - Chi cục QLTT TP.HCM thực hiện kiểm tra điểm kinh doanh sách tại P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) do ông Đặng Lê Nam làm chủ. Kết quả kiểm tra cho thấy có hơn 66.000 cuốn sách tham khảo phục vụ luyện thi đại học - cao đẳng, sách nâng cao, chuyên đề phục vụ học tập các cấp tiểu học, trung học... không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, đơn vị kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong đăng ký. Với những vi phạm này, UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt 35,2 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.
Theo đại diện QLTT, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng lậu hiện khá phức tạp. Đặc biệt các cơ sở in ấn đăng ký kinh doanh nhưng không thực hiện in đúng sản phẩm đăng ký. Các điểm kinh doanh trà trộn các sản phẩm chính thống với sản phẩm lậu. Việc kiểm soát sách lậu, vi phạm bản quyền đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan xuất bản, đơn vị thanh tra văn hóa, thông tin... vì đây là mặt hàng khá đặc thù.
Phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sở hữu trí tuệ được ban hành để khuyến khích và bảo vệ quyền lợi của những cá nhân, tổ chức mà họ luôn nỗ lực lao động, học tập để nâng cao khả năng sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm trí tuệ đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của xã hội. Các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền của tác giả, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên hệ đến vụ việc vi phạm quyền tác giả của First News, cơ sở gia công sách của ông Nguyễn Văn Thi bị bắt quả tang lưu trữ gần 10.000 cuốn sách không có nguồn gốc xuất xứ, trong đó có hàng ngàn cuốn sách của First News. Giả sử lời khai của chủ cơ sở là đúng - khi cho rằng số sách trên là của người khác đưa đến nhờ cơ sở gia công, thì cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm vì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hành vi của cơ sở ông Nguyễn Văn Thi cũng như những trường hợp tương tự... đều cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không khởi tố, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi này là vô hình trung đã thủ tiêu và giết chết các ý tưởng và khát vọng sáng tạo của những người lao động chân chính.
Áp dụng luật chuyên ngành để xét xử
Vụ First News kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi là một vụ tranh chấp về bản quyền mà TAND huyện Thanh Trì lại áp dụng luật dân sự để tuyên án là không hợp lý. Lẽ ra phải áp dụng luật chuyên ngành (tức Luật sở hữu trí tuệ) để xét xử.
TAND huyện Thanh Trì nhận định rằng First News chưa chứng minh được thiệt hại, nên cơ sở Huy Thi không có trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng là không đúng. Vì nếu áp dụng Luật sở hữu trí tuệ với một số lượng sách không nguồn gốc lớn như vậy thì First News vẫn có thể được bồi thường lên đến 500 triệu đồng.
Một điều bất thường là vì sao tại hiện trường vụ bắt giữ năm 2011, với giá trị vi phạm ở cơ sở Huy Thi đã vượt quá 50 triệu đồng (tính theo giá bìa nhân số lượng các cuốn sách thành phẩm và chưa thành phẩm), mà phía đội quản lý thị trường lại không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra?
Các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: ● Ủy ban nhân dân: thực hiện quyền quản lý nhà nước địa phương. ● Tòa án: thực hiện chức năng xét xử dân sự, hành chính và hình sự về xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. ● Hải quan: kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới liên quan đến sở hữu trí tuệ. ● Quản lý thị trường, thanh tra và công an là ba cơ quan chức năng trực tiếp có đủ quyền lực để điều tra làm rõ hành vi, mức độ vi phạm để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy trong vụ in lậu sách First News, việc xác định được ai là chủ lượng sách lậu không còn là trách nhiệm của chủ sở hữu First News nữa, mà là của công an và quản lý thị trường. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận