Siêu âm cho bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ - Ảnh: Linh Hà |
Bệnh chưa có thuốc điều trị, không chỉ gây biến chứng xơ cứng gan và ung thư gan mà còn dẫn tới bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
10 người xét nghiệm, 6 bị bệnh
Chị Lê Thị T. (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) không thể tin được khi kết quả siêu âm, xét nghiệm sức khỏe định kỳ kết luận chị bị mỡ máu cao, GNM độ 3 trong khi chị thuộc thể trạng gầy còm nhất cơ quan. Nghi ngờ, chị tiếp tục đi kiểm tra chỗ khác nhưng kết quả cho thấy nồng độ men gan trong máu vẫn tăng cao gấp cả chục lần so với bình thường.
Anh Nguyễn Văn Q. (38 tuổi, Sông Công, Thái Nguyên) thấy người gần đây mệt mỏi, chán ăn, bụng ấm ách, tức ngực đi khám xét nghiệm máu thì chỉ số triglycerid gấp gần 10 lần bình thường. Siêu âm, hàm lượng mỡ chiếm trên 40% trọng lượng gan và có biểu hiện xơ cứng.
Bác sĩ Đào Thị Kim Ngân, chuyên gia siêu âm phòng khám phát hiện sớm ung thư (Hà Nội), cho biết GNM còn gọi là thoái hóa mỡ gan.
Đó là tình trạng tích lũy chất béo trong gan > 5% trọng lượng gan. Bệnh thấy trên siêu âm ngày càng nhiều, nếu chục năm trước mỗi ngày phòng khám siêu âm chỉ gặp 1 - 2 ca thì nay từ 7 - 10 ca.
Tương tự, bác sĩ Lý Thị Phong, trưởng phòng khám Trung tâm Y tế Sông Công, Thái Nguyên, cho biết ngày càng nhiều người bị GNM.
Trước đây, phòng khám mỗi ngày chỉ gặp 1- 2 người do viêm gan, nam giới trên 45 tuổi uống nhiều rượu bia, thì hiện tại gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ 7 - 8 tuổi cũng bị, đặc biệt đang gia tăng ở lứa tuổi 20-30.
Trung bình một ngày có 7-10 người bị GNM, chiếm tỉ lệ gần 10% số ca đến khám tại phòng khám.
Còn bác sĩ Lưu Kim Ảm, phó khoa chuyên khoa cận lâm sàng Trung tâm Y tế Sông Công, cho biết có tới 50% bệnh nhân siêu âm ổ bụng có biểu hiện GNM ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều người rất trẻ mới 30 tuổi đã có biểu hiện GNM xơ hóa. Có trẻ 15-16 tuổi mỡ đã chiếm tỉ lệ > 30% trong gan.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đức Chung, trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 354, cho biết thống kê cho thấy nguy cơ mắc GNM tăng gấp 4,6 lần ở những người béo phì, nhất là dạng béo bụng.
Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường, người gầy ăn chay trường như nhà sư cũng đang bị rất nhiều.
Bệnh không chỉ gặp ở người trung niên mà cả lớp trẻ với tỉ lệ khá cao, trung bình cứ 10 người làm xét nghiệm lâm sàng thì có sáu người bị GNM. Nhiều người không tin và “cự” lại bác sĩ khi kết luận bị GNM.
Ăn kiêng cũng gây bệnh
Bác sĩ Vũ Đức Chung cho biết sự gia tăng GNM là do môi trường và thói quen ăn uống của chúng ta đã thay đổi.
Ngoài việc chúng ta ăn ngon, ăn no, ăn thừa năng lượng, uống nhiều bia rượu... thì nhiều người lại thực hiện các chế độ ăn kiêng, ăn kham khổ, không ăn cơm... mà không hiểu rằng tất cả việc ăn uống thiếu cân bằng này đều dẫn tới thiếu một số chất cần thiết để đưa bớt mỡ ra khỏi gan và bị GNM.
Bên cạnh đó, việc thực phẩm bị nhiễm hóa chất, sử dụng thuốc tùy tiện: từ viên thuốc kháng sinh đến các thuốc giảm đau, thuốc chống táo bón... đều có thể gây thoái hóa mỡ gan.
Bác sĩ Lưu Kim Ảm cảnh báo người bị GNM giai đoạn đầu không có biểu hiện triệu chứng gì. Nhiều người khi GNM ở giai đoạn nặng mới cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức vùng dưới sườn bên phải.
Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau một xét nghiệm máu thường quy hoặc sau khi được siêu âm.
Theo bác sĩ Vũ Đức Chung, ở thể nhẹ GNM không có biểu hiện gì nhưng sau đó gây rối loạn chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao ảnh hưởng tới tim mạch..., đặc biệt lâu dài sẽ gây viêm gan và 20% có biến chứng xơ gan, ung thư và suy gan...
Đặc biệt, những người bị GNM thường bị xơ vữa mạch, cao huyết áp nên dễ tử vong do các bệnh lý tim mạch và bệnh lý của não hơn những người không bị.
Ăn uống quyết định điều trị Bác sĩ Vũ Đức Chung nhấn mạnh không có thuốc đặc hiệu cho bệnh GNM. Khi mỡ máu, mỡ gan cao bắt buộc phải uống thuốc giảm mỡ máu statin... nhưng dùng lâu dài thuốc này sẽ gây mệt mỏi, rối loạn chức năng gan, rối loạn kinh nguyệt, liệt dương..., nhất là ảnh hưởng nhiều đến thần kinh, tâm lý. Việc kiểm soát tình trạng GNM phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chế độ điều trị có thể bao gồm cai nghiện rượu; ngưng dùng các thuốc có nhiều khả năng gây GNM; kiểm soát các bệnh về chuyển hóa: tiểu đường, béo phì... Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh đóng vai trò quyết định giúp phòng ngừa và điều trị bệnh. Người bệnh cần tập thể dục đều đặn năm ngày/tuần. Ăn đa dạng thức ăn. Tuyệt đối không quên ăn cơm hoặc các chất tinh bột. Tăng thêm rau nhưng không bỏ qua thịt. Hạn chế các món chiên xào mà thay bằng những món nướng, luộc. Cần tránh ăn gan, óc, cật, bộ đồ lòng gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phômai, da các loại thịt heo, vịt, gà... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận