12/12/2023 10:01 GMT+7

Gần 70% người đái tháo đường tiêm insulin sai, nhiều người phải cấp cứu

Rất nhiều sai lầm người bệnh đái tháo đường gặp phải khi tiêm insulin dẫn tới tình trạng đường huyết tăng cao, hoặc hạ đường huyết phải nhập viện cấp cứu.

Hướng dẫn cách tiêm insulin cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

Hướng dẫn cách tiêm insulin cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

Tiêm 4 mũi insulin liều cao vẫn phải cấp cứu vì đường huyết không hạ

Bệnh nhân nữ 83 tuổi (Hà Nội) bị đái tháo đường, ngày tiêm 4 mũi insulin với tổng là 68 đơn vị insulin mà đường máu vẫn thường xuyên > 15 mmol/L, nhưng sau khi được hướng dẫn tiêm đúng kỹ thuật và thay đổi vị trí thì chỉ với liều 50 đơn vị đã đưa được đường máu về mức từ 7 - 10 mmol/L.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân tiểu đường dùng insulin sai phải cấp cứu bác sĩ hay gặp. 

Trong 2 tuần gần đây bác sĩ gặp khoảng 10 bệnh nhân đái tháo đường tiêm insulin sai vị trí. Khi tiêm insulin dưới da thì vùng bụng thường được khuyến cáo vì nó khá rộng. Vị trí tiêm đúng là tiêm cách rốn 3cm hất trở ra đến tận mạn sườn (hình 1) và phải thay đổi vị trí tiêm insulin thường xuyên (hình 2). 

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không nhớ hoặc được truyền miệng nhau nên họ lại tiêm sai vị trí thành tiêm cách rốn 3cm hoặc tiêm quanh rốn (hình 3).

Hình minh họa - BSCC

Hình minh họa - BSCC

Hậu quả của tiêm quá nhiều mũi tại một vị trí là lớp mỡ dưới da vùng đó sẽ phản ứng và phì đại, nên không hấp thu được insulin, dẫn đến tiêm liều rất cao nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu.

Nghiên cứu mới đây tại khoa khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có đến gần 70% các bệnh nhân điều trị insulin tiêm sai. Các sai lầm phổ biến là:

- Chỉ tiêm một chỗ (thường quanh rốn) mà không thay đổi vị trí tiêm. Hậu quả là chỗ tiêm bị phì đại hoặc teo đét, dẫn đến insulin không được hấp thu đầy đủ.

- Không véo da khi tiêm, nên kim đâm sâu vào đến cơ, thành ra là tiêm bắp chứ không phải tiêm dưới da. Hậu quả là insulin được hấp thu quá nhanh và tác dụng ngắn hơn bình thường.

- Rút bơm tiêm ngay sau khi tiêm xong, khi thuốc chưa kịp đi vào hết, nên một phần insulin sẽ bị chảy ra tại chỗ tiêm.

- Không thay kim tiêm thường xuyên (hằng ngày hoặc sau mỗi lần tiêm), có khi cả tuần hoặc 2 tuần mới thay kim một lần. Hậu quả là kim bị cùn gây đau, bị tắc gây giảm lượng insulin đưa vào cơ thể, bị nhiễm trùng...

- Bút hoặc lọ tiêm insulin được cất trở lại tủ lạnh sau khi tiêm, như vậy bút/lọ insulin bị thay đổi nhiệt độ quá nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

- Một lọ insulin dùng quá lâu, đến hơn 1 tháng, khi đó insulin bị giảm chất lượng.

- Tiêm xong để quá lâu mới ăn nên bị hạ đường huyết.

- Tự bớt mũi tiêm insulin. Bệnh nhân được kê đơn tiêm 3-4 mũi/ngày nhưng do ngại hoặc chủ quan nên tự bớt còn 1-2 mũi tiêm. Hậu quả là cơ thể bị thiếu insulin trầm trọng và đột ngột nên đường huyết tăng vọt, có thể dẫn đến hôn mê nhiễm toan xê tôn.

- Nhờ nhân viên y tế tiêm nhưng những người này không được hướng dẫn, không quen với việc tiêm insulin có thể tích rất nhỏ nên họ thường tiêm liều cao hơn chỉ định, gây hạ đường huyết nặng.

- Sử dụng sai loại bơm tiêm. Ví dụ cùng là bơm tiêm 1mL, nhưng loại chia vạch 40 là dành cho tiêm insulin U40 (1mL có 40 đơn vị), còn loại chia vạch 100 là dành cho tiêm insulin U100 (1mL có 100 đơn vị). Cùng thể tích nhưng lượng insulin chênh nhau 2,5 lần.

Có những điều rất cơ bản mà vẫn sai như cơm bữa. Sai từ điều dưỡng, bác sĩ đến bệnh nhân. "Đó cũng là lý do tôi yêu cầu tất cả điều dưỡng khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai phải hướng dẫn để phần lớn bệnh nhân đái tháo đường nằm viện có thể tự tiêm được insulin ít nhất 2 ngày trước khi ra viện" - TS Bảy chia sẻ.

Hại cơ thể, dễ mất mạng

PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị bệnh đái tháo đường, luôn cần có sự điều chỉnh về liều lượng, về đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người và theo bệnh.

Tiêm insulin phải đúng liều, nếu ít hơn thì đường huyết tăng, không kiểm soát được bệnh đái tháo đường, đường máu quá cao bệnh nhân dễ tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, huyết áp, mạch vành…). 

Còn nếu quá liều sẽ gây hạ đường huyết, gặp nguy hiểm vì chỉ hạ đường huyết sau 5 phút là bệnh nhân đã có thể bị mất não, sống đời sống thực vật" - PGS Bình nhấn mạnh.

Tiêm insulin sai sẽ gây tổn thương trên da như: dị ứng, teo mỡ, phì đại mỡ, bầm tím, sần da, tăng cân, tương tác với các thuốc khác, đau đầu và buồn nôn… Insulin được sử dụng thận trọng ở người từng mắc bệnh gan, thận hoặc suy tim.

Chương trình tư vấn: Hiểu về các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa đái tháo đườngChương trình tư vấn: Hiểu về các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa đái tháo đường

Việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường sẽ góp phần phòng tránh bệnh hiệu quả. Đối với người đang theo dõi điều trị đái tháo đường, cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh những sai lầm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp