Theo Trung tâm Giáo dục và Phát triển, trong số 69% học sinh cho biết từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình, có khoảng 55% học sinh được khảo sát đã trải qua một vài lần, gần 14% số học sinh đã trải qua nhiều lần bị người khác trêu chọc hoặc bình luận.
Các em thường bị trêu chọc về cân nặng, khuôn mặt và chiều cao. Trong đó, người hay đưa ra bình luận về ngoại hình nhất là bạn bè, chiếm 55,6%; tiếp theo là bố mẹ, 15,63%; người thân 13,4%, ông bà 6,9%, và một tỉ lệ ít từ thầy/cô giáo và mạng xã hội.
Tác động của việc nhận xét và bàn luận về ngoại hình khác nhau, trong đó giảm tự tin là tác động các em cho là lớn nhất với 33,7%, tiếp theo là gây tổn thương tâm lý (32,8%), ảnh hưởng đến học tập và phát triển cá nhân (chiếm 24,5%).
Nguyễn Thanh Thúy, sinh viên Trường đại học Thủy lợi, cho biết những năm học cấp 2 là khoảng thời gian buồn tủi, cô đơn và khó khăn nhất khi ngoại hình không được ưa nhìn, phải nhận những lời đùa cợt như "sao mày xấu thế", "sao không đi tắm trắng đi", "đồ tóc xoăn"...
"Có thể với người lớn, với những người xa lạ những lời nói ấy chỉ là trò đùa, thế nhưng nó đã khiến tôi sụp đổ. Học tập tụt dốc, chút tự tin nhỏ nhoi cũng bị nghiền nát.
Mãi sau này tôi mới nhận ra phải sống thật với cơ thể mình và tự thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Tôi đã xin lỗi và cảm ơn bản thân mình của ngày xưa. Xin lỗi vì không dám tự tin với mái tóc xoăn, xin lỗi vì không yêu lấy cơ thể, xin lỗi mẹ vì con đã nói những điều không hay. Và cũng cảm ơn bản thân đã tự đứng lên thay đổi.
Giờ đây tôi tự tin về ngoại hình của mình, nó không hoàn hảo nhưng là điều tốt nhất", Thúy kể lại.
Bà Hoàng Thị Yến - hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm - cho biết tình trạng chê bai hình thể giữa các học sinh với nhau, giữa người lớn với học sinh đâu đó còn xuất hiện trong trường học.
"Khi học sinh đang trong độ tuổi dậy thì và chịu tác động của mạng xã hội, của truyền thông từ các cuộc thi sắc đẹp, các em sẽ tự soi chiếu, đánh giá với bạn bè và chính mình. Những đánh giá chỉ là vô thức nhưng có thể chạm đến suy nghĩ của bạn bè, khiến các em tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, học tập, sinh hoạt, giao tiếp...
Trong trường cũng đã có những em bị bạn bè chê bai ngoại hình "béo quá, nấm lùn, cây sào"... từ đó các em tự thu mình lại, không dám tham gia các trò chơi, hoạt động chung. Có em có năng khiếu nghệ thuật nhưng bị bạn bè chê ngoại hình nên không dám bộc lộ, thể hiện", bà Yến nói.
Theo bà Yến, việc giúp học sinh tự tin về hình thể đã được lồng ghép trong một số tiết học như sinh hoạt, chuyên đề hoặc chính trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, để có một chương trình bài bản, đầy đủ thì thực sự nhà trường chưa có.
Nâng cao nhận thức giá trị bản thân trở thành môn học?
Mới đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã phối hợp các đơn vị triển khai dự án "Nâng cao nhận thức giá trị bản thân", triển khai thí điểm từ tháng 9-2023 đến tháng 1-2024.
Dự án đã xây dựng và Việt hóa bộ tài liệu mang tên "Tôi tự tin" và chính thức khởi động thông qua ba khóa tập huấn trong tháng 12-2023 dành cho 150 giáo viên nòng cốt từ 15 trường THCS trên địa bàn Hà Nội, Khánh Hòa và Sóc Trăng.
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sẽ có 10.000 học sinh THCS trên địa bàn ba tỉnh, thành trên được tập huấn bởi chương trình.
Mục tiêu của các khóa tập huấn nhằm giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ quản lý và các giáo viên để triển khai sử dụng hiệu quả bộ tài liệu "Tôi tự tin" trong nhà trường.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi sáng tác cho học sinh về ngoại hình, sự tự tin, lòng tự trọng tại các trường, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về sự tự tin ngoại hình cho trẻ em lứa tuổi THCS. Từ đó giúp các em học được cách tôn trọng cá nhân mình và tôn trọng sự khác biệt của mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận