Ngày 17-9, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tổ chức tổng kết và trao Giải vô địch cá bảy màu Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 1-2023.
Giải đấu được tổ chức từ ngày 15 đến 17-9, quy tụ gần 650 hồ cá và tham dự ở 18 thể loại. Mỗi đơn vị được tham dự không quá 10 mẫu cá.
Đối tượng tham gia là các nghệ nhân nuôi cá cảnh, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các dòng cá cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hồ Hữu Hoàng - giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Mỹ Tho - cho hay Giải vô địch cá bảy màu Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 1-2023 nhằm tạo sân chơi cho đông đảo các nghệ nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh cá cảnh giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc, sưu tầm, bảo tồn và nhân giống; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cá cảnh; giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho các giống cá cảnh mới, lựa chọn ra những dòng cá cảnh chất lượng tốt; khuyến khích nghệ nhân nâng cao kỹ thuật trong lai tạo giống mới…
Thông qua tổ chức giải, tỉnh Tiền Giang mong muốn thúc đẩy công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và du lịch; quảng bá, giới thiệu với bạn bè các nơi về hình ảnh, con người tỉnh Tiền Giang…
Kết thúc giải, ban tổ chức đã trao 14 giải nhất gồm cúp, quà tặng và 1,5 triệu đồng/giải; 14 giải nhì gồm cúp, quà tặng và 1 triệu đồng/giải; 14 giải ba gồm cúp, quà tặng và 500.000 đồng/giải.
Cá bảy màu du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, là một trong những loài cá có tốc độ sinh sản và khả năng phát triển nhanh chóng, ban đầu người chơi nuôi loài cá này với mục đích chính là nuôi thủy sinh trong các chậu nhỏ, hồ tiểu cảnh với các loài cá khác.
Cá bảy màu cũng là loại cá đem lại sự hiệu quả trong việc tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy tại khu vực sinh sống để phòng chống muỗi và bệnh sốt xuất huyết.
Một số hình ảnh tại giải vô địch cá bảy màu lần đầu tiên tại Tiền Giang:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận