Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: washingtonpost.com
Trong năm 2019, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 476.000 trẻ sơ sinh trên toàn thế giới, trong đó Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là kết quả một nghiên cứu toàn cầu mới công bố, trong đó cho biết gần 70% số ca tử vong có liên quan tới khí thải ra trong quá trình đun nấu.
Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, trên 116.000 trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã tử vong do ô nhiễm không khí ngay trong tháng đầu tiên chào đời, trong khi con số này ở các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi là 236.000.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các tác động đối với sức khỏe (HEI) có trụ sở ở Mỹ và Viện Nghiên cứu sức khỏe và đánh giá tác động dịch bệnh toàn cầu cho biết các số liệu trên được đưa ra dựa vào các bằng chứng ngày càng gia tăng về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với khói bụi của phụ nữ trong quá trình mang thai và nguy cơ gia tăng tỉ lệ sinh non hoặc nhẹ cân. Sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân có liên quan đến các biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ chưa đầy tháng ở cả Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi.
Người đứng đầu HEI Dan Greenbaum nhận định sức khỏe trẻ sơ sinh là yếu tố rất quan trọng đối với tương lai của mỗi xã hội. Tuy nhiên, mặc dù việc sử dụng các loại nhiên liệu độc hại để nấu ăn đã giảm dần, song ô nhiễm không khí từ các loại nhiên liệu này vẫn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tử vong ở trẻ mới chào đời.
Ở phạm vi rộng hơn, báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận