Ảnh minh họa: Someecards
Mẹ tôi lại sẽ ca một bài ca không bao giờ quên: "Con gái tuổi đã gần 30 mà vẫn chưa có chồng, gần nửa đời người chứ còn ít ỏi gì đâu mà vẫn lẻ bóng một thân một mình. Bằng tuổi con ngày xưa, mẹ đã con bồng con bế".
Những ngày tết ở quê không khác gì tra tấn, đi đến nhà nào cũng nghe những câu hỏi lặp đi lặp lại đại loại như: "Bao giờ lấy chồng? Sao lâu vậy? Lớn tuổi rồi? Kén chọn hay hổng có ai? Nếu chưa có thì để làm mối cho?". Mọi người làm như tôi ế chỏng ế chơ không bằng.
Mẹ lập danh sách các chàng rể tiềm năng mà mọi người giới thiệu. Tết năm ngoái, cậu tôi dẫn một anh là cháu họ xa của mợ đến nhà tôi chơi. Chàng 32 tuổi, tính tình hiền lành, có công việc ổn định, chỉ thiếu một cô vợ nữa là xong. Chúng tôi gặp nhau, nói chuyện rất vui vẻ, cho đến lúc gọi tính tiền thì chàng bảo cần phải vào nhà vệ sinh.
Vài lần sau, chúng tôi cùng đi ăn, cùng đi giải trí một cái gì đó nhưng cứ mỗi lần tính tiền, chàng lại vào nhà vệ sinh hoặc lấy cớ nghe điện thoại, mặc dù tôi biết rất rõ không hề có ai gọi điện đến.
Mẹ tôi bắt đầu công cuộc mai mối khác. Chúng tôi nhắn tin làm quen, rồi quyết định hẹn gặp mặt. Chàng tuyên bố thẳng: "Để tránh mất thời gian và tiền bạc, anh xin được nói thẳng, làm vợ anh phải như thế này, như thế kia, không được phép làm cái này, không được phép làm cái kia, đi đâu cũng phải xin phép anh đồng ý mới được, kể cả đi làm. Thu nhập của ai người nấy giữ, hết tháng tính cộng chi phí phát sinh khi sống chung rồi chia đôi".
Tôi không nói được câu nào, đứng dậy đi về.
Sau vụ đó tôi rất ngại chuyện mai mối, nhưng dì tôi quá nhiệt tình lại còn lên lớp: "Người này có công ăn việc làm, tính tình lại hiền lành, cháu đã lớn tuổi rồi còn đòi hỏi gì nữa". Nể lời dì, tôi nhận lời gặp mặt.
Chàng bàn ngay chuyện đám cưới vì: "Nhà anh có mỗi mình anh là con một. Mẹ anh mới bị tai biến nằm liệt giường, hổng có người chăm nom. Anh lại đi công tác hoài nên quyết định lấy vợ gấp".
Nghe vậy tôi khuyên: "Vậy anh cưới vợ về làm ôsin không lương cho nhà anh à. Anh nhầm đối tượng rồi". Vừa quay lưng, tôi nghe anh nói với theo: "Già rồi mà còn chảnh, có suy nghĩ lại thì liên lạc nhé"…
Để khỏi thất vọng như những lần trước, tôi chủ động "cọc đi tìm trâu". Tôi chấm một anh chàng cực kỳ hiền lành và tốt bụng, hiền đến nỗi tôi phải chủ động tấn công. Một ngày đẹp trời, anh dẫn tôi về ra mắt mẹ anh với một câu: "Anh sẽ cưới em nếu mẹ anh đồng ý".
Sau buổi ra mắt, anh chàng ngọt nhạt: "Mẹ anh không thích em mặc váy, không thích em cắt tóc tém, không thích em trang điểm…". Vậy là tôi bỏ chạy, trao trả chàng lại nơi sản xuất.
Bỗng đùng một cái, một chàng thanh niên tuấn tú, con nhà giàu muốn tôi làm bạn gái của anh ta. Liệu anh ta có nghiêm túc khi đòi làm người yêu của tôi? Sợ anh nói chơi cho vui, tôi nhất quyết buộc làm lễ đính hôn nếu thật tình muốn tôi làm người yêu. Ai dè anh ta làm thiệt.
Anh ta dẫn ba mẹ đến nhà tôi thăm nhà, mang theo hai chai rượu ngoại và hai hộp trà loại đặc biệt. Tôi chỉ hơi chột dạ khi ba mẹ anh cứ nhìn tôi chằm chằm, có lẽ họ muốn ngắm kỹ con dâu tương lai. Sau đó những người bạn thân của anh cũng nhìn tôi với ánh mắt y chang.
Tôi phát hiện ra sự thật: mình quá giống với người yêu cũ của anh, người đã bị ba mẹ anh nhục mạ không cho cưới vì nhà không môn đăng hộ đối. Hai người đã cùng nhau quyên sinh nhưng anh lại được cứu sống. Ba mẹ anh đã rất khổ cực khi phải canh giữ anh một thời gian dài. Bây giờ anh muốn cưới tôi, ba mẹ anh cũng chẳng ý kiến gì.
Nhưng tôi thì không thể sống suốt đời dưới cái bóng của người đã khuất.
Tình yêu vốn bình đẳng cho tất cả, nên dẫu có thể, con đường đến với tình yêu có gập ghềnh, gian nan, tôi vẫn không nản lòng. Tôi cho rằng thế hệ của mình đến với tình yêu, bất kể ở tuổi nào, không bao giờ là muộn.
Bạn có bí kíp gì để cân bằng tâm lý khi... ế, hoặc cách "thoát ế" thành công. Mời bạn chia sẻ bài viết về địa chỉ email [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận