Một đoạn cao tốc Bắc - Nam thuộc diện ưu tiên đang được gấp rút giải phóng mặt bằng - Ảnh: NAM TRẦN
Đường bộ ven biển thuộc diện được ưu tiên.
2,87 triệu tỉ đồng cho 5 năm
Theo thông tin được đưa ra tại buổi làm việc về đầu tư công trung hạn của Chính phủ ngày 24-5 do Thủ tướng chủ trì, tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng, tăng 120.000 tỉ đồng so với dự kiến trước đó.
Số vốn tăng thêm này là từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công, không làm tăng tổng chi ngân sách.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ nhưng dự kiến hàng trăm dự án.
Phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, điều chỉnh dự án theo hướng trọng tâm, tập trung đột phá chiến lược, phục vụ an sinh xã hội.
Theo Thủ tướng, có lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc đề xuất ý tưởng đào hầm qua núi để rút ngắn thời gian di chuyển lên trung tâm tỉnh khoảng 10 phút, nhưng kinh phí đầu tư dự kiến tới 2.500 tỉ đồng.
Trong khi đó, một huyện khác của tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, chỉ cần đầu tư vài trăm tỉ đồng để mở rộng đường kết nối là có thể khai phá, phát triển được cả huyện này.
Rút ngắn 10 phút đi bộ cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Tập trung vốn cho những "quả đấm thép"
Trước đó, theo tờ trình đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025 được Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) gửi tới Thủ tướng, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỉ đồng, trong đó 1,38 triệu tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, 1,37 triệu tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.
Trong 1,38 triệu tỉ đồng ngân sách trung ương có 1,08 triệu tỉ đồng vốn trong nước, 300.000 tỉ đồng vốn vay nước ngoài.
Theo một lãnh đạo Bộ KH-ĐT, nguồn vốn đầu tư công sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có tính chất "quả đấm thép", dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn liên vùng, có tác động lan tỏa; các dự án chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng vùng và cả nước.
Cụ thể, trong 5 năm 2021 - 2025, Bộ KH-ĐT sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành 13 dự án thành phần của tuyến đường bộ ven biển, với đoạn tuyến Quảng Ninh - Nghệ An dài 307km, các đoạn tuyến khu vực miền Trung, Tây Nam Bộ khoảng 396km.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được trình lên Thủ tướng, bộ đề xuất bố trí 36.300 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ để đầu tư một số tuyến đường kết nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đường nối Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo kết luận của Thủ tướng và đề xuất hợp lý của các bộ, ngành, địa phương.
Giảm dự án khởi công mới
Theo thông tin được đưa ra tại buổi làm việc về đầu tư công trung hạn của Chính phủ ngày 24-5, trong hai ngày cuối tuần các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả,
Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho biết qua rà soát từ 6.447 dự án đã giảm xuống còn 5.397 dự án, con số này giảm mạnh so với 11.000 dự án của giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, việc cắt giảm sẽ tiếp tục để còn khoảng 5.000 dự án thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Nghiêm cấm "chạy" dự án
Phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm "chạy" dự án.
Cần phân cấp tối đa đầu tư công, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.
Trong đó, với dự án hạ tầng ngân sách nhà nước bảo đảm tỉ lệ 50% tổng vốn cho các dự án cao tốc PPP, còn lại thu hút ngoài ngân sách.
Tiếp tục tính toán cơ cấu ngân sách phân bổ cho các vùng so với quy mô dân số, GRDP và phần đóng góp của mỗi vùng cho cả nước, bảo đảm kết hợp hài hòa, hợp lý.
6.447
Đó là tổng số dự án dự kiến bố trí vốn của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, sẽ rà soát, giảm tiếp số dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả.
PGS.TS Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế quốc dân):
Rót vốn có trọng điểm, tạo sự lan tỏa
Những năm sắp tới chúng ta vẫn phải dựa nhiều vào đầu tư công để tăng trưởng, bởi đầu tư tư nhân đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, đầu tư FDI khó tăng trưởng mạnh được.
Nguồn vốn đầu tư công hữu hạn nên cần tung ra có trọng điểm, được đưa vào các dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa, tránh đầu tư dàn trải.
Việc tăng quy mô vốn như cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường bộ ven biển phía đông là rất cần thiết vì đây là các dự án được thực hiện rải rác tại nhiều địa phương.
Như vậy các doanh nghiệp tại nhiều địa phương có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, tính lan tỏa dòng vốn tốt hơn.
Nếu phân bổ vốn cho nhiều dự án quy mô nhỏ, manh mún sẽ gặp nhiều rào cản hành chính hơn, làm giảm hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh quá trình giải ngân. Cần tránh tình trạng bỏ vốn ra mà không giải ngân được, gây lãng phí rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận