Ông Bùi Công Bằng - phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang - phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đó là khẳng định của ông Bùi Công Bằng - phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang - tại buổi họp báo định kỳ quý I-2019 do UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 3-4 xung quanh thông tin "Rơi từ tầng 4 tòa nhà đang xây, 3 người tử vong" mà Tuổi Trẻ đã phản ánh ngày 21-1.
Theo ông Bằng, vụ tai nạn lao động làm chết 3 người ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang diễn ra vào tháng 1-2019 được xem là tai nạn nghiêm trọng. Ngay sau đó, Công an tỉnh An Giang và Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã vào cuộc song song.
Theo quy định, đối với TNLĐ bình thường chậm nhất là 30 ngày và phức tạp là 45 ngày để giải quyết. "Thế nhưng đến nay, CQĐT và thanh tra đang tiếp tục thụ lý. Phía CQĐT cũng chưa có câu trả lời là có dấu hiệu tội phạm hay không. Khi nào có kết luận cuối cùng sẽ thông tin thêm" - ông Bằng nói.
Tòa nhà 4 tầng làm 3 công nhân rơi từ trên cao xuống tử vong ngày 21-1 nhưng đến nay các ngành chức năng vẫn chưa giải quyết xong - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nói về quy định các công trình xây dựng khách sạn ở quần thể khu du lịch văn hóa quốc gia Núi Sam chỉ được xây dựng không quá 13,6m đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp đầu tư dịch vụ du lịch lưu trú tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - giám đốc Sở Xây dựng An Giang - cho rằng "Chiều cao này được TP Châu Đốc thực hiện từ lâu.
Trước khó khăn đó, hiện nay tỉnh đang đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT&DL xem xét lại cao trình khu vực đó có thể điều chỉnh hoặc giữ nguyên theo Nghị định 166 của Chính phủ"
Ông Nguyễn Khánh Hiệp - giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn ông Nguyễn Khánh Hiệp – giám đốc Sở VHTT&DL - cho biết xung quanh ý kiến các báo phản ánh doanh nghiệp đầu tư cáp treo Núi Sam xây dựng tượng Phật bằng chất liệu composite khó đảm bảo bền vững lâu dài thì hướng tới sở sẽ có ý kiến và giám sát vấn đề này.
"Các tượng Phật được xây dựng trên địa bàn tỉnh phải mang tính vĩnh cửu nên chất liệu làm nên phải lâu dài. Việc xây dựng các tượng Phật trong thời gian tới chúng tôi sẽ chú ý đối với các đơn vị trong quá trình sử dụng chất liệu để xây dựng. Nếu không vĩnh cửu được thì phải sử dụng trong thời gian dài" – ông Hiệp nói.
Nhóm công nhân đào bứng cả rễ cây trâm cổ thụ hơn 30 năm tuổi ở huyện Tri Tôn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết địa phương rất quan tâm đối với cây trâm mà thương lái ồ ạt thu mua vừa qua mà báo chí phản ánh. Cây này là loại cây ăn quả, không phải loại cây gỗ quý nhưng từ đầu năm đến nay có nhiều thương lái đến mua để đưa vào resort hoặc trồng kiểng.
"Cây không nằm trong rừng phòng hộ mà chỉ trồng ở quanh ruộng. Hiện có 3 đội mua. Sở đề nghị tỉnh coi đây là loại cây phát triển để trồng cây phân tán làm du lịch sắp tới" – ông Lâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận