10/10/2022 17:32 GMT+7

Gần 15 triệu người Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, đứng đầu là trầm cảm, lo âu

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Việc cấp thiết hiện nay là dành sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần, đặt sức khỏe tâm thần ngang hàng với sức khỏe thể chất.

Gần 15 triệu người Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp, đứng đầu là trầm cảm, lo âu - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chiều 10-10, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10 với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu". 

Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.

"Việc cấp thiết hiện nay là dành sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần, đặt sức khỏe tâm thần ngang hàng với sức khỏe thể chất. WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần hiện nay", đại diện WHO khẳng định.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng chia sẻ: "Theo WHO, sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật, ốm đau. Không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần.

Vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Hằng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi".

Theo thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên).

Thực tế tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Chúng ta không nên có sự kỳ thị đối với người rối loạn tâm thần", ông Thuấn nhấn mạnh.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với rối loạn tâm thần, do vậy hầu hết mọi người đều ngại ngùng khi thừa nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ.

Thế nhưng rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác cần được chẩn đoán và có thể điều trị. "Mặc dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả, nhưng điều đáng buồn là hầu hết những bệnh tâm thần không được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.

Thực tế hiện nay việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, chủ yếu điều trị tâm thần phân liệt và động kinh là chủ yếu. Thuốc điều trị cũng còn hạn hẹp, nhiều người dân sử dụng thuốc gián đoạn", ông Khuê nói.

Để tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng cần cập nhật, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật về tâm thần. 

Đồng thời, thực hiện đào tạo, phát triển nhân lực chuyên khoa tâm lý; lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở để người dân được nâng cao sức khỏe; phát hiện sớm các đối tượng nguy cơ, người có rối loạn tâm thần.

10 hành động để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, người thân và bạn bè xung quanh. 10 hành động Bộ Y tế khuyến cáo để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần.

1: Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân.

2: Tăng cường hoạt động thể chất.

3: Ăn uống lành mạnh.

4: Nghỉ ngơi đầy đủ.

5: Sử dụng đồ uống hợp lý.

6: Giữ liên lạc với mọi người xung quanh.

7: Làm những công việc mà mình có khả năng.

8: Chấp nhận bản thân dù bạn là ai.

9: Đề nghị sự trợ giúp khi cần.

10: Quan tâm đến những người khác.

Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần

TTO - Người bình phục sau giai đoạn cấp tính của COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời gian một năm, theo nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí The BMJ của ĐH Washington (Mỹ).

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp