01/12/2021 09:37 GMT+7

Gần 1.000 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người?

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Trong cuộc họp báo ngày 29-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin gây chú ý: năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp.

Gần 1.000 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 1.

Y sĩ Bích Ngọc - nhân viên Trạm y tế phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP.HCM) - đến tận nhà thăm khám và phát thuốc cho F0 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Và các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp gì để giữ chân nhân viên y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp?

Lương bèo bọt, áp lực quá lớn

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế, bởi phần lớn vì lý do cá nhân, gia đình.

Tuy vậy khi chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều nhân viên y tế, đặc biệt đang công tác tại tuyến y tế cơ sở, cho rằng họ đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng.

Đầu tháng 7-2021, anh B.L., nhân viên y tế công tác tại một trạm y tế ở huyện Bình Chánh, nộp đơn nghỉ việc sau gần 4 năm gắn bó với nghề. Từ một người vốn quanh năm thăm khám bệnh, tiêm chích cho người bệnh, giờ đây anh L. chuyển qua kinh doanh tại nhà.

Nhớ về nơi mình từng gắn bó, anh L. thở dài: "Dân số đông không tả nổi, trong khi nhân viên y tế rất hạn chế. Chúng tôi thường phải chia thành nhiều ca trực làm việc triền miên. Một người cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đi sớm về muộn là chuyện thường tình hầu như ai cũng nếm trải".

Ngoài áp lực thời gian và công việc, gần 4 năm qua mức lương mà anh L. nhận chỉ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng, chưa kể một thời gian dài trước đó mức lương chỉ ngót nghét 4 triệu đồng/tháng.

Bác sĩ Trương Thanh Tùng - trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nơi chỉ có 10 nhân viên y tế "gánh" gần 170.000 dân (xã có số dân cao nhất TP.HCM) - nói rằng mặc dù đã gắn bó với trạm y tế 20 năm nay nhưng đến nay lương của ông chưa đến 6 triệu đồng/tháng. Thậm chí trong trạm còn có điều dưỡng chỉ hưởng mức lương 4,2 triệu đồng/tháng. Với mức lương như trên, bác sĩ Tùng bảo vô tình đẩy các nhân viên y tế rơi vào muôn vàn khó khăn.

"Ngoài cống hiến thời gian cho xã hội, họ phải chắt chiu, chi li, tính toán về tiền ăn ở, tiền nhà, nuôi dạy con cái. Chính điều này cũng ít nhiều làm nhân viên y tế không còn mặn mà với nghề" - ông Tùng nói và cho biết thêm các nhân viên trạm y tế đã nhận được tiền hỗ trợ chống dịch đợt 1 từ tháng 5 đến tháng 8-2021, tất cả đều được hưởng như nhau.

Tuy vậy với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/người trong 3 tháng chống dịch căng thẳng, cộng với mức lương thường ngày thì còn khá khiêm tốn so với công sức, trách nhiệm của mỗi người.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện công ở TP.HCM cho biết không ít người từ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn, hoặc để làm đúng chuyên ngành mình yêu thích.

Còn đối với các tuyến y tế cơ sở như trạm y tế, quận thì ngoài việc thu nhập, cơ hội phát triển nghề nghiệp của họ cũng khá xa xăm, khó có thể nâng cao tay nghề.

Gần 1.000 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 2.

Thuốc điều trị và máy móc thiết bị chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng luôn được các bệnh viện quan tâm kêu gọi hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG

Không chỉ là tiền lương

Ông Phạm Tấn Hoan - trưởng Phòng Y tế quận Phú Nhuận - cho biết để thu hút và giữ chân nhân viên y tế cơ sở, ngoài vấn đề nâng tiền lương, các quyền lợi của họ cũng phải được đảm bảo. "Theo tôi, nhân viên y tế làm ở trạm y tế phải được cấp chứng chỉ hành nghề như các y bác sĩ thực hành tại bệnh viện.

Bởi theo quy định hiện nay phải làm ở bệnh viện, có giường bệnh thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, họ nên được cho đi học để nâng cao tay nghề như bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nếu tay nghề không lên họ sẽ nghỉ việc" - ông Hoan nói.

Một bác sĩ có thâm niên 20 năm làm việc tại một trạm y tế của TP Thủ Đức cho rằng ngoài nâng chế độ tiền lương, phụ cấp, y tế cơ sở rất cần được chi viện bổ sung nguồn nhân lực nhằm giảm bớt khối lượng công việc, nhất là trong lúc dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn từng là nơi có nhiều bác sĩ nộp đơn nghỉ việc, có thời điểm nghỉ đến vài chục nhân viên y tế cùng lúc, trong đó có nhiều người có thâm niên hàng chục năm.

Nhưng vấn đề này đến nay, theo ông Đặng Quốc Quân (giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn), đã thay đổi, hiếm còn trường hợp nhân viên nào xin nghỉ việc.

Ông Quân cho hay gần đây có 3 nhân viên y tế e ngại khi được phân công nhiệm vụ chăm sóc điều trị F0, tuy nhiên sau đó được phân công nhiệm vụ theo dõi sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng đã phát huy rất tốt năng lực.

Từ kinh nghiệm này, theo ông Quân, trong bối cảnh dịch bệnh còn căng thẳng, nhân viên y tế cần có sự chia sẻ, động viên, cấp trên không nên áp đặt công việc một cách cứng nhắc. Bởi điều này càng làm cho tâm lý nặng nề, bị áp lực công việc vì thế cũng không đạt hiệu quả mong muốn.

"Bên cạnh việc động viên tinh thần, các chế độ chính sách của thành phố chi cho nhân viên y tế điều trị F0 đều được chúng tôi chuyển rất nhanh. Nhờ đó anh em cũng rất phấn khởi, vui vẻ cống hiến" - ông Quân nói.

Ông còn cho biết về quy chế nội bộ, bệnh viện còn "lên dây cót" rất kịp thời như hỗ trợ nhân viên mắc COVID-19 trong quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân, mỗi người 2 triệu đồng, bên cạnh số tiền 3 triệu đồng của thành phố.

Dẫn chứng đợt 2-9 vừa rồi, dù trong đại dịch căng thẳng nhưng bệnh viện vẫn cố gắng đánh giá và đồng loạt khen thưởng khoảng 100 cá nhân ở mỗi khu và khoa phòng để khích lệ tinh thần.

"Giấy khen, kèm theo tiền thưởng theo quy chế chi tiêu nội bộ, dù không đáng là bao nhưng đó là sự ghi nhận vô cùng kịp thời. Đó cũng là một trong những cách để anh em gắn bó với đơn vị, với nghề hơn" - ông Quân chia sẻ.

Gần 1.000 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 3.

Dữ liệu: Hoàng Lộc - Nguồn: Dự thảo tờ trình cơ chế chính sách đặc thù nâng cao năng lực y tế cơ sở của TP.HCM - Đồ họa: Tấn Đạt

TP.HCM đề xuất những chính sách nào?

Theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM, chế độ chính sách có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của số đông cán bộ y tế, đặc biệt ở y tế cơ sở. Những khó khăn trong đời sống, thu nhập của cán bộ y tế là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nhân lực về công tác tại y tế cơ sở.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần ban hành các chế độ hỗ trợ thu nhập nhằm cải thiện đời sống. Từ đó mới mong thu hút và duy trì nhân viên y tế đang công tác tại tuyến y tế cơ sở.

Để hiện thực hóa điều này, mới đây giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã ký văn bản gửi 4 sở (Nội vụ, Tài chính, Tư pháp và Lao động, thương binh và xã hội) về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo tờ trình về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong tờ trình này, lãnh đạo ngành y tế cho biết tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên vạn dân chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06).

Do đó, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm (như quy định hiện nay) thì cần nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm. "Nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ làm giảm áp lực đáng kể cho hệ thống y tế cơ sở" - lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.

Gần 1.000 nhân viên y tế TP.HCM nghỉ việc: Cần làm gì để giữ người? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế khám trước khi tiêm ngừa COVID-19 cho học sinh ở huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bên cạnh đó TP.HCM cũng đưa ra 3 chính sách lớn, bao gồm chính sách giữ chân, tăng cường thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế TP.HCM đề xuất sắp tới TP.HCM cần ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là bác sĩ.

Với các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, nhân viên y tế... đang công tác tại trạm y tế phường, xã, thị trấn (bao gồm cả viên chức và đối tượng lao động hợp đồng) sẽ lần lượt được đề xuất tăng mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng so với mức lương cơ sở từ 2 đến 4 lần theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm với tổng kinh phí trên 8,5 tỉ đồng/tháng. Nếu điều này trở thành hiện thực thì y tế cơ sở sẽ là "mảnh đất đủ tốt" để giữ chân và thu hút được nhân viên y tế.

Sở Y tế TP.HCM cho hay trong đợt dịch vừa qua thành phố đã huy động 5.202 tình nguyện viên từ các nhân viên y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, các tình nguyện viên tôn giáo hoặc F0 tham gia chống dịch.

Để giảm tải cho hệ thống y tế, ngành y tế kiến nghị tiếp tục áp dụng mô hình trên để bổ sung nguồn huy động lực lượng cho trạm y tế. Những người được huy động được hưởng mức hỗ trợ từ 1 đến 2 lần mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo quy định tại từng thời điểm, từng đối tượng. Dự kiến tổng chi phí chi cho chương trình này gần 17 tỉ đồng/tháng.

Ngoài ra, TP.HCM còn kiến nghị Bộ Y tế cho phép thí điểm triển khai chương trình thực hành 18 tháng cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ mới tốt nghiệp. Thay vì bác sĩ mới tốt nghiệp phải đăng ký và chịu hoàn toàn chi phí thực hành 18 tháng tại các bệnh viện, ngành y tế kiến nghị cho phép họ thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở (trung tâm y tế và trạm y tế) sau đó thực hành thêm 6 tháng tại các bệnh viện; tương tự điều dưỡng là 9 tháng.

Trong thời gian thực hành, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ được hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt với mức 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng/tháng.

Làm việc như "Bộ Y tế thu nhỏ" nhưng thu nhập cũng "nhỏ"

Sau 33 năm làm việc và có cả học hàm, học vị lẫn vị trí quản lý, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng chia sẻ thu nhập của ông chưa đầy 11 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này bao gồm lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. "Có 3 khó khăn đối với chúng tôi: thu nhập thấp, áp lực công việc nặng nề và rủi ro khi nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn" - chuyên gia này chia sẻ.

Theo chuyên gia trên, các cán bộ y tế dự phòng hay nghiên cứu như ông "còn đỡ" hơn nhiều nhân viên ở trạm y tế xã phường. Họ thật sự vất vả. "Chúng tôi hay nói với nhau trên Bộ Y tế có lĩnh vực nào thì trạm y tế có lĩnh vực ấy, công việc là Bộ Y tế thu nhỏ, nhưng lương thì thấp" - vị chuyên gia nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua đã có thêm các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế.

Trong đó Chính phủ vừa có nghị quyết 145 hướng dẫn mức phụ cấp mới cho cán bộ y tế, bao gồm tăng phụ cấp đối với những người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 từ 1-8 đến 31-10-2021 tại các đơn vị, địa phương có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Mức phụ cấp chống dịch được tăng lên 450.000 đồng/người/ngày với người trực tiếp thăm khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị (trước đây mức phụ cấp cho nhóm này là 300.000 đồng/người/ngày).

Người làm công tác xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển bệnh phẩm từ 200.000 đồng/ngày trước đây lên 300.000 đồng/ngày. Một số nhóm trước đây không được phụ cấp hoặc phụ cấp thấp, nay cũng có quy định mức 200.000 đồng/người/ngày.

Các chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế đã được cải thiện nhưng đúng là so với yêu cầu và thực tế thì còn một khoảng cách. Năm 2020-2021 riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có trên 200 y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ.

LAN ANH

Có đủ cơ chế để tăng lương cho nhân viên y tế

Một lãnh đạo Vụ Công chức viên chức Bộ Nội vụ cho rằng ngoài cơ chế tiền lương theo quy định hiện nay, Chính phủ còn ban hành cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị có nguồn thu như bệnh viện, các cơ sở y tế có thể chi thu nhập tăng thêm cho người lao động.

Các bệnh viện, cơ sở y tế công muốn xây dựng được thương hiệu thì phải có cơ chế riêng để giữ chân bác sĩ giỏi. Khi các bệnh viện công tự chủ họ có thể chi tiêu, trả lương y bác sĩ theo cơ chế của doanh nghiệp.

B.NGỌC

Cần Thơ: Dùng mọi nguồn lực chăm lo cho nhân viên y tế chống dịch

Ông Nguyễn Minh Thắng - giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều (Cần Thơ) - cho biết y tế quận được giao biên chế là 148 người (trong đó trạm y tế là 95), tuy nhiên hiện nay biên chế đang thiếu tại 11 trạm y tế khi chỉ có 89 người.

Mỗi trạm y tế có 4-5 nhân viên, phải quản lý rất nhiều chương trình, hiện nay thêm việc quản lý chăm sóc F0 tại nhà lên đến hàng ngàn người nên quá tải rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - chủ tịch công đoàn ngành y tế Cần Thơ - cho biết thời gian qua công đoàn đã đồng hành cùng nhân viên y tế để chống dịch, an tâm công tác như: trao quà cho lực lượng tham gia chống dịch tại các bệnh viện và các chốt kiểm dịch y tế; vận động nhà hảo tâm lo bữa ăn thêm cho êkip trực các bệnh viện dã chiến, qua 3 tháng đã cung cấp trên 5.000 suất cháo tiếp sức nhân viên y tế.

Theo báo cáo của công đoàn y tế Cần Thơ, thời gian qua đã hỗ trợ 9 cơ sở y tế tuyến đầu, đoàn viên, người lao động bị nhiễm COVID và trên 500 trường hợp F1 phải cách ly. Hỗ trợ khẩn cấp 23 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng kinh phí trên 1,8 tỉ từ nguồn của công đoàn ngành và Liên đoàn Lao động TP.

T.LŨY

Nhân viên y tế cần được chăm sóc Nhân viên y tế cần được chăm sóc

TTO - Sức khỏe tâm lý của nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19 đang rất cần được quan tâm. Nhiều y bác sĩ đã ở trong trạng thái "căng mắt căng tai" quá lâu tại bệnh viện, tình trạng quá tải khiến họ "không dám" nghĩ đến thời gian riêng cho mình.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp