Trên thế giới có những chương trình truyền hình thực tế có tuổi thọ vài ba chục năm như The real world, Cops, Big brother, Survivor, The challenge, The bachelor, The bachelorette... Những show quen thuộc với khán giả Việt như American idol, America's next top model cũng xấp xỉ gần 20 năm.
Việt Nam không có nhiều game show có tuổi thọ dài như vậy. Chục năm đã là kỳ tích. Chỉ kéo dài mấy mùa rồi im hơi lặng tiếng là thường.
Game show ca hát áp đảo nhưng thiếu bền vững
Trừ một cuộc thi nhảy vừa rục rịch trở lại (Bước nhảy hoàn vũ 2024), show về hẹn hò (Đảo thiên đường), trải nghiệm thực tế (2 ngày 1 đêm)... các game show về ca hát vẫn đang áp đảo, không chỉ về số lượng mà cả tỉ số rating trên sóng truyền hình. Tuy nhiên sự áp đảo này cho thấy những dấu hiệu thiếu bền vững.
Tạm thời các game show "Anh trai" với "Chị đẹp" vẫn đang có nhiệt. Dẫu một show vừa kết thúc không lâu (Anh trai say hi), một show sắp sửa (Anh trai vượt ngàn chông gai), một show mùa 2 rục rịch lên sóng cuối tháng 10 này (Chị đẹp đạp gió), "anh trai" và "chị đẹp" hiện vẫn là hai từ khóa hot thời điểm hiện tại.
So mặt bằng, đây là những món ăn mới, diễn ra mới 1-2 mùa, phần nào vẫn tươi mát. Mặt khác, việc tập trung nhiều những gương mặt hot trong một chương trình vô hình trung đã kéo hết fan của họ vào cày view nên chỉ số rating cao, độ thảo luận và tương tác lớn cũng không có gì lạ.
Rap Việt - một trong những game show hot vài năm qua, đã đưa giới rapper và rap Việt lên mainstream - thì mùa 4 này bắt đầu hết hot.
Ở mùa này, chương trình không thiếu những cái tên có kinh nghiệm được giới rap biết đến hoặc từng góp tên trong những sản phẩm có độ phổ biến, view tốt như willistic, VCC Left Hand, Gill, Mason Nguyễn hay Manbo (trong tổ đội Gerdnang cùng HIEUTHUHAI, HURRYKNG và Negav)...
Một số tên khác được biết trong các game show khác như Shayda (Giọng hát Việt nhí), Diablo (King of Rap)...
Song dễ nhận thấy trên kênh YouTube của chương trình, Rap Việt vẫn thu hút hàng triệu lượt xem/nghe nhưng độ thảo luận trên mạng xã hội không còn rình rang như ba mùa trước, cũng thiếu những bản rap cảm xúc khiến khán giả vỡ òa.
Trong khi các tiết mục của Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi lần lượt gây bão và "ngồi" ở top trending thì chưa có một tiết mục nào của Rap Việt có thể tạo sóng.
Trong khi đó thời điểm này mùa trước, Rap Việt đã có những phần thi ấn tượng, gây chú ý như Về quê của Mikelodic, Bao giờ lấy vợ của 24k.Right, Hoa hồng gai của Pháp Kiều, Huỳnh Kim Long của Công Hiếu (hay còn gọi là Dick)...
Năm nay ở tập 4, những nhân tố như Dangrangto, Robber khá thú vị nhưng thế thì chưa đủ.
Our song - Bài hát của chúng ta lên sóng từ cuối tháng 8 dẫu có một khởi đầu ấn tượng ở tập 1 thì diễn tiến cho thấy chương trình vẫn thiếu những "cú nổ" cao trào với những bản hit có thể áp đảo các bản hit ở những game show khác.
Với định dạng các ca sĩ thuộc hai thế hệ (cũ và mới) cùng diễn, cùng làm mới hit quen thuộc, đây lẽ ra là chương trình "gom fan" đúng nghĩa khi tận dụng được fan trẻ lẫn fan trung niên, fan già. Song hiệu ứng Our song chỉ ở mức ổn định và vừa phải, độ thảo luận cũng không quá "nhiệt".
Có phải cả thèm chóng chán?
Các game show lên đỉnh rồi đi xuống theo một chu kỳ khá nhàm chán. Không ít người đã nói đó là "ngày tàn", là kết quả sớm hay muộn của game show.
Ta vẫn thiếu những thương hiệu game show mang tính bền vững. Bên cạnh yếu tố khách quan, không thiếu những lý do "tự thân" khiến ngày tàn đó đến nhanh hơn.
Lao vào cuộc chiến rating, các nhà đài, đơn vị sản xuất có xu hướng bỏ qua những sản phẩm chất lượng cao để hướng tới những nội dung đại chúng hơn. Họ tạo drama, chiêu trò để thỏa mãn nhu cầu ăn xổi, ngay lập tức của khán giả. Khán giả vì thế ngày càng cả thèm chóng chán hơn.
Thay vì các tiết mục, chuyện Rap Việt mùa 4 "flop", "xịt" lại được khán giả đưa ra bàn luận rôm rả.
Có nhiều lý do được chỉ ra. Bên cạnh việc rap đã trở nên "đại chúng" hơn, không còn là một món ăn mới lạ sau ba mùa, còn có việc casting thí sinh thiếu chắt lọc, rap bị "game show hóa".
Có người cho rằng mùa 4 thiếu những nhận xét chuyên môn, bàn luận về xu hướng, về phông văn hóa hip hop.
Thậm chí có người nhận xét Rap Việt giờ không khác gì Thách thức danh hài phiên bản rap. Còn có cả việc chương trình ngày càng mất/thiếu kết nối với cộng đồng hip hop/rap Việt nên đánh mất lượng fan trung thành.
Ngoài ra, chuyện không ít rapper dính "phốt" thời gian qua khiến giới rapper bị mất điểm trong lòng công chúng cũng là một điểm trừ đáng kể.
Hiện các show "Anh trai" với "Chị đẹp" đang hot nhưng với đà này, chưa biết được mấy hồi. Việc "bỏ" các anh tài, chị đẹp vào một "giỏ", cùng cạnh tranh, phát sóng gần/cùng thời điểm, lợi thì cũng lợi nhưng chưa chắc đã hoàn toàn hay.
Đã bắt đầu có những khán giả ngán ngẩm khi mỗi lần bật tivi lại thấy toàn anh trai với chị đẹp. Game show gì mà chỉ toàn anh trai với chị đẹp vậy?
Việc họ quá hot, "chiếm" sóng "tài nguyên công cộng" phần nào khiến những sản phẩm âm nhạc, những chương trình giải trí ý nghĩa khác bị lu mờ hoặc nhận về hiệu ứng không như mong đợi.
Điều đó đã tạo ra một bức tranh game show nói riêng và giải trí nói chung mất cân đối, ăn xổi. Chưa kể bản thân những show này cũng có những dấu hiệu cho thấy đang vào vết xe đổ của game show Việt nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận