05/10/2018 09:36 GMT+7

Game show Thái 'lấn' màn ảnh nhỏ Việt

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Không chỉ mua game show của châu Âu hay Hàn Quốc, Trung Quốc, hiện nay giới sản xuất game show của Việt Nam đang chú ý tìm kiếm và mua bản quyền các game show từ Thái Lan.

Game show Thái lấn màn ảnh nhỏ Việt - Ảnh 1.

Nhanh như chớp nhí được Việt Nam mua bản quyền từ Thái Lan - Ảnh: HTV2

Mới đây, theo thông tin từ Adsota, trong danh sách những nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên YouTube nửa đầu năm 2018 có Nhanh như chớp - game show có format (định dạng) từ Thái Lan, hiện đang là chương trình khi phát lại trên YouTube đều đạt lượng lượt xem đáng nể: từ hơn 4 triệu đến 11 triệu.

"Thắng" nhờ rẻ và hài

Nhanh như chớp mang đậm yếu tố giải trí với những câu hỏi kiến thức khá đơn giản, thỉnh thoảng có thêm câu đố mẹo. Điểm đặc biệt của game show này là xuất hiện "cỗ máy sấm chớp" và cách tính điểm lạ.

Tuy nhiên, một số câu hỏi Nhanh như chớp khá "xàm". Ví dụ trong tập bán kết phát sóng ngày 15-9 trên HTV7, chương trình đưa ra câu hỏi: "Muốn vào cung phải đi đâu?". Không thí sinh nào trả lời được và đáp án đưa ra là "đi vùng cao vì "vào cung" nói lái là vùng cao". Diễn viên hài Puka nghe đáp án trên đã thốt lên: "Câu hỏi xàm...".

Và trong một số tập phát sóng, có một vài câu hỏi được khán giả đánh giá là "xàm xàm" tương tự: "Một cô gái lúc nào cũng mang theo 12 trái bắp trong giỏ, hỏi cô ấy tên gì?", đáp án: "Tố Nga, vì 12 là một tá, bắp là ngô. Tá ngô là Tố Nga"...

Cũng ở kênh này, từ đầu năm đến nay các game show phát sóng đều toàn có bản quyền từ Thái: Phiên tòa tình yêu, Nhanh như chớp nhí (dành cho thí sinh nhi đồng) và sắp tới đây là Người ấy là ai.

Lý giải điều này, đại diện HTV2 cho rằng: "Tiêu chí sản xuất một chương trình chính là yếu tố mới lạ, gần gũi và khán giả xem là cảm thấy thích ngay. Khi lựa chọn và đầu tư sản xuất các format Thái thời gian gần đây, tiêu chí này được đặt lên hàng đầu".

Trên YouTube, Nhanh như chớp nhí hiện đạt hơn 18 triệu lượt xem cho 6 tập, còn Phiên tòa tình yêu đạt hơn 34 triệu view cho 14 tập.

Các nhà sản xuất chương trình truyền hình nhận định các format đình đám thế giới kiểu The voice hay Tìm kiếm tài năng... đều đã được sản xuất nhiều mùa và giảm dần sức hút. Trung Quốc, Hàn Quốc tuy là thị trường lớn nhưng giờ không còn nhiều format hay nữa... Format Thái Lan được mua nhiều gần đây vì gần gũi, dễ thực hiện và giá cũng rẻ hơn.

Còn theo ông Trần Minh Tiến - tổng giám đốc Công ty Lasta, người đã có thời gian sống ở Thái: "So với các nước láng giềng, Thái và Việt Nam gần nhau hơn về tính cách, văn hóa, lối sống.

Game show nào cơ bản được tiếp nhận ở Thái Lan thì cũng dễ tiếp nhận ở Việt Nam hơn. Xét về góc độ kinh tế, mua bản quyền của Thái giá rẻ hơn nhiều so với các nước khác và việc tổ chức sản xuất cũng rẻ hơn vì địa lý gần nhau".

Game show thuần Việt: đứng được trong nước đã là tốt

Trông người lại nghĩ đến ta. Sự phát triển mạnh mẽ của những game show Thái thời gian vừa qua hẳn khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu game show thuần Việt đang ở đâu và có thể tự tin vươn ra nước ngoài như Thái Lan đã làm? Đặt câu hỏi cho các nhà sản xuất game show Việt, nghe không ít tiếng thở dài...

Ông Nguyễn Thanh Phú - giám đốc Jet Studio, công ty sản xuất khá nhiều game show thuần Việt - cho rằng: "Sản xuất format thuần Việt nhiều rủi ro bởi bản thân các chương trình này chưa ai làm nên năm ăn năm thua. Game show nước ngoài đã định hình được thị hiếu khán giả nên thuận lợi hơn".

Tuy nhiên, ông vui vẻ: "Các chương trình thuần Việt phù hợp văn hóa người Việt nên dễ thu hút khán giả. Tôi tự tin đến giờ này các chương trình thuần Việt chúng tôi sản xuất đều chưa bị lỗ".

Hỏi ông Phú có nghĩ đến việc đưa những game show thuần Việt bán ra nước ngoài, ông cười: "Những game show Việt liệu có phù hợp văn hóa của nước ngoài không? Chắc là không rồi, vì thế tôi nghĩ những game show Việt đứng được trong nước là tốt lắm rồi".

Sự khác biệt về văn hóa - theo như ông Phú nói - chỉ là một phần nhỏ khiến game show Việt không thể ra nước ngoài. Lý do chính là game show thuần Việt thua xa các game show nước ngoài ở nhiều điểm.

Quang Huy, tham gia sản xuất một số game show truyền hình, cho rằng rất khó để có thể bán bản quyền game show Việt ra nước ngoài vì chương trình của Việt Nam đang sản xuất lạc hậu so với các chương trình nước ngoài ít nhất từ hai đến ba năm.

Anh lý giải: "Các game show thuần Việt hiện tập trung thi nghệ thuật như hát, múa, hài..., trong khi các nước hướng đến truyền hình thực tế".

Một số đơn vị cũng nghĩ đến việc mở rộng thị trường game show Việt nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Bửu Điền - giám đốc Điền Quân - kể: "Thật ra chúng tôi có hợp tác với các đơn vị nước ngoài để tạo ra những game show có bản quyền quốc tế. Nhưng đến giờ này chưa bán được cái nào ra nước ngoài cả".

Lý do, theo ông: "Các nhà đầu tư sáng tạo truyền hình các nước chưa thấy Việt Nam có khả năng sáng tạo ra những kịch bản mới hấp dẫn mang yếu tố toàn cầu. Mà muốn bán bản quyền ra thế giới thì trước tiên phải có ngành công nghiệp sáng tạo vững mạnh, chúng ta chưa có và cũng không đẩy mạnh truyền hình theo hướng đó".

Trên THVL1 phát sóng phần lớn là những game show thuần Việt như: Tiếu lâm tứ trụ, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Người kể chuyện tình, Sao nối ngôi, Sao nối ngôi nhí, Cặp đôi hài hước, Kịch cùng bolero, Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt, Ngôi sao phương Nam, Cùng nhau tỏa sáng...

HTV có Mãi mãi thanh xuân, Hát mãi ước mơ... VTV3 có Quyền lực ghế nóng và mới đây nhất là 100 giây rực rỡ.

Game show ca hát: Ồ ạt gia vị để khán giả được thỏa mãn mọi nhu cầu?

TTO - Giữa thời sô âm nhạc tràn ngập trên sóng, các nhà sản xuất gần đây cân nhắc hơn trong việc mua bản quyền các chương trình ca hát, hay tự tạo nội dung mới nhằm giành lấy khán giả...

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp