04/01/2018 07:59 GMT+7

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Bốn tuổi bị đưa sang Úc, sống trong cảnh mù lòa, ở xứ người, nhưng người phụ nữ Việt ấy vẫn không thể nào quên tiếng mưa rơi trên mái tôn, mùi đất ẩm ở quê nhà.

Đó chỉ là một trong số nhiều câu chuyện cảm động trong Gala Ngày trở về 2018 sẽ phát sóng vào các khung giờ: 1h, 8h và 20h ngày 16-2 (mùng 1 Tết Nguyên đán) trên VTV4; 21h ngày 17-2 (mùng 2 Tết Nguyên đán) trên VTV1.

Năm nay chương trình mang tên Cội nguồn thương nhớ sẽ kể năm câu chuyện đặc biệt về những cá nhân, cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Gala Ngày trở về mỗi năm lại đưa đến cho khán giả những câu chuyện về người Việt tại nước ngoài. 

Đó có thể là câu chuyện về những người trong gia đình hoàng tộc, những trí thức yêu nước dù sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn nặng lòng với Tổ quốc, những người dân thường bị thực dân Pháp ép đi lính chưa bao giờ về được quê nhà, câu chuyện về những người Việt lưu lạc đến những xứ sở tận cùng của thế giới... 

Chương trình hé lộ những góc khuất, những trang sử đau thương mà không phải người Việt trong nước nào cũng biết. Nhiều câu chuyện đẫm nước mắt, nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của người Việt. 

Điều cảm động nhất mà khán giả có thể nhận được từ những câu chuyện trong Gala Ngày trở về dù ở bất cứ phương trời nào, người Việt cũng nặng lòng với quê hương. 

Như đạo diễn Trần Văn Thủy nói: "Những người Việt sinh sống tại nước ngoài đều mắc "bệnh" nhớ cố quốc".

Ước được ngửi mùi mưa quê nhà

Những năm trước, các chương trình Gala Ngày trở về mang tên Nếu đi hết biển (2014), Tiếng gọi quê hương (2015), Dấu chân người Việt (2016), Hoa trên sa mạc (2017)… đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Đây là năm thứ 8 của chương trình.

Những người làm chương trình Gala Ngày trở về không hiểu vì sao người phụ nữ bị đưa sang Úc từ năm bốn tuổi đã quên hết tiếng Việt, nhưng vẫn nhớ tiếng mưa rơi trên mái tôn, mùi đất nóng ẩm, mùi sầu riêng, bát chè đậu ở quê nhà…

Chị là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cô nhi viện trước năm 1975, bị mù bẩm sinh. 

Đến năm bốn tuổi chị được đưa sang Úc để chữa mắt. Sau đó chị đã không thể trở về nước.

Là một đứa trẻ mù lòa, chị không được gia đình nào nhận nuôi. Chị đã từng sống với 13 gia đình đỡ đầu. Đó là một quãng đời đầy tủi nhục, chị đã phải chịu rất nhiều thương tổn về thể chất và tinh thần.

Ước mơ lớn nhất của người phụ nữ này là được trở về Việt Nam. Đêm nào chị cũng mơ mình nói được tiếng Việt Nam.

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 2.

Người phụ nữ Việt bị mù sống bên Úc cả một đời, vẫn mong ước được trở về Việt Nam - Ảnh: VTV

Bỗng một ngày cảm thấy cần trở về Việt Nam

Là một đứa trẻ được sinh ra trên đất Mỹ, được cha mẹ tạo điều kiện để hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng, Hoài Tiến từ nhỏ đến lớn không phải học một câu tiếng Việt nào.

Cho đến khi anh quyết định học một ngoại ngữ khác, và anh đã chọn… tiếng Việt. Tại lớp học này, lần đầu tiên anh được cô giáo giải nghĩa cái tên Việt Nam của anh, điều mà cha mẹ anh chưa bao giờ làm. Hoài Tiến cảm thấy như được thức tỉnh.

Dòng máu Việt cứ thôi thúc Tiến trở về quê hương. 

Tiến đã may mắn gặp được gặp Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng (là con trai của PGS.TS. Nguyễn Văn Huy và cháu nội của GS. Nguyễn Văn Huyên) ở bên Mỹ và anh Hoàng đã dạy Tiến tiếng Việt. Sau đó Tiến đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống.

Những người làm chương trình cho biết họ hoàn toàn bất ngờ vì Tiến giờ đây là một người Việt 100% với vốn hiểu biết rất sâu sắc về dân tộc học. Tiến đang ấp ủ nhiều dự án đem lại lợi ích cho người dân tộc thiểu số.

Hoài Tiến chính là người dẫn dắt chương trình, kết nối các nhân vật trong Gala Ngày trở về 2018

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 3.

Chàng thanh niên người Mỹ gốc Việt Hoài Tiến từ một người không biết tiếng Việt đã trở thành một người hoàn toàn Việt Nam - Ảnh: VTV

Điều khó khăn nhất là làm sao tìm được câu chuyện đặc sắc. Vì những năm trước chương trình được khán giả ghi nhận, khiến năm sau chúng tôi phải cố gắng tìm được những câu chuyện hay hơn. Cả ê-kíp thường xuyên phải theo dõi tin tức, đọc sách, tra cứu tài liệu trong thư viện để tìm những câu chuyện hay. Chúng tôi phải nâng lên đặt xuống từng câu chuyện, liên tục tranh luận cho đến khi tìm ra phương án khả dĩ nhất. Rất may cả ê-kíp đã làm cùng nhau suốt 8 năm nay rất hiểu nhau và cùng đồng lòng làm ra một chương trình không chỉ hấp dẫn khán giả, mà còn phải đáp ứng được tiêu chí về nghề nghiệp.

Biên tập viên Hoàng Linh, phó phòng Tiếng Anh, Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam

Bí ẩn nem Việt tại Senegal

Nem Việt đã trở thành món ăn trong các gia đình, trong nhà hàng, trong lễ hội ở Senegal. Ai đã đưa món ăn truyền thống của Việt Nam sang nước châu Phi xa xôi?

Gala Ngày trở về đi tìm câu trả lời và họ được biết những năm đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1954, thực dân Pháp đã đưa hàng ngàn binh lính từ các nước châu Phi, trong đó có Senegal đến tham chiến ở Đông Dương.

Sau chiến tranh, nhiều người phụ nữ Việt lấy chồng Senegal đã theo chồng về nước.

Tại đây, những người phụ nữ Việt tần tảo, chịu thương chịu khó đã dùng món nem để làm kế sinh nhai. Món nem ngay lập tức đã chinh phục được người dân bản địa, giúp những gia đình Việt - Senegal thoát nghèo.

Nhiều gia đình đã nuôi dạy con cái thành đạt, trở thành những người có chỗ đứng trong xã hội Senegal. Ngày nay không còn nhiều người phụ nữ Việt ở đất nước này, nhưng con cháu của họ không thể quên gốc gác của mẹ mình.

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Anne Marie người đã được học làm món nem từ người mẹ Việt của mình, dù sinh sống tại Senegal, nhưng lòng luôn muốn được về thăm quê hương của mẹ - Ảnh: VTV

Làng người Kinh ở Quảng Tây

Ê-kíp làm chương trình cho biết khi họ đến làng của những người Kinh tại Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) họ đã vô cùng kinh ngạc khi cộng đồng này vẫn lưu giữ được chữ Nôm, truyện Kiều, những tập tục văn hóa cổ truyền của người Kinh.

Đó là những người Đồ Sơn (Hải Phòng) xưa kia đi biển gặp mưa to gió lớn đã tấp vào Tam Đảo. Họ đã định cư ở đây, xây dựng một ngôi làng giống hệt làng Việt Nam, trồng một rặng thị giờ đã có tuổi đời 500 năm, giống như rặng thị ở Đồ Sơn, quê hương họ.

Đi vào trong làng vẫn thấy người dân đội nón, mặc áo dài, chơi đàn bầu. Họ vẫn giữ được chữ Nôm, nói tiếng Việt cổ.

Hiện các biên tập viên của Gala Ngày trở về đang tỏa ra khắp các nơi trên thế giới để hoàn thành những cảnh cuối cùng.

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 6.

Hai cụ già người Kinh tại Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 7.

Những đứa trẻ con các gia đình người Kinh tại Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 8.

Ê-kíp Gala Ngày trở về và ông Đinh Văn Thân (thứ hai từ phải sang), đã từng là người Việt giàu nhất tại Vanuatu - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 9.

Những người làm chương trình Gala Ngày trở về tại Vanuatu - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 10.

Hoài Tiến và bà con dân tộc - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 11.

Hoài Tiến (trái) là nhân vật kết nối trong Gala Ngày trở về 2018 - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 12.

Hoài Tiến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Ảnh: VTV

Gala Ngày trở về: Đêm mơ thấy mình nói tiếng Việt Nam - Ảnh 13.

Bãi biển Vanuatu - Ảnh: VTV

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp