Bé gái Srei-Mom, 10 tuổi, giúp cha mẹ em mang gạch từ lò nung ra. Những đứa trẻ lớn lên trong lò gạch thường sẽ phải thừa kế khoản nợ của cha mẹ mình khi trưởng thành. Theo cách này, các khoản nợ với chủ lò gạch đường truyền đời qua nhiều thế hệ
"Blood Bricks: Untold Stories of Modern Slavery and Climate Change from Cambodia" - (Gạch máu: Những câu chuyện chưa kể về nô lệ thời hiện đại và biến đổi khí hậu từ Campuchia) là tên của một cuộc triển lãm đang diễn ra tại Anh.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được nhiếp ảnh gia người Ý Thomas Cristofoletti thực hiện trong chuyến đi nghiên cứu cùng trường Royal Holloway thuộc Đại học London về tình trạng nông dân ở Campuchia đang phải vật lộn với những khoản nợ để làm ra "những viên gạch máu".
Biến đổi khí hậu khiến cho mùa màng thất bát, người nông dân lâm vào cảnh nợ nần, khiến họ phải chấp nhận để các chủ lò gạch trả nợ cho mình, đổi lại phải vào làm việc trong các lò gạch với hình thức lao động lệ thuộc do nợ.
Hàng chục ngàn người nghèo Campuchia đã chuyển sang làm việc cho các nhà máy gạch và mắc kẹt trong các khoản nợ lệ thuộc đó.
Họ làm việc trong nhiều điều kiện nguy hiểm, dù lao động lệ thuộc ngày nay đã được luật quốc tế công nhận là một hình thức tương tự như nô lệ.
Giáo sư Katherine Brickell đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu đến gặp và phỏng vấn 80 công nhân tại 30 lò gạch ở Campuchia, đồng thời phần tích 308 hộ gia đình đang đứng trước khả năng chuyển sang làm việc ở lò gạch.
"Việc chuyển đổi công việc sang lao động lệ thuộc nợ là một sự thích nghi mà không gia đình nào đáng phải chịu cả. Giải quyết vấn đề khí hậu là một điều cấp thiết trước những tác động bất lợi của nó đối với các gia đình ở Campuchia", bà nói.
Nghiên cứu của Đại học London dự kiến kéo dài từ năm 2017 đến 2019 đề ra một loạt các khuyến nghị cho chính phủ Campuchia, bao gồm việc tăng cường bảo trợ xã hội và hỗ trợ sinh kế nông thôn, tăng quy định về ngành tài chính vi mô và thực thi luật lao động để hạn chế lao động lệ thuộc do nợ.
Báo The Guardian của Anh đã trích đăng nội dung nghiên cứu được thể hiện qua cuộc triển lãm những bức ảnh của Thomas Cristofoletti:
Bức ảnh chụp thủ đô Phnom Penh từ trên cao. Đất nước này đang trong thời kỳ bùng nổ xây dựng, đồng nghĩa với việc nhu cầu về gạch xây nhà cao hơn bao giờ hết. Đằng sau những tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm đang mọc lên ở Campuchia là câu chuyện của người nông dân mà không phải ai cũng biết
Khói đen bốc lên từ một lò gạch nơi người ta dùng vải vụn để làm nhiên liệu
Gạch được mang đi phơi sau khi nung
Một bãi rác của ngành may mặc ở ngoại ô Phnom Penh. Một số lò gạch tận dụng vải vụn để làm nguồn nhiên liệu giá rẻ cho họ
Máy bơm hoạt động trên một cánh đồng ở một ngôi làng có tỷ lệ người chuyển việc sang làm lò gạch rất cao. Đầu tư vào công nghệ tưới tiêu là một trong những lý do phổ biến nhất khiến nông dân mắc nợ và phải đi làm ở lò gạch để trả nợ và sống qua ngày. Trong khi đó, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt hoặc hạn hán, khiến cho mùa màng thất bát và sự đầu tư này của người nông dân trở nên vô nghĩa. Thêm vào đó, các khoản nợ từ các tổ chức tài chính vi mô lại khiến tình hình thêm bấp bênh
Anh Veasna phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng của mình. Nhiều nông dân cho biết sâu bọ sinh sôi nhiều trước tình hình mưa gió ngày càng thất thường. Trong hai thập kỷ qua, chi phí cho các loại thuốc hóa học đã tăng lên
Trong ảnh là Darany đang cày ruộng. 79% dân số Campuchia sống ở nông thôn và 42% sống nhờ nghề nông
Phala, một công nhân lò gạch đang mắc nợ, hằng ngày dùng sức đào đất sét để làm gạch. Chủ lò gạch thường mua đất của những người nông dân đang mắc nợ, sau đó sẽ thuê họ khai thác đất sét
Anh công nhân Boran nhồi đất sét vào máy đổ khuôn gạch. Những chiếc máy như thế này thường nguy hiểm nhưng công nhân hiếm khi có được sự lựa chọn trong trường hợp này. Gia đình Boran đang nợ chủ lò gạch hơn 2.500 USD, con số quá lớn so với thu nhập của một gia đình công nhân gạch trong một năm
Trẻ con cũng thường theo cha mẹ đến lò gạch ở. Chủ lò gạch khuyến khích chuyện này, bởi điều này làm giảm nguy cơ công nhân bỏ trốn. “Nếu công nhân muốn về quê thì phải để vợ hoặc con ở lại, để phòng trường hợp bỏ trốn. Chủ lò rất nghiêm khắc và xảo quyệt”, một người nói với nhóm nghiên cứu
Anh Piseth đang cho vải vụn vào lò nung gạch. Gia đình anh đã có nhiều thế hệ làm việc trong lò gạch
Anh công nhân tên Leap cho vải vụn vào lò trong ca làm việc đêm của mình. Công đoạn nung gạch mất khoảng 10 ngày, công nhân phải làm đêm để hoàn thành và được trả công theo số lượng. Vào mùa mưa, khi việc làm gạch bị gián đoạn do sợ mưa làm hư gạch, thì công nhận lại phải tiếp tục vay nợ từ chủ lò để sống qua ngày. Chưa hết, trong giai đoạn này, chủ lò cũng thương ngăn không cho công nhân tìm việc khác
Công nhân dỡ một xe chở gỗ trong đêm ở ngoại ô Phnom Penh. Chính phủ đã áp dụng những hạn chế nghiêm trọng về khai thác gỗ trong những thập kỷ gần đây do nạn phá rừng. Tuy nhiên, một số chủ lò gạch vẫn dùng gỗ làm nhiên liệu, và việc dỡ hàng được diễn ra vào ban đêm để tránh bị phát hiện
Leakena chất gạch đã nung lên xe đẩy để mang đi làm nguội. Cô được trả công theo số lượng nên luôn cố gắng làm nhanh để được nhiều tiền. Những người công nhân như Leakena thường bị chứng đau nửa đầu, chảy máu cam và một số tình trạng nghiêm trọng hơn.
Nơi ở của công nhân lò gạch. Hầu hết các gia đình sống trong các căn phòng dựng tạm bợ bằng tôn cạnh lò gạch. Họ có không gian chung để sinh hoạt ăn uống, giao lưu và đó cũng là nơi mà những đứa trẻ trải qua thời thơ ấu của chúng
Một hình Phật được vẽ trên tường trong lò gạch. Nhiều công nhân làm gạch rất tin vào tôn giáo và sử dụng niềm tin để lý giải những khó khăn của mình. Chủ lò gạch cũng khuyến khích người lao động nuôi dưỡng đức tính tốt bằng cách siêng năng tận tụy. Trong một số trường hợp, cam kết đạo đức này là một trong những yếu tố quan trọng ngăn công nhân chạy trốn và bỏ lại các khoản nợ
Lò gạch là nơi làm việc và cũng là nhà
Putrea dọn tro trong lò gạch. Cô đã sống và làm việc ở đây hơn 20 năm, nhưng vẫn còn nợ chủ lò hơn 2.500 USD. Cô có hai đứa con nhỏ, và cả hai đều không đi học
Trẻ con đến tầm 10 tuổi sẽ giúp đỡ cha mẹ làm việc để trả nợ nhanh hơn. “Khi tôi đến tuổi, họ bảo tôi ký vào hợp đồng nợ thay cho cha mẹ tôi. Nợ của tôi lại tiếp tục tăng lên khi tôi có chồng và con. Trong tương lai, con tôi cũng sẽ làm như vậy, ký vào sổ nợ của tôi”, cô công nhân Achariya kể lại gia cảnh, đầy xót xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận