26/05/2023 13:13 GMT+7

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 1: Gác kèo ong từ thuở cha ông đi mở cõi

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Ai đã từng mê rừng U Minh qua các trang viết của nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi, hẳn khó quên được cảnh rừng một màu trắng bông tràm với "muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương".

Ông Trần Văn Nhì vắt mật sau một lần “ăn ong” - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Ông Trần Văn Nhì vắt mật sau một lần “ăn ong” - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Và đó cũng chính là nơi những người dấn thân đi mở cõi đã rành rẽ một nghề không nơi nào có: gác kèo ong.

Đến năm 2020, nghề gác kèo ong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đại diện cho hai huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau).

Ngồi trong mái hiên căn nhà cất bằng cây tràm thoa dầu chạy máy ánh lên nước gỗ đen bóng bên rạch Bà Thầy ở ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau, ông Út Nhì nhấp miếng trà đậm, chép miệng rồi chỉ ra vạt rừng xa xa phía bên kia con rạch, nói oang oang: "Nghề gác kèo ong sơ qua thì đơn giản thôi. Gác cái kèo chờ ong về làm tổ rồi ăn ong. Còn nói cụ thể từ chuyện con ong, gác kèo, rồi đến chuyện ăn ong thì nói mấy ngày hổng hết".

Thời ăn ong... hổng lấy mật

Ông Út Nhì (tên thật là Trần Văn Nhì, 64 tuổi) và người hiếm hoi được giới "ăn ong" gọi là nghệ nhân ít ỏi còn lại vẫn sống bằng nghề gác kèo ong rừng. Rạch Bà Thầy bắt nước từ sông Cái Tàu, dọc theo con rạch này hầu hết là dòng họ của Út Nhì sinh sống. "Ông vải, ông sơ tui từ tuốt ngoài miền Trung vào. Như ông nội tui có học hành đàng hoàng, mà không ưa người Pháp nên mới xuôi xuống vùng rừng U Minh này lập nghiệp", ông Út Nhì nói oang oang.

Nghe chuyện một chốc, chúng tôi mới biết Út Nhì quen nói to vì ông đã hơi lãng tai. "Ngay cả Bà Thầy tên gọi con rạch này cũng là bà cô cố của tui, hồi đó bà giỏi thuốc nam nên nhiều người trong vùng hay tới xin bà bốc thuốc. Bà sống đầu rạch nên họ gọi miết thành địa danh", ông nói như át tiếng gió rừng.

14 tuổi đã theo cha mình đi cạy tổ ông mật trên những thanh kèo do cha gác trong rừng tràm dọc theo rạch Bà Thầy, đến năm 16 tuổi, Út Nhì đã có thể tách ra và tự gác kèo riêng cho mình. "Cha tui còn sống thì năm nay đã 112 tuổi rồi. Tui con út nên ở với cha. 24 năm trước, cũng nhờ lấy mật ong bán tích lũy mà tui làm căn nhà bằng cây tràm này. Hồi đó ở vùng U Minh này, người ta hay dùng tràm, thoa dầu lên rồi làm nhà, chứ không có nhiều nhà xây xi măng như bây giờ đâu", ông Út Nhì kể tiếp.

Ăn ong tức là đi cạy tổ ong lấy mật, người Cà Mau đã quen gọi như thế. Hơn 47 năm gác kèo ong, ông Út Nhì vẫn còn nhớ cả thời ông cha mình đi ăn ong mà... không lấy mật.

"Hồi đó tràm to, bông nhiều, ong làm mật lềnh rừng hết trơn mà nhiều khi bán cũng không có người thu mua. Mật thì nhà ai cũng có rồi, nên thời ông cố, ông nội tui chủ yếu đi lấy sáp. Tui nói người ta lại bảo nói dóc như bác Ba Phi, chớ thực tình là đi ăn ong thì lấy tổ ong xuống rồi kiếm chỗ vắt bỏ mật, lấy sáp về hong khô rồi cất để làm đèn cầy đốt ban đêm, đuổi muỗi", ông Út Nhì lại cười sang sảng khi kể chuyện xưa.

Dân ở xứ này lúc trước, trẻ con chưa thể đi ăn ong đã rành rẽ chuyện làm đèn cầy bằng sáp ong. Ông Út Nhì nay cũng còn nhớ rành rành: "Lấy cái ống trúc, đục lỗ lòn sợi chỉ câu bằng vải vô cân cho sợi chỉ ngay giữa ống trúc rồi nấu sáp ong đổ vào. Đợi cho khô thì chẻ ống trúc ra là thành cây đèn cầy. Vậy nên giờ nhiều nơi, cây đèn cầy hay cây nến người ta cũng còn quen gọi là cây sáp ong.

Dù cây đèn cầy làm bằng sáp ong nó sần sùi chớ không láng như cây đèn cầy làm bằng các loại sáp tổng hợp như bây giờ". Cây sáp ong này đến khoảng chục năm trở về trước vẫn còn gặp rất nhiều ở các vùng quê Cà Mau. Thuở chưa có đèn điện, ngoài ngọn đèn làm từ trái mù u thì đèn sáp ong vẫn là thứ ánh sáng chính để người ta thắp ban đêm.

Nói chuyện mật nhiều, Út Nhì còn nhớ hồi thanh niên khi ông đã thành thạo nghề gác kèo rồi, mỗi đợt ông gác kèo được chừng trăm tổ ong thì phải đi ăn ong mất hơn nửa tháng trời. "Đâu có xuồng máy như bây giờ. Hồi đó còn phải đem theo cái gùi lội vô rừng.

Tràm nhiều, mỗi tổ cũng bự cả mười mấy, hai chục lít mật, ăn chừng ba tổ là đã gùi về không nổi rồi", ông Út Nhì nhớ cái thời rừng U Minh chưa từng xảy ra những đợt cháy rừng lớn, đốt rụi tràm khắp nơi.

Người ta cũng chưa có trồng tràm rồi khai thác làm kinh tế như giờ nên hầu hết rừng là tràm cổ thụ to cao, đẻ nhánh tự nhiên nhiều và bông tràm mỗi lần nở cũng trắng rừng, thỏa sức cho các đàn ong về hút mật làm tổ.

Tổ ong trên kèo đang được dân U Minh lấy - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Tổ ong trên kèo đang được dân U Minh lấy - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Nghề truyền thống hài hòa thiên nhiên

Một dân cố cựu nữa ở Cà Mau cũng hào hứng trò chuyện với chúng tôi về nghề gác kèo ong là tiến sĩ Quách Văn Ấn, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau. Ông chính là trưởng nhóm nghiên cứu "Khôi phục nghề truyền thống gác kèo ong vùng U Minh Hạ" đã được UNESCO tài trợ hơn 10 năm trước. "Ban đầu, họ tài trợ 10.000 USD để mình bắt đầu thực hiện đề tài", tiến sĩ Ấn kể.

Theo ông Ấn, rừng U Minh Hạ là nơi có diện tích tràm tập trung rất lớn, hơn 40.700ha tập trung ở các xã Khánh Lâm, Khánh An và Nguyễn Phích (huyện U Minh) và xã Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) của tỉnh Cà Mau. Ước tính sản lượng mật ong của rừng tràm này tại thời điểm nghiên cứu lên đến khoảng 1.000 - 2.000 tấn mỗi năm.

"Người ta vẫn gọi là tràm cừ hay tràm nước, tên khoa học là Melaleuca cạjuputy. Còn con ong mật vùng rừng tràm U Minh chủ yếu là con ong khoái, tên khoa học là Apis dorsata. Con ong khoái phân bố nhiều nơi nhưng vùng rừng U Minh là có bông tràm nhiều nên ong khoái hay về làm tổ theo mùa tràm trổ bông", tiến sĩ Ấn nói thêm.

Từ việc thấy ong làm tổ trong tự nhiên dựa theo nhiều nhánh cây ngang, chảng ba hay cây ngã chéo, người xưa về đất này sống theo sản vật thiên nhiên như cá, tôm, rắn, rùa... đã bắt đầu gác kèo để ong về làm tổ.

Sau khi thích nghi với cuộc sống vùng đất ngập nước và hệ sinh thái rừng tràm, nơi "muỗi bằng gà mái/ cọp tùa bằng trâu", nghề gác kèo ong đã được tích lũy dần dần để trở thành cả một nghề rất khoa học dựa theo tập tính của con ong khoái và đảm bảo hài hòa với thiên nhiên, hưởng lợi bền vững...

Theo tư liệu của tác giả Nghê Văn Luơng - Huỳnh Minh trong sách Cà Mau xưa (NXB Thanh Niên, 2003) thu thập từ nửa thế kỷ trước, thì ngoài việc lấy mật ong, các xác ổ ong còn lại gọi là "mứt", cạy đem về gỡ ong non ra làm gỏi, trộn với bắp chuối và rau răm là món ăn tuyệt vời cho người ưa lai rai.

Nhằm người ăn không hạp, môi và mặt mày sưng vù lên, trong mình ngứa nhưng vài giờ thì hết. Sau khi gỡ hết ong non, người ta đem cái "mứt" nấu trong chảo cho sáp chảy lỏng, đổ vào tô hay chén lớn, sau khi lược sạch sẽ, đến khi nguội và đặc lại, thì đổ ra.

Một tô sáp như vậy gọi là một "bánh sáp", còn hai bánh úp mặt lại gọi là một "nan sáp". Sáp thường dùng để xe thành đèn cây lớn, có lăn son thắp trên bàn thờ ông bà khi làm lễ cưới hỏi hoặc trong dịp cúng tế thánh thần.

------------------------

Nghề gác kèo ong xem chừng đơn giản mà kể chi tiết thì mấy ngày hổng hết. Chỉ việc chọn trảng, cách gác kèo để con ong chịu về làm tổ, chuyện đã hết một buổi lai rai.

Kỳ tới: Bí quyết chọn trảng, gác kèo

Đã tìm ra con cá lóc đồng to nhất rừng U Minh HạĐã tìm ra con cá lóc đồng to nhất rừng U Minh Hạ

Con cá lóc nặng gần 3kg được trao giải nhất tại hội thi cá lóc đồng to nhất rừng U Minh Hạ. Ban tổ chức còn trao giải cho buồng chuối xiêm to nhất rừng U Minh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp