31/05/2023 13:28 GMT+7

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh

Kỳ cuối: Mật thật - giả và thương hiệu mật ong rừng U Minh.

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Ảnh 1.

Mật ong rừng U Minh Hạ khi vừa vắt ra có màu hơi vàng như nước trà - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

"Ai đi Cà Mau không có cá khô thì cũng mật ong đem về" là nếp nghĩ bao đời của người dân U Minh. Từ những cuộc mở rừng sống dựa vào thiên nhiên, con cá con tôm làm khô, mật ong treo lủng lẳng trong rừng quanh nhà trở thành thứ quà cáp để người Cà Mau hào sảng tặng khách gói về.

"Thiên nhiên trong từng giọt mật"

Rồi cuộc sống đổi thay, khô cá lóc, khô cá sặc, khô tôm... đã nhanh chóng bắt kịp thị trường với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng để ai có nhu cầu chỉ cần mở điện thoại ra lướt mua là có, thì mật ong rừng U Minh vẫn chỉ là thứ "quà quê" tặng nhau, chưa thực sự trở thành mặt hàng có sức hút trên thị trường.

Mãi đến năm 2015, khi ông Lê Văn Dũng, hiện là giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tạo dựng thương hiệu RUM CM, thì mật ong rừng U Minh Hạ mới thay đổi, trở thành mặt hàng có sức bán rất chạy trên thị trường.

"Tui quen một anh ở TP.HCM tên là Rum, người gốc huyện U Minh. Một lần lên nhà anh ấy chơi, anh ấy giải thích cha mẹ đặt tên Rum nghĩa là viết tắt của quê hương Rừng U Minh. Tôi thấy hay quá, vậy là quyết định xây dựng thương hiệu RUM CM", ông Dũng kể.

Ban đầu, tham vọng thương hiệu của ông Dũng là tạo ra các sản phẩm đặc trưng của quê mình, từ con cá, con tôm đến mật ong. 

"Nhưng trong các thứ thì mật ong rừng U Minh là sản phẩm đặc sắc nhất xứ này, nên tui tập trung vô nó trước, bởi giờ mật ong giả, mật ong nhái tràn lan và cũng rất khó để phân biệt mật nào là thật", ông Dũng chia sẻ thêm khi cho chúng tôi xem chúng tôi những chai, lọ thủy tinh mật ong đủ mọi kích cỡ, có dán nhãn RUM CM tinh tế và cả câu slogan "thiên nhiên trong từng giọt mật" hút mắt.

Vừa ra đời, thương hiệu mật ong RUM CM lập tức được thị trường đón nhận, cứ có hàng là bạn hàng khắp mọi miền nhanh chóng đặt mua sạch sẽ. Vì công việc bộn bề, sau khi làm các thủ tục tạo thương hiệu, ông Dũng giao lại cho con trai mình quản lý, phát triển.

Lê Trần Anh Hùng tiếp nối thương hiệu cha để lại, lấy mật từ những người thợ gác kèo, đóng chai, làm nhãn hiệu... 30 tuổi, đang là viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, chàng trai trẻ này cùng thương hiệu RUM CM đã từng được tuyên dương là doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2020 khi đã phát huy mạnh mẽ một thương hiệu uy tín, góp phần giới thiệu thêm sản vật Cà Mau đi xa hơn.

Tuy vậy, hiện Hùng cũng đang bận bịu việc hỗ trợ khởi nghiệp cho nhiều thanh niên khác. Mỗi tháng, Hùng chỉ còn làm khoảng 400 lít mật. Còn lại, anh chia sẻ thương hiệu RUM CM với cơ sở gác kèo ong nơi Hùng lấy mật để họ tự khai thác bán cho khách du lịch, kiếm thêm thu nhập.

Sau thành công của thương hiệu RUM CM, nhiều thương hiệu khác cũng bắt đầu ra đời, đưa mật ong rừng U Minh Hạ từ nghề gác kèo ong ra nhiều hơn với thị trường.

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Ảnh 2.

Lê Trần Anh Hùng giới thiệu sản phẩm mật ong thương hiệu RUM CM - Ảnh: SƠN LÂM

Làm thế nào nhận biết mật ong rừng U Minh?

Câu hỏi này, chúng tôi đã hỏi rất nhiều thợ ăn ong lâu năm. Đa số họ đều trả lời bằng câu: "Kinh nghiệm nhìn là biết". Ông Dũng nghe chúng tôi nói thì lắc đầu cười: "Đúng là chỉ nói chung chung thôi, người sành sỏi sống bằng nghề này thì họ nhận định bằng cảm giác là chính. Chứ còn nói cách để biết đích xác ngay là mật thật thì khó".

Nhìn chung, mật ong rừng U Minh mang hương thơm dịu nhẹ của bông tràm, giọt mật trong, màu vàng như nước trà và gần giống như nước cam, đậm đặc, sóng sánh trông như dầu dừa. Khi vắt lấy mật theo kiểu tự nhiên, mật ong thật thường còn sáp ong nổi lên trên mặt, để lâu không bị hư.

Tiến sĩ Quách Văn Ấn - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau - nói thêm chất lượng mật chỉ thay đổi lớn nhất là tùy thuộc vào thời tiết giữa mùa mưa và mùa khô. Cà Mau có trữ lượng mưa vào loại lớn nhất của cả nước, mật mùa mưa thì màu sẽ nhạt hơn vì trong bông tràm thấm nước mưa, con ong tinh luyện ra mật cũng có hàm lượng nước cao hơn, hơi loãng hơn. Còn mật mùa khô thì đặc sánh hơn.

Trung bình, nếu là mật tốt mùa khô thì trọng lượng 1 lít mật sẽ khoảng 1,3 - 1,4kg. Khi xưa, người dân U Minh lấy mật về thường để trong khạp da bò (một loại lu đựng nước hình trụ làm bằng đất nung, có nắp đậy) hai năm không đổi màu. Tiến sĩ Ấn lý giải đó là do khi vắt mật ong, các tạp chất trong tàng ong, sáp ong trộn lẫn trong mật còn rất nhiều. Chúng sẽ nổi lên tạo thành một lớp váng trên mặt ngăn chặn các vi sinh vật vào phân hủy gây đổi màu.

"Hàm lượng nước cao thì vi sinh vật trong mật ong phân hủy nhanh hơn, quá trình này tạo ra hơi gas nên khi đóng hũ mật kín rồi mở ra, ta thấy xì hơi gas", tiến sĩ Ấn lý giải.

Khi mật ong bắt đầu có giá, người ta bắt đầu nấu nước đường, dùng đạm hóa học, tinh bột, đường mạch nha... và cách thông dụng nhất là nấu cháo nếp với đường pha loãng vào mật ong để bán kiếm lời. Có mật giả thì phải nghĩ ra cách phân biệt với mật nguyên chất. Dần dà, có cả chục cách thử dân gian khác nhau được lan truyền. "Ông bà ta dựa vào kinh nghiệm, nhưng thực chất phương pháp rất logic với khoa học", tiến sĩ Ấn cười rồi bắt đầu phân tích.

Dựa vào tính chất mật ong thật có hàm lượng nước ít hơn các loại mật đã được pha trộn, những người dân U Minh đem nhỏ từ từ vài giọt mật ong vào ly nước lọc, nếu mật ong chảy từ từ xuống đáy ly, không hòa tan ngay là mật ong tốt. Hoặc dùng một cây tăm nhúng vào mật ong rồi đem đốt, nếu mật pha loãng, nước nhiều thì ngọn lửa sẽ cháy lụp bụp vì gặp nước. Còn cháy đều, êm lửa thì là mật thật.

Tiến sĩ Ấn kể: "Hồi xưa ông bà hay có giấy vấn thuốc rê, cũng có thể đem nhỏ mật lên giấy đó để thử, nếu mật ong không chảy và không thấm ngay qua tờ giấy thì là mật ong thật. Ít nước nên độ thẩm thấu không có. Còn không thì lấy cọng hành để vào mật ong, cọng hành sẽ héo từ từ vì trong cọng hành có hàm lượng nước nhiều hơn, bị môi trường mật ong có hàm lượng nước ít hơn hút qua. Còn cọng hành vẫn tươi thì mật ong không tốt".

Nhiều người còn dùng đũa tre khêu một ít mật rồi kéo thành sợi, kéo dài cho đứt rồi sợi mật co lại thì là loại mật rất tốt. Hoặc khuấy đều mật, nếu mật đã có sự pha trộn thì các chất trộn vào sẽ tạo màu đục, còn mật thật thì vẫn bình thường.

"Vị mật ong rừng U Minh ngọt đậm nhưng không ngấy, còn có vị hơi chua chua thanh dịu nuốt vào rất trơn cổ. Dùng 2 ngón tay nhúng ít mật ong se thử sẽ cảm giác nó rất mềm, riêng mật pha rồi khi se sẽ thấy nhám ngón tay, nuốt vào cảm giác hơi lợn cợn", tiến sĩ Ấn kể thêm.

Còn nếu mật bị pha nước đường nhiều, dùng que tăm nhúng vào mật đốt lên sẽ ngửi được có mùi đường chứ không chỉ như mật thật chỉ có hương thơm dịu nhẹ như bông tràm.

"Có giá trị hơn cả mật trong tổ ong là phấn ong và keo ong. Phấn ong được con ong trong quá trình lấy mật đem về để một góc tổ làm thức ăn cho ong chúa, có nhiều acid amin và chất chống oxy hóa nên được dùng để bào chế ra các loại dược phẩm chức năng. Người ta hay gọi phấn ong là sữa ong chúa vì chúng có màu trắng chứ ong chúa làm gì có sữa. Còn keo ong thường có màu nâu xám, được con ong khai thác từ các loại nhựa cây, tạp chất đem về cất một chỗ trên tổ ong để nhai lại vá những điểm rách của tàng ong. Chất này cũng chứa rất nhiều tinh chất có lợi cho sức khỏe con người", tiến sĩ Ấn nói.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp