20/07/2022 09:05 GMT+7

'Gả' vốn đúng chỗ

TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

TTO - Sẽ còn nhiều than phiền khó vay vốn. Nhưng phải xem đây là cơ hội để ngân hàng rót vốn đúng chỗ, vào doanh nghiệp có vòng quay vốn nhanh, hiệu quả và trả nợ đúng hạn.

Gả vốn đúng chỗ - Ảnh 1.

Giao dịch tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Gần đây, người dân, doanh nghiệp, nhất là liên quan đến bất động sản, kêu khó vay vốn ngân hàng vì bị giới hạn tăng tín dụng (từ nay được gọi là "định hướng tăng trưởng tín dụng" thay vì "room" tín dụng). 

Có người thắc mắc, cũng lạ, tiền gửi ở ngân hàng nhiều, cứ đem cho vay, sao lại giới hạn làm gì? 

Thậm chí có cảnh báo nếu siết vốn vào bất động sản, các dự án xây căn hộ khó triển khai, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề như sắt thép, ximăng, xây dựng, người mua căn hộ...

Nhưng đã nói đến tiền là phải thận trọng, nhất là tiền vay ngân hàng còn phải chặt chẽ hơn. Cho vay bao nhiêu, lĩnh vực nào phải tính toán kỹ, không thể "được người này, ngành này mà mất người kia, ngành kia". 

Cho vay hôm nay phải nhìn đến nhiều tháng tới, năm tới để không gây ra lạm phát, giá cả tăng cao, nợ xấu, dòng tiền bị nghẽn bởi cục máu đông. Chính vì thế mới có định hướng tăng trưởng tín dụng hằng năm.

Quan trọng là thế, nhưng lúc này định hướng tăng trưởng tín dụng càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều năm qua thế giới không chịu sức ép lạm phát. Nay thì lạm phát "lù lù" như sóng dữ và chúng ta đang vất vả "be bờ, đắp đê" ngăn con sóng lạm phát gây hại cho nền kinh tế và đời sống người dân.

Ngặt nỗi, nếu ngân hàng nới tay cho vay nhiều hơn trước cũng góp phần thêm sức mạnh, tăng cấp độ cho con sóng lạm phát. 

Hiểu đơn giản là ngân hàng cho vay thêm 100 đồng, tức là đưa thêm vào nền kinh tế 100 đồng, tạo thêm sức mua làm giá cả tăng. Khi đáo hạn, nếu doanh nghiệp không trả được nợ, tiền không quay về lại ngân hàng góp phần gây ra lạm phát. Mà lạm phát không xuất hiện ngay khi mở rộng tín dụng, nó âm ỉ, từ từ mới lộ diện, gọi là có độ trễ, nó đã bùng ra, muốn kìm lại rất khó, phải trả giá. 

Chính vì thế, nhà điều hành, ở đây là Ngân hàng Nhà nước, luôn phải tính toán, kìm cương, không chỉ thời gian trước mắt mà là trong vài năm tới.

Còn nhớ, năm 2007-2008 do tín dụng tăng nóng, giá chứng khoán, bất động sản tăng phi mã, ai cũng "giàu lên" nhưng lạm phát cuối năm 2008 lên đến 18%. Rất nhiều doanh nghiệp không chịu nổi lãi suất vay 21% phải phá sản, nhiều người "nghèo đi". 

Khi đó, để cứu nền kinh tế, chúng ta siết lại, nhưng làm không kiên quyết, hệ quả là năm 2011, tình trạng bong bóng trở lại với bất động sản, lạm phát cao rình rập. 

Kể từ đó, chúng ta đặt ra nguyên tắc không chạy theo tăng trưởng nóng mà phải dựa trên hiệu quả, bền vững. Nhờ vậy nhiều năm qua người dân mới được hưởng nền kinh tế lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định quanh 6-7%/năm.

Lúc này, bài học của những năm 2008-2011 càng thêm giá trị. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 trước mắt là 14%. Khéo co thì ấm. Rót vốn sai chỗ, vào lĩnh vực đầu cơ hay những dự án bất động sản xây hoài không xong... không chỉ lãng phí mà còn gây hậu họa cho mọi người nếu lạm phát cao quay lại.

Sẽ còn nhiều than phiền khó vay vốn. Nhưng phải xem đây là cơ hội để ngân hàng rót vốn đúng chỗ, vào doanh nghiệp có vòng quay vốn nhanh, hiệu quả và trả nợ đúng hạn. 

Bởi ưu tiên hàng đầu lúc này là không để tín dụng tăng nóng, không cho vay dưới chuẩn để rồi tiếp tay cho lạm phát, đe dọa doanh nghiệp và mâm cơm của mọi người. Với doanh nghiệp bất động sản không thể trông vào tín dụng mà là trái phiếu doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp có uy tín cao sẽ phát hành được nhiều trái phiếu và ngược lại. 

Đây cũng là dịp để người vay ngân hàng và doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chỉnh đốn lại, làm cho mình hấp dẫn hơn, buộc bên cho vay phải tìm đến "gả" vốn, thay vì rơi vào cảnh đói vốn phải kêu cứu.

Tháo các điểm nghẽn, xốc lại thị trường bất động sản Tháo các điểm nghẽn, xốc lại thị trường bất động sản

TTO - Các chuyên gia nhấn mạnh cần có các giải pháp tháo các điểm nghẽn, không đánh đồng doanh nghiệp, cần có sự phân loại để tạo điều kiện tiếp cận vốn, tín dụng, trái phiếu... phát triển thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp