09/07/2018 11:05 GMT+7

Gà Việt ngày càng xuất hiện nhiều trong bếp ăn người Nhật

TRẦN MANH
TRẦN MANH

TTO - Công ty chế biến mở hết công suất và tìm địa điểm xây nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu thịt gà từ Nhật Bản, còn trang trại lo không kịp đáp ứng nhu cầu.

Gà Việt ngày càng xuất hiện nhiều trong bếp ăn người Nhật - Ảnh 1.

Chế biến để xuất khẩu gà đi Nhật - Ảnh: T.Mạnh

Dù mới xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên vào Nhật Bản từ tháng 9-2017 nhưng các doanh nghiệp cho biết tiềm năng của thị trường này rất lớn. Singapore và Hong Kong cũng là hai thị trường mà Việt Nam đang tiếp cận để xuất khẩu vào cuối năm nay.

Nhà máy chạy hết công suất

Chỉ sau hơn nửa năm đưa lô hàng thịt gà đầu tiên vào thị trường Nhật Bản, Công ty TNHH Koyu&Unitek (trụ sở tại Đồng Nai) đã phải đầu tư thêm hai dây chuyền chế biến mới để đáp ứng các đơn hàng từ đối tác. 

Ông Khưu Nhơn Hiếu, tổng giám đốc Koyu&Unitek, cho biết năm 2017 dây chuyền sản xuất của nhà máy đạt công suất tối đa 100 tấn thành phẩm/tháng thì nay với việc lắp thêm 2 dây chuyền mới, "mục tiêu của chúng tôi từ nay đến tháng 9 sẽ đạt công suất 200 tấn/tháng và đến cuối năm nay sẽ chạy đầy đủ công suất 350 tấn/tháng, quy đổi ra gà lông là trên 1.100 tấn".

Sau khi xuất khẩu thử nghiệm, đến nay khách hàng Nhật Bản đã tin tưởng và đặt hàng thịt gà chế biến từ Việt Nam ngày một nhiều hơn. Ông Hiếu cho biết công ty đang tìm kiếm vị trí để xây nhà máy mới nhằm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu thịt gà của Việt Nam trong 5 năm tới. 

"Phía công ty mẹ bên Nhật cho biết kế hoạch trong 5 năm tới của công ty tại Việt Nam sẽ là đưa công suất chế biến lên 1.000 tấn/tháng", ông Hiếu cho biết.

Đưa Việt Nam thành bếp ăn thế giới

Để xuất khẩu được lô thịt gà đầu tiên đi Nhật, các công ty đã phải chuẩn bị trong thời gian gần 3 năm. Cho đến hiện tại, trang trại miền Đông ở Đồng Nai do ông Nguyễn Minh Kha làm chủ vẫn là trang trại duy nhất tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Cơ hội lớn cho chăn nuôi gà ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia chuỗi liên kết với Công ty Koyu&Unitek, theo ông Kha, trang trại chăn nuôi phải đạt các tiêu chí, không kháng sinh tồn dư, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, không sử dụng chất cấm, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ bệnh cúm, E.coli, Salmonella... 

"Trang trại đã thực hiện chuỗi liên kết khép kín để kiểm soát, quản lý chặt chẽ theo quy trình chăn nuôi của Nhật Bản. Từ khâu chuẩn bị và chọn lọc con giống - cám - thuốc - hồ sơ truy xuất nguồn gốc - vận chuyển - giao nhận... đều được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc", ông Kha nói.

Theo ông Khưu Nhơn Hiếu, trình độ chăn nuôi của Việt Nam hiện nay không thua kém gì các nước trong khu vực nên việc cạnh tranh của Việt Nam là dư sức. Ngoài Nhật Bản, công ty cũng đang làm việc với các đối tác để xuất khẩu thịt gà Việt Nam đi Hong Kong và Singapore. 

"Nếu mọi việc thuận lợi thì có thể cuối năm nay sẽ xuất khẩu được thịt gà vào hai thị trường này", ông Hiếu cho hay.

Công ty TNHH CP Việt Nam cũng cho biết đang tiến hành xây dựng chuỗi chăn nuôi xuất khẩu tại Bình Phước với quy mô lên tới trên 60 triệu con gà mỗi năm. 

Ông Montri Suwanposri, tổng giám đốc công ty, cho biết toàn bộ chuỗi này sẽ được đầu tư dây chuyền hiện đại hơn cả hệ thống của CP Thái Lan để thực hiện kế hoạch "đưa Việt Nam thành bếp ăn của thế giới" mà thịt gà là một trong những sản phẩm trong kế hoạch đó. 

"Giá thành chăn nuôi của Việt Nam đã không thua kém Thái Lan, cùng với việc đầu tư công nghệ mới nhất và hệ thống khách hàng hiện có, chúng tôi tự tin xuất khẩu thịt gà Việt Nam ra thế giới vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020", ông Montri cho hay.

Cơ hội tiếp tục tăng xuất khẩu

Theo các công ty chăn nuôi gà công nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất và tiêu thụ trên 200 triệu con gà công nghiệp, hầu hết là tiêu thụ trong nước.

Việc xuất khẩu thịt gà nói riêng và sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn khó khăn do vướng nhiều rào cản về chất lượng an toàn thực phẩm và đặc biệt là các quy định về thú y, quản lý dịch bệnh.

Theo ông Khưu Nhơn Hiếu, Nhật Bản đang nhập khẩu nhiều thịt gà từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chất lượng luôn là vấn đề mà khách hàng Nhật quan tâm, nhất là với hàng từ Trung Quốc.

Vì vậy, Việt Nam đã thành công khi vượt qua những rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm sẽ mở ra một cơ hội rất tốt cho ngành chăn nuôi gà của VN.

"Khi đã đạt chuẩn của Nhật Bản rồi, việc đưa thịt gà Việt Nam ra thị trường thế giới không còn là vấn đề quá khó khăn nữa", ông Hiếu nhận định.

​40 ngày: nuôi gà còn nhanh hơn thủ tục xuất khẩu gà

TTO - “Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói về tình trạng "giấy phép con, giấy phép cháu".

TRẦN MANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp