Cha con “gà trống” Trình Quốc Tuấn - Ảnh: La Thư |
Từ đây số phận “gà trống nuôi con” đã đưa cuộc đời Tuấn sang một ngã rẽ khác: anh khởi động lại cuộc đời mình với câu chuyện về “ngân hàng sữa mẹ” và những giải pháp ứng dụng công nghệ chăm sóc y tế, sức khỏe cho bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ.
Cuộc chiến của “gà trống”
Quỹ đầu tư Cyber Agent hỗ trợ Khó khăn của Tuấn là việc vừa phải làm cha vừa làm mẹ, lại phải đối mặt với những khó khăn về tài chính khi dốc hết vốn liếng chắt bóp được để phát triển từ Ngân hàng sữa mẹ đến babyMe. Ngân hàng sữa mẹ hiện tại đang được Quỹ đầu tư Cyber Agent hỗ trợ văn phòng cho dự án hoạt động. Số phận buộc Tuấn phải “gà trống” đơn độc để nuôi con nhưng không hẳn vậy, hàng ngàn “fan page” của Ngân hàng sữa mẹ và Hội sữa mẹ trên Facebook hiện tại chính là động lực và là “những bàn tay nắm lấy bàn tay” cho ông bố trẻ không đơn độc trong hành trình phía trước. |
“Khoảnh khắc tôi nắm tay vợ nằm cạnh con gái bé bỏng đang say ngủ, đêm trước ngày định mệnh cứ ảm ảnh mãi trong tôi...”, Trình Quốc Tuấn khó nhọc nhớ lại.
“Đón con về nhà sau bảy ngày nằm trong bệnh viện, tôi cố kềm nước mắt khi con khóc vì đói, mút ngón tay thay vì được bú mẹ. Thật may mắn trước đó một số người bạn đã xin sữa mẹ trữ đông cho bé, nên về tới nhà con gái tôi được bú ngay sữa những người mẹ tốt bụng chưa một lần quen.
Ủn - con gái tôi - bú hết rất nhanh lượng sữa xin được ban đầu nên phải tiếp tục nhờ bạn bè xin giùm trên các diễn đàn, may sao cũng có kịp sữa cho con khi vừa hết nên con không bị gián đoạn sữa mẹ.
Trong hành trình tìm sữa cho con, đã nhiều lúc tôi tất tả chạy khắp nơi gom sữa khi con bú nhiều, có lúc hai tủ lạnh lại quá tải sữa do con bú ít. Những lúc đó tôi hình thành ý tưởng về một mạng lưới chia sẻ sữa giữa các bà mẹ để điều tiết, tránh tình trạng nơi thiếu nơi thừa, biến mỗi tủ lạnh của mỗi bà mẹ là một kho trữ sữa. Trước tiên là trữ sữa cho chính con mình dùng khi mẹ đi làm hoặc những lúc vì lý do gì đó bị mất sữa. Kế đến là chia sẻ nguồn sữa đó cho các bé khác khi người mẹ không có đủ sữa cho con.
Ý tưởng đó thôi thúc và có động lực mạnh mẽ hơn khi tôi tới thăm một bé sinh quá ngày. Bà mẹ nghèo đơn thân, có thai ngoài ý muốn, không có tiền sinh nở, bé ở trong bụng quá mười ngày cho tới khi được đưa đi cấp cứu. Do nằm lâu trong bụng cạn ối nên da bé bị khô và bong tróc, khi sinh ra đỏ hỏn, vài hôm sau chuyển qua màu đen sần sùi.
Người mẹ, mặc dù sữa nhiều nhưng do đi làm nên cho bé uống sữa hộp. Tôi thuyết phục chị cho bé bú sữa mẹ được ngày nào hay ngày đó, biết đâu sẽ giúp da bé được lành nhanh hơn, nhưng tôi không dám chắc chị sẽ cho bé bú...
Câu chuyện “ngân hàng sữa mẹ”
Tối hôm đó, tôi chia sẻ ý tưởng của mình và kêu gọi trên Facebook thành lập ngân hàng sữa mẹ và không ngờ lại được các mẹ ủng hộ nhiệt tình. Qua trao đổi, tôi được biết ngân hàng sữa mẹ có từ rất lâu ở châu Âu, Mỹ, gần đây thì Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines... Hầu hết đều có cả, chỉ mỗi ở VN là chưa. Một thực tế bất ngờ hơn là tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở VN thuộc loại thấp nhất thế giới (dưới 20% so với 65% của Campuchia, 40% của châu Á). Điều đó làm tôi bắt tay ngay vào việc thành lập cộng đồng ngân hàng sữa mẹ ngay trên Facebook.
Tôi không ngờ mình đã tạo ra một điều ý nghĩa cho các bà mẹ, cũng như không biết rằng sắp tới mình phải đối mặt với một cuộc chiến chống lại định kiến và những nhận thức sai lầm về sữa mẹ. Nhưng thật may mắn và đầy duyên số khi tôi được những con người cùng chung chí hướng sát cánh vì một cộng đồng hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ từ vài người đến hàng ngàn người tham gia như hiện nay.
Tôi hạnh phúc vì góp phần sáng lập hai cộng đồng dành cho các bà mẹ là Ngân hàng sữa mẹ (Human milk for human babies Vietnam) và Hội sữa mẹ (hiện đã có 40.000 thành viên). Tại đây tôi nhận thấy những bà mẹ khác cũng gặp phải những vấn đề như tôi đã gặp trong hành trình nuôi con. Điều đó là khởi nguồn cũng như động lực để sắp cho ra đời “đứa con thứ hai” của tôi babyMe. đây là một giải pháp ứng dụng công nghệ di động (SMS, mobile app) dành cho các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, để quản lý hành trình phát triển 1.000 ngày từ khi mang thai tới 2 tuổi.
Hành trình hết sức quan trọng cho sự phát triển về mặt trí não và thể chất, là một nền tảng rất quan trọng cho sức khỏe cả đời, cho sự lớn lên và phát triển của trẻ em. Mặt khác đây cũng là giai đoạn đứa trẻ đối diện với những rủi ro cao nhất về bệnh tật, suy dinh dưỡng... đe dọa tới sự sống cũng như tổn hại về mặt thể chất và nhận thức vĩnh viễn”.
Những ngày Sài Gòn nóng nực này, Tuấn vừa chăm bé Ủn vừa cùng một người bạn đồng sáng lập babyMe chuẩn bị ra mắt phần mềm vào cuối tháng 6-2014. Giải pháp hỗ trợ y tế, sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em được nhắm tới phụ nữ nông thôn qua tin nhắn điện thoại, phụ nữ thành thị thông qua các chương trình cài sẵn trên điện thoại thông minh (babyMe - mobile app cho smartphone - PV).
Hi vọng, hạnh phúc của ông bố trẻ bây giờ là chăm sóc bé Ủn - cô con gái nay đã 18 tháng tuổi vẫn được uống sữa mẹ từ Ngân hàng sữa mẹ do ba sáng lập. Hội sữa mẹ và Ngân hàng sữa mẹ của Tuấn đã giúp được hàng trăm bà mẹ trẻ có kiến thức về việc cho con bú bằng sữa mẹ hay duy trì nguồn sữa mẹ quý giá cho đến lúc con 2 tuổi. “Con đường của tôi hiện tại và sau này chính là tương lai bé Ủn và hàng triệu bé sơ sinh trên đất nước này trước nguy cơ mất đi lợi ích quý báu từ sữa mẹ” - Trình Quốc Tuấn giãi bày.
Giải nhất “Sáng tạo vì trẻ em” Dự án babyMe là phần mềm nhận được giải nhất cuộc thi “Sáng tạo vì trẻ em” do Unicef VN tổ chức. Ông Trần Công Bình, cán bộ điều phối Unicef VN, chia sẻ: “Những giải pháp của nhóm nhằm hỗ trợ phần mềm về y tế và sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong 1.000 ngày từ khi mang thai đến khi 2 tuổi một cách hiệu quả nhất. Vì đây là thời điểm quan trọng nhất về sức khỏe cho trẻ em trong suốt cuộc đời. Đó là lý do nhóm đoạt giải nhất với phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động mang tên Cuccung.vn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận