20 năm sau lần gần nhất và duy nhất đăng quang ở World Cup, một thế hệ cầu thủ tài năng đã ồ ạt xuất hiện ở tuyển Pháp, giúp "gà trống Gaulois" tự tin mơ về cơ hội lên ngôi vô địch thế giới lần nữa.

Huấn luyện viên Didier Deschamps chắc hẳn đang cảm thấy may mắn khi sở hữu trong tay một đội hình quá nhiều cầu thủ xuất sắc, có giá trị lên đến 1,08 tỉ euro - đắt giá nhất World Cup 2018 (theo Tranfermartk). Sau 6 năm cầm quyền, tuyển Pháp của Deschamps gượng dậy từ vết nhơ xấu xí ở Nam Phi vươn đến tứ kết World Cup 2014 và chung kết Euro 2016, liệu Gà trống Gaulois đã sẵn sàng cất tiếng gáy tại World Cup 2018?

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 1.
Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 2.

Đó là ngày 18-11-2009. Stade de France căng đến thở cũng khó khi Pháp và Ireland buộc phải bước vào hiệp phụ trận play-off  lượt về khu vực châu Âu tranh vé dự World Cup 2010.

Phút 13 của thời gian hiệp phụ, tiền đạo lừng danh Thierry Henry khống chế bóng bằng tay rồi chuyền ngang cho William Gallas đánh đầu tung lưới Ireland. Không có công nghệ VAR và bàn thắng được công nhận.

Pháp giành chiến thắng chung cuộc 2-1 trước Ireland (lượt đi Pháp thua Ireland 0-1 trên sân khách) để đoạt vé dự World Cup tại Nam Phi.

Bàn thắng của Gallas là một trong những vụ bê bối chấn động nhất lịch sử World Cup. Thất bại oan ức thổi bùng cơ uất hận của người Ireland trong khi Pháp giành vé đến Nam Phi nhưng không cổ động viên nào vui nổi.

Vụ việc khiến không khí chuẩn bị cho World Cup 2010 của tuyển Pháp trở nên u ám. Mọi chuyện càng tệ hơn khi trước ngày lên đường sang Nam Phi, Sidney Govou, Franck Ribery và Karim Benzema bị cáo buộc quan hệ với gái gọi vị thành niên. Trong khi đó, HLV Raymond Domenech tuyên bố sẽ chia tay tuyển Pháp sau World Cup.

Tất cả ập đến cùng một lúc như báo hiệu một điều gì khủng khiếp hơn nữa đang chờ đợi Gà trống Gaulois trên đất Nam Phi.

Và điều đó đã đến.

Tiền đạo Nicolas Anelka bật lại HLV Domenech trong thất bại 0-2 của Pháp trước Mexico 0-2 ở lượt trận thứ hai vòng bảng. Sau khi từ chối xin lỗi, Anelka bị Domenech đuổi về nhà. Sau đó, phần còn lại của tuyển Pháp tuyên bố đình công, bỏ tập để chống đối Domenech.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 3.

Anelka và Domenech (phải) bất hòa ở World Cup 2010. Ảnh: GETTY IMAGES

Pháp chia tay World Cup 2010 với chỉ 1 điểm sau 3 trận cùng vết nhơ không thể gột rửa trong lịch sử bóng đá nước này.

Sau giải đấu trên đất Nam Phi, Laurent Blanc được bổ nhiệm làm HLV tuyển Pháp. Nhưng bóng ma Nam Phi tiếp tục ám ảnh tuyển Pháp đến tận Euro 2012. Tuyển Pháp của Blanc trình diễn thứ bóng đá tệ hại, bạc nhược để rồi chia tay giải đấu tại Ba Lan và Ukraine ở tứ kết.

Euro 2012 tiếp tục chứng kiến cơn khủng hoảng trong phòng thay đồ tuyển Pháp. HLV Blanc không thể kiểm soát các cầu thủ để Samir Nasri, Hatem Ben Arfa, Jeremy Menez và Yann M'Vila nổi loạn. Giải đấu trên đất Ba Lan và Ukraine tiếp tục xát muối vào vết thương của tuyển Pháp ở Nam Phi 2010.

Nhưng cũng từ nỗi ám ảnh kinh hoàng đó, Gà trống Gaulois đã gượng dậy mạnh mẽ và bây giờ có thể đứng trên tất cả tự hào cất tiếng gáy.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 4.

Sau thất bại của Blanc, Liên đoàn bóng đá Pháp quyết định bổ nhiệm Didier Deschamps thay thế kéo theo không ít sự hoài nghi.

Ngồi lên ghế HLV tuyển Pháp, việc đầu tiên Deschamps ưu tiên là "thanh lọc bầu không khí u ám" đến ngột ngạt ở tuyển Pháp. Ông quyết định thực hiện chiến dịch bàn tay sắt, chấn chỉnh đội tuyển quốc gia.

Nhà vô địch World Cup 1998 quyết định đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ như Raphaël Varane, Paul Pogba, Antoine Griezmann… để thổi vào tuyển Pháp làn gió mới.

Nhưng cũng đồng thời, mở cửa cho những cựu binh biết "hối cãi" như Franc Ribery, Patrice Evra trở lại đội tuyển để duy trì yếu tố kinh nghiệm.

Khi bầu không khí ở đội tuyển thực sự trong lành, Deschamps mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng lối chơi.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 5.

Deschamps là người đưa Pháp thoát khỏi "vết nhơ" Nam Phi. Ảnh: GETTY IMAGES

Chỉ sau 2 năm nắm quyền ở tuyển Pháp, Gà trống Gaulois đã trở lại. Tuyển Pháp của Deschamps nổi tiếng là một thể thống nhất, đề cao tinh thần đồng đội và tất cả đều bất ngờ trở nên lành tính.

Sự thay đổi thần kỳ ở tuyển Pháp đã khiến trung vệ Laurent Koscielny thốt lên trước ngày lên đường dự World Cup 2014: "Không khí tuyển Pháp như một gia đình".

World Cup 2014, Pháp dừng bước ở tứ kết sau khi để thua nhà vô địch tương lai Đức 0-1. Nhưng thất bại đó không làm ai buồn, bởi những người yêu mến tuyển Pháp nhận thấy rất nhiều tính hiệu tích cực, nhất là sự thay đổi rõ rệt về thái độ thi đấu và tinh thần.

2 năm sau, tuyển Pháp dưới bàn tay Deschamps tiếp tục tiến bộ, giành quyền góp mặt trong trận chung kết Euro 2016 và chỉ chịu thua Bồ Đào Nha quá may mắn. Thước đo cho sự tiến bộ đó không phải là vị trí á quân mà là trên hành trình vào đến chung kết, Pháp đã quật ngã Đức – đội đã từng loại họ ở tứ kết World Cup 2014.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 6.
Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 7.
Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 8.

Deschamps cầu toàn và tất nhiên không phải một người Pháp điển hình của sự lãng mạn. Trong bóng đá có 2 dạng huấn luyện viên đóng vai trò chủ đạo. Một dạng mang đến thành công cho đội bóng và dạng kia là rất giỏi ổn định đội bóng.

Không may với người Pháp, Deschamps thuộc dạng huấn luyện viên thứ hai. Tuyển Pháp dưới thời của ông nhanh chóng qui cũ và nề nếp nhưng có cảm giác Pháp sẽ khó lên đỉnh cùng Deschamps.

Bằng chứng là Deschamps thiếu một chút dũng khí và sự quyết đoán trong những thời khắc quyết định để chỉ dẫn tuyển Pháp đến thành công. Nhiều nhà chuyên môn nhận định rằng, nếu Deschamp chấp nhận mạo hiểm một chút trong trận tứ kết World Cup 2014 và chung kết Euro 2016, kết quả của tuyển Pháp có lẽ đã khác.

Chưa hết, Deschamps có nội tâm phức tạp và thường xuyên có những quyết định tương đối khó hiểu. Deschamps trung thành với sơ đồ 4-3-3 đã đưa tuyển Pháp đến chung kết Euro 2016 nhưng lại không xây dựng được một phương án B.

Hệ quả là khi sơ đồ 4-3-3 không phát huy tác dụng, Deschamps hoàn toàn bất lực và chỉ còn biết trông vào tốc độ và các giải pháp cá nhân. Điển hình như trận giao hữu gặp Colombia hồi tháng 3, Pháp dẫn trước đối thủ 2-0 nhưng sau đó thua ngược 2-3, Deschamps chết lặng ngoài đường biên mà không có bất cứ thay đổi nào mang đến kết quả cho đội bóng.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 9.

Ai cũng thừa nhận, tuyển Pháp nhiều ngôi sao. Sự thừa mứa đó khiến Deschamps mạn dạn loại những cái tên như Alexandre Lacazette, Kingsley Coman, Adrien Rabiot, Anthony Martial, hay Karim Benzema khỏi World Cup 2018.

Nếu những cầu thủ này ở Anh, họ chắc chắn sẽ có mặt trong danh sách dự World Cup, thậm chí một vị trí trong đội hình chính thức. Nhưng tuyển Pháp nhiều ngôi sao đó lại thiếu một cầu thủ đóng vai trò thủ lĩnh về lối chơi lẫn tinh thần như Raymond Kopa, Michel Platini hay Zinedine Zidane trong quá khứ.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 10.

Pogba được xem là thủ lĩnh tương lai tuyển Pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng - Ảnh: REUTERS

Người ta đã chờ đợi rất nhiều từ Paul Pogba và hy vọng sự trưởng thành của anh đến nhanh để kịp dẫn dắt tuyển Pháp tại World Cup 2018. Tuy nhiên, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất tại World Cup 2014 này lại thi đấu cực kỳ phập phù và chưa đáp ứng được kỳ vọng trong màu áo tuyển Pháp lẫn Manchester United.

Thậm chí sau trận thắng Ý 3-1, tạp chí France Football tổ chức một cuộc thăm dò CĐV, 73% trong số hơn 7.000 người trả lời đồng ý với phương án loại Pogba ra khỏi đội hình chính. Đây là điều rất đáng buồn với một cầu thủ từng được nhắc đến là thủ lĩnh trong tương lai của tuyển Pháp.

Gà trống Gaulois hồi sinh trên “vết nhơ” Nam Phi - Ảnh 11.

HOÀI DƯ
THÙY TRANG
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp