17/05/2013 07:53 GMT+7

Gà rẻ hơn bầu, bí, đậu côve

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Giá gà công nghiệp chỉ tương đương giá khổ qua, đậu đũa, củ cải..., thậm chí còn rẻ hơn cả bầu, bí, đậu côve. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước lại khốn đốn như lúc này. Cụ thể như thế nào?

Giá gà công nghiệp loại trên 3 kg/con hiện được các trang trại bán 16.000-17.000 đồng/kg. Rẻ như rau!

GwGwARRG.jpgPhóng to
Hàng ngàn con gà công nghiệp đã qua ngày xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được ở một trại gà thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai - Ảnh: THUẬN THẮNG
Qxg4dn0q.jpgPhóng to
Theo một chủ trại gà (ở Đồng Nai), giá gà giảm thê thảm khiến người chăn nuôi không còn vốn để xoay vòng sản xuất - Ảnh: THUẬN THẮNG

Hơn một năm qua, giá các loại gia súc gia cầm như heo, gà công nghiệp, gà tam hoàng, vịt... thường xuyên bán dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề.

Chưa bao giờ ngành chăn nuôi VN chứng kiến tình trạng thua lỗ trên mọi sản phẩm và bán dưới giá thành trong thời gian dài như hiện nay.

1kg gà = 1kg khổ qua!

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - chủ trại chăn nuôi tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), giá gà công nghiệp loại 3-4 kg/con ngày 16-5 chỉ còn 16.000-17.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ tương đương giá khổ qua, củ cải trắng, đậu đũa... đang được bán tại siêu thị Co.op Mart cùng ngày, thậm chí còn rẻ hơn cả bí đao, bầu, đậu côve...

Dù giá rẻ như vậy nhưng các trang trại vẫn khó bán vì sức mua xuống quá thấp. Thậm chí một số công ty ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân nay cũng thông báo người dân tự tìm nơi tiêu thụ vì họ không thể bán hết số gà ngày càng dư thừa. “Giá thành gà công nghiệp hiện là 31.000-32.000 đồng/kg nên với giá bán hiện tại, người chăn nuôi lỗ trên 10.000 đồng/kg” - ông Ngọc cho biết.

Phát biểu tại hội nghị “Gỡ khó cho ngành chăn nuôi” do Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ tổ chức ngày 16-5 tại Đồng Nai, ông Âu Thanh Long - phó chủ tịch hiệp hội - cho biết gà công nghiệp là mặt hàng chăn nuôi lỗ thê thảm nhất hơn một năm qua. Cụ thể, nguyên năm 2012 người nuôi gà công nghiệp đều bán dưới giá thành, có lúc xuống còn 18.000 đồng/kg. Chưa hết, tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo sang năm 2013 và người nuôi chỉ có lời trong thời gian một tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2013. “Nhưng từ đó đến nay, giá gà bắt đầu giảm không phanh” - ông Long nói.

Người nuôi gà tam hoàng cũng “khổ” không kém vì giá liên tục giảm thời gian qua. Ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết cách đây hơn một tuần giá gà tam hoàng còn ở mức 37.000-38.000 đồng/kg thì đến hôm nay chỉ còn 30.000 đồng/kg. “Mỗi con gà tam hoàng bán đi chúng tôi lỗ 14.000 đồng, rẻ thế mà vẫn không bán được” - ông Bình than thở.

Trong khi đó, người chăn nuôi heo cũng ở trong tình trạng cứ “mở mắt ra là thấy lỗ”. Với tổng đàn heo lên đến 1.500 con, ông Trần Quang Trung (Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết cứ mỗi sáng ngủ dậy đã thấy mất 5 triệu đồng.

“Đó là tôi đã tự trộn cám cho heo ăn chứ không mua cám thành phẩm của các công ty, nếu không còn lỗ nữa” - ông Trung cho biết. Theo các hộ chăn nuôi, giá thành nuôi heo hiện khoảng 40.000-41.000 đồng/kg trong khi giá bán chỉ ở mức 33.000-38.000 đồng/kg, người nuôi đang bị heo “ăn hết nhà cửa”.

Theo ông Âu Thanh Long, chưa khi nào trong lịch sử ngành chăn nuôi VN lại chứng kiến hiện tượng người chăn nuôi bán dưới giá thành kéo dài trên một năm ở hầu hết các loài vật nuôi chính như thời gian qua. Để chứng minh, ông Long lấy số liệu đã thống kê qua từng tháng.

Ngoài gà công nghiệp đã nói ở trên, từ tháng 5-2012 đến nay giá heo đều ở dưới mức 40.000 đồng/kg (giá thành 41.000-42.000 đồng/kg) khiến người chăn nuôi lỗ nặng hơn. Trong khi đó, người nuôi gà tam hoàng chỉ có lãi trong ba tháng đầu năm 2012 và khoảng bốn tuần trước Tết âm lịch 2013, còn lại đều lỗ.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho biết họ đang ở trong tình trạng kiệt quệ về tài chính vì bán lỗ dài hạn, nhiều trang trại đã phải giảm đàn hoặc bán trang trại cho các công ty lớn.

Xem tiếp

Ông Lê Mạnh Cường (Đồng Nai) bức xúc vì đã thế chấp nhà cửa, đất đai để đầu tư chăn nuôi nhưng đang mất niềm tin để tiếp tục. “Khi giá trứng lên cao thì các cơ quan nhà nước lập tức can thiệp ép giá xuống, còn khi giá giảm quá sâu thì không có đơn vị nào can thiệp. Ngành chăn nuôi đang mất kiểm soát và đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt!” - ông Cường cho biết.

Nguy cơ phá sản ngành chăn nuôi

Giải thích lý do giá các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh trong thời gian dài, ông Vũ Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng sức mua các sản phẩm chăn nuôi thời gian qua vốn đã giảm mạnh do kinh tế khó khăn, nay lại càng giảm hơn khi có thông tin cúm gia cầm từ Trung Quốc.

“Ngay khi thông tin cúm gia cầm liên tục được đăng trên báo thì giá gà trong nước giảm mạnh. Nhiều bếp ăn công nghiệp và trường học đã ngưng mua gà dù VN nói chung và các tỉnh Đông Nam bộ không có dịch” - ông Hùng cho biết.

Đề nghị hỗ trợ khẩn cấp người chăn nuôi

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng trước mắt để gỡ khó cho người chăn nuôi, hiệp hội sẽ có kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ về lãi suất vay.

Ngoài ra, Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách bảo hiểm giá cả vật nuôi. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nhanh chủ trương giãn nợ và giảm lãi suất cho người chăn nuôi vì hầu hết các trang trại chưa được tiếp cận chính sách này.

Bùi Liêm

Theo các chủ trang trại, tình hình ngành chăn nuôi hiện tại không chỉ đơn thuần là chuyện giá cả thị trường lên xuống trong thời gian ngắn như trước nữa mà đã bước vào giai đoạn khủng hoảng.

Dù sản lượng chăn nuôi không tăng, thậm chí còn giảm so với năm 2012 nhưng số heo, gà dư thừa trong các chuồng trại còn rất lớn. Tình trạng gà quá lứa lên đến 4-5kg/con và heo nặng 1,4-1,5 tạ vẫn nằm trong chuồng trại là rất phổ biến.

Nếu như trước đây khi có thông tin cúm gia cầm, giá gà giảm nhưng giá heo tăng và ngược lại khi có thông tin dịch bệnh trên heo thì giá gà lại tăng, thế nhưng hiện nay cả gà lẫn heo đều giảm giá. Không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà những công ty chăn nuôi lớn cũng thua lỗ nặng nề.

“Những công ty nước ngoài đầu tư vào VN đang chịu thua lỗ 30-60 tỉ đồng mỗi tháng. Một số công ty đã tuyên bố giảm 50% sản lượng nuôi. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm” - ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, các công ty nước ngoài ký hợp đồng với người dân trong nước đầu tư toàn bộ chuồng trại, còn công ty đưa con giống và thức ăn. Nếu giờ các công ty chăn nuôi ngưng hoạt động thì trên 1.500 chuồng trại ở khu vực Đông Nam bộ cũng có nguy cơ bỏ không.

“Với mỗi trại có chi phí đầu tư 2 tỉ đồng, chưa kể tiền đất thì nguy cơ 3.000 tỉ đồng cho vay chăn nuôi sẽ trở thành nợ xấu vì các chủ trang trại đều phải vay vốn ngân hàng. Nếu tính quy mô toàn quốc thì số tiền này còn lớn hơn nhiều” - ông Ngọc lo lắng.

Không những vậy, khi chăn nuôi trong nước bị giảm quy mô trên diện rộng thì đến cuối năm VN sẽ xảy ra thiếu thịt. Khi đó để ổn định tiêu thụ trong nước, Chính phủ sẽ phải mở rộng cửa cho thịt nhập khẩu tràn vào. “Nếu không có thay đổi thì trong sáu tháng cuối năm sẽ rất gay go. Đã đến lúc Chính phủ cần có những chính sách cấp thiết để giải cứu ngành chăn nuôi” - ông Âu Thanh Long cho biết.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    C\u1ee5 th\u1ec3 nh\u01b0 th\u1ebf n\u00e0o?" />
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp