Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ dự án đầu tư, với giai đoạn 1 gồm 3 nhà ga trên cao và 7 ga ngầm - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Trước những ý kiến lo ngại ga ngầm C9 ảnh hưởng tới cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, ngày 19-9, ông Nguyễn Đức Nghĩa, trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, cho biết vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc giữa nhiều phương án.
Theo ông Nghĩa, trước hết phải tính đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ga ngầm như thu hút lượng hành khách, thoát nạn, thoát hiểm, cứu hỏa.
Ngoài ra phải tính đến việc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác. Để bảo đảm khoảng cách giữa các ga, ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm là tối ưu.
Tiếp tục lấy ý kiến về vị trí cửa lên xuống ga ngầm
Theo ông Nghĩa, ga C9 là ga ngầm có 4 vị trí lối lên xuống. Lối lên xuống thứ nhất được xác định nằm ở khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Lối thứ hai trên phố Trần Nguyên Hãn, trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Lối thứ ba dự kiến đặt bên phía hồ Hoàn Kiếm (diện tích khoảng 100m2), chỗ hiện có nhà vệ sinh công cộng. Vị trí thứ tư dự kiến đặt tại khu vực phía sau đền Bà Kiệu (diện tích khoảng 68m2).
“Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cảnh quan, với lối lên xuống số 3, 4 sẽ thiết kế không có mái che, chỉ xây dựng lan can để người dân nhận biết nhà ga và bảo đảm an toàn.
Lối lên xuống sẽ không kết hợp với dịch vụ, thương mại hay bất kỳ hoạt động nào khác mà chỉ phục vụ hành khách đi tàu. Nhà vệ sinh sẽ được hạ ngầm cùng với lối lên xuống” - ông Nghĩa nói.
Ông Lưu Xuân Hùng - phó Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - cũng giải thích: “Về nguyên tắc, các ga đường sắt đô thị bố trí cách nhau từ 700m đến 1km để hành khách có thể tiếp cận ga trong cự ly đi bộ từ 500m trở xuống.
Do vậy, tính toán cả điểm kết nối tuyến số 2 với các tuyến khác và cự ly các ga nên các cơ quan liên quan chọn vị trí ga C9 được UBND TP Hà Nội chốt như hiện nay”.
Ông Hùng cho rằng bảo tồn khu vực hồ Gươm là đương nhiên nhưng cũng phải tính đến yếu tố phát triển hài hòa.
“Ý tưởng trên rất sáng suốt và mạnh bạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội để người dân dễ tiếp cận ga C9 từ bờ hồ và khu phố cổ. Nhưng có khó khăn là vị trí bên bờ hồ (cửa số 3) là vùng bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm đã được Chính phủ phê duyệt.
Vùng này không cấm nhưng hạn chế xây dựng và giảm thiểu tác động. Còn khu vực cửa số 4 sau đền Bà Kiệu là vùng bảo vệ 1. Vùng này bình thường không được xây dựng nhưng đây là công trình công ích nên được làm khi có sự xem xét, thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL. Bộ này cũng đã thống nhất vị trí ga C9.
Việc cần làm tiếp theo là xem xét việc bố trí các lối lên xuống. Dự kiến tuần tới lãnh đạo TP Hà Nội sẽ họp với Bộ VH-TT&DL và các nhà khoa học để trao đổi lấy ý kiến về vị trí đặt cửa lên xuống số 3 và 4” - ông Hùng cho biết.
Ga tàu điện ngầm cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ tác động xấu đến không gian hồ Hoàn Kiếm? |
Sẽ tác động xấu đến không gian hồ Hoàn Kiếm
Trong khi đó, chia sẻ với Tuổi Trẻ, kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức - nguyên phó chủ tịch Hội KTS VN - nhận định:
“Tôi không băn khoăn về tuyến đường ngầm đi qua khu phố cổ và khu vực hồ Gươm nhưng quan tâm về phần nổi của tuyến ra sao và ở góc độ kiến trúc cảnh quan, phương án bố trí khi mà ga C9 đặt lối lên xuống như đã nêu sẽ tác động xấu đến không gian lân cận và xung quanh.
“Phương án bố trí lối lên xuống sau đền Bà Kiệu và khu nhà vệ sinh bên hồ không phải là phương án sai hay có điều gì đó quá bất thường. Nhưng đó chưa phải là phương án hay nhất trong bài tính tổng thể không gian quanh hồ Gươm" - KTS Ngô Doãn Đức |
Quan ngại của mọi người cũng như tôi đều lo lắng đến việc tác động của những lối lên xuống này đến không gian hồ Hoàn Kiếm không chỉ về hình thức kiến trúc của lối lên xuống mà còn ở vị trí đặt nó.
Đó là việc xem xét ra sao cho việc sử dụng phải thuận tiện nhưng vẫn bảo vệ được không gian bên phía hồ Gươm tích cực nhất để càng thoáng càng tốt.
Quanh hồ không nên xây thêm gì, chỉ cần một số công trình nhỏ phục vụ khách du lịch, tăng cường vườn cây, thảm cỏ... để tầm nhìn từ xung quanh ra phía hồ được thoáng đãng”.
Theo KTS Ngô Doãn Đức, lối lên xuống như trong phương án chỉ “tiện lợi” là sẽ ít đụng chạm, vì chỉ phải bỏ một số cửa hàng là sẽ có không gian.
Nhưng phương án này sẽ góp phần chất tải giao thông thêm cho phố Hàng Dầu và Lò Sũ vốn đã đông đúc, chật hẹp và phía bên hồ thì che chắn tầm nhìn...
Ông Đức cũng nhắc lại và đề xuất: “Năm 2008, các tư vấn thiết kế trong và ngoài nước thông qua cuộc thi quy hoạch hồ Gươm và vùng phụ cận đều rất tâm huyết với đề xuất giải phóng, mở rộng phạm vi xung quanh hồ Gươm, đặc biệt là ở phía đông mà hiện nay đang là khu vực bố trí một số cơ quan hành chính của Hà Nội.
Nhân đây nên nghĩ đến việc di dời một số cơ quan nào đó để có mặt bằng tổ chức trước mắt là lối lên xuống cho ga C9 này? Tại sao lại không được?
Thay vì đặt lối lên xuống ở đền Bà Kiệu thì đặt trên phần đất của Sở Điện lực Hà Nội sẽ hợp lý hơn. Tôi đã thấy có ý kiến đặt ở bên phải, bên trái Sở Điện lực. Nhưng tôi thấy cần mạnh dạn hơn là đặt trong đất Sở Điện lực.
Điều này sẽ phù hợp với điều tôi và nhiều người mong muốn là để phía bên hồ của đường Đinh Tiên Hoàng sẽ được giải phóng một không gian thoáng”.
“Phương án này đang thể hiện việc “tiện làm”, ít phải đền bù và giải phóng mặt bằng chứ nghiên cứu chưa hết ý, chưa quyết liệt cho việc bền vững của không gian hồ và vùng phụ cận.
Nếu vẫn giữ ý định làm lối lên xuống ở sau đền Bà Kiệu và khu nhà vệ sinh bên hồ thì tôi thấy rất đáng tiếc” - KTS Ngô Doãn Đức nhấn mạnh.
Hồ Hoàn Kiếm là khu vực trọng yếu Ngày 19-9, ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho biết cục chưa nhận được quy hoạch mặt bằng tổng thể bố trí lối lên xuống nhà ga C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) mới đây, nhưng trước đây cục từng có ý kiến, các lối lên xuống của nhà ga này cần phải đưa ra khỏi khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, tháng 3-2016, Bộ VH-TT&DL có công văn gửi UBND TP Hà Nội nêu rõ quan điểm, di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đồng thời đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân, nên việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học. Để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng thêm các phương án bố trí lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận