06/02/2021 10:16 GMT+7

Gà 7 món truyền thống kiểu Huế, dẫu nghèo cũng phải sang

GIANG VŨ
GIANG VŨ

TTO - Tôi gốc Bắc lấy chồng xứ Huế. Một con gà mẹ tôi chế biến chắc được một mâm cỗ 4 món, thế nhưng món gà của mạ chồng tôi "vô địch" hơn khi có tới 7 món, từ rôti, bóp rau răm, nấu đậu trắng, cà ri, lòng xào, mì trộn đến canh miến kim châm.

Gà 7 món truyền thống kiểu Huế, dẫu nghèo cũng phải sang - Ảnh 1.

Mâm cơm Huế 7 món

Ở miền Bắc, chuyện chế biến con gà thành một mâm cỗ đãi khách là chuyện thường ngày và tất nhiên cũng có thể diễn ra vào dịp tết. 

Con gà đầu tiên luộc lên, phần ngon nhất sẽ chặt ra gọi là thịt gà chặt, rắc lên lá chanh thái nhỏ, chấm muối tiêu chanh. Phần xương xẩu của con gà như đầu, chân, sống lưng sẽ nấu măng hoặc nấu bí xanh (chí lý như bí nấu thịt gà). 

Một phần nước hầm canh này mang ra nấu thêm tô canh miến có bỏ thêm mộc nhĩ, nấm hương. Bộ lòng đem xào mướp hoặc xào đu đủ xanh mới "đúng bài". Vậy là có 4 món, cũng đầy một mâm đãi khách nếu con gà đủ lớn.

Thế nhưng, khi sống với mạ chồng tôi người Huế thì con gà có thể biến hóa ra được 7 món. Mạ chồng tôi bảo: Người Huế thường nấu món gà đãi khách vào dịp gần 30 tết hoặc từ mùng 3 tết trở ra để đãi khách. Mâm cỗ gà 7 món ai cũng thích vì không bị ngán.

Gà 7 món truyền thống kiểu Huế, dẫu nghèo cũng phải sang - Ảnh 2.

Mâm cỗ gà 7 món bao gồm: 1 đùi gà rô i nước mắm, đường, tỏi; 1 đùi gà luộc xé bóp rau quế (húng quế) và hành tây, 1 bên lườn nấu đậu trắng (gà nấu đậu) - thường ăn kèm với bánh mì; 1 bên lườn nấu cà ri với khoai lang hoặc khoai tây; bộ lòng và và thêm ít thịt gà chia đôi, một nửa xào rau củ gồm đậu lave, su su, cà rốt và nấm mèo (mộc nhĩ), một nửa bộ lòng và ít thịt gà làm mì trộn; đầu cổ cánh chân nấu nước dùng thả bún tàu (miến), kim châm làm canh. 

Nếu muốn đỡ đau đầu hơn thì đi chợ mua 1 con gà và mua thêm một bộ lòng gà nữa xoay xở cho dễ.

Đương nhiên để có món gà 7 món thì con gà cũng tương đối lớn, hơn 2kg sau khi đã làm sạch sẽ dễ chế biến hơn. Thật ngạc nhiên là với cách thêm nguyên liệu và kiểu chế biến, con gà nhỏ nhoi ấy thoắt cái đã thành một mâm cỗ đầy ngon không chê vào đâu được.

Gà 7 món truyền thống kiểu Huế, dẫu nghèo cũng phải sang - Ảnh 3.

1. Cách làm gà rôti như sau: Đùi gà chiên sơ, sau đó cho tỏi vào, khi vàng và thơm cho nước mắm và đường mía vàng, tỉ lệ 1-1 vào rim cho sệt lại. Đợi nguội, chặt ra từng miếng nhỏ.

2. Cách làm gà bóp rau răm: Đùi gà luộc lên, dùng tay xé nhỏ bóp với hành tây đã ngâm với nước và giấm cho bớt hăng, thêm chanh, tiêu, muối, xíu bột ngọt, rau răm.

3. Cách làm gà nấu đậu trắng: Đậu trắng hầm nhừ với chút nước. Gà chặt miếng vừa ăn và xào lên với hành tím, nước mắm, tiêu, sốt cà chua (làm từ 1 trái cà chua và chút tương cà chua), cho nước đậu vào hầm nhừ, khi nào mềm cho đậu trắng đã hầm, hành tây cắt múi cau vào.

4. Cách nấu cà ri gà khoai lang hoặc khoai tây: Gà chặt miếng vừa ăn, ướp với bột cà ri bán sẵn. Phi thơm hành tím và dầu ăn, cho gà đã ướp vào xào. Đổ nước hoặc nước dừa vào xăm xắp nấu khi nào gần nhừ thì cho khoai lang đã chiên sơ hoặc khoai tây vào, trước khi bắc ra cho hành tây cắt múi cau vào.

5. Lòng gà xào rau củ: Lòng gà và một ít thịt lườn gà xào với rau củ gồm: đậu lave, su su, cà rốt, nấm mèo, nêm mắm, muối, xíu đường.

6. Mì trộn: Lòng gà và một ít lườn gà xào chín với hành tím, mì trứng luộc chín vớt ra để ráo, cho vào chảo lòng gà xào đảo sơ đến khi thấm, nêm nước mắm, muối, xíu bột ngọt vừa ăn.

7. Canh miến kim châm: Phần chân, đầu, cổ cánh hầm nhừ, thả vào một ít miến (hoặc bún tàu) và nấm kim châm làm món canh, thả đầu hành cho thêm phần hấp dẫn.

Gà 7 món truyền thống kiểu Huế, dẫu nghèo cũng phải sang - Ảnh 4.

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn khái quát về lối sống kiểu Huế bằng một câu rất hay: "Kiểu Huế là nghèo và vẫn sang" thật đúng với mâm cơm này. 

Chỉ từ nguyên liệu một con gà cộng với các nguyên liệu dễ tìm khác, người Huế đã cho ra một mâm cơm thật giàu có, có tính thẩm mỹ cao, thể hiện đẳng cấp ẩm thực dân gian của một vùng đất kinh thành đã lên tới mức thượng thừa.

Mỗi người chỉ cần ăn một ít thôi nhưng có tới 7 hương vị để thay đổi cảm giác. Thế thì mâm cỗ này không chỉ tốt cho sức khoẻ mà còn trông rất đề huề, rộn ràng sự ấm no mà cũng không kém phần thanh nhã đặc trưng của xứ kinh kỳ.

mam tet

Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".

Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).

Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.

Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.

Tết về con nhớ mẹ, chờ mâm cơm mẹ làm Tết về con nhớ mẹ, chờ mâm cơm mẹ làm 'nhanh lắm mà ngon lắm'

TTO - Mẹ tôi mất đã lâu lắm rồi! Mỗi khi Tết đến là tôi nhớ đến "tuyệt hảo... mâm" mà mẹ tôi xưa đã lảm cho cả nhà ăn trong mấy ngày Tết.

GIANG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp