18/06/2013 07:32 GMT+7

G8: 7 "đấu" 1 về vấn đề Syria

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Không chỉ có vấn đề trốn thuế, mà xung đột ở Syria cũng là chủ đề nóng ở Hội nghị thượng đỉnh G8 ngay từ khi chuẩn bị bắt đầu với một bên là các nước phương Tây và Nga.

PtsGDBCL.jpgPhóng to
Một poster ủng hộ “người thổi còi” Edward Snowden treo tại Hong Kong ngày 17-6 Ảnh: Reuters

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo G8 diễn ra ở Ireland từ ngày 17 đến 18-6, vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ “hỗ trợ quân sự trực tiếp” cho quân nổi dậy ở Syria. Lý do mà Mỹ đưa ra là có bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có chất độc sarin, chống lại quân nổi dậy. Động thái này được bảy trong số tám nước G8 ủng hộ, trong khi Nga là nước duy nhất hậu thuẫn Damascus.

Không hỗ trợ “kẻ ăn thịt người”

Cuộc đối mặt trong vòng một năm qua giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị cũng được dự đoán sẽ rất gai góc, khi Matxcơva chỉ trích kịch liệt việc Washington cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria.

Theo Reuters, ông Obama sẽ cố gắng tìm sự giúp đỡ từ ông Putin để thuyết phục Tổng thống al-Assad ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt hai năm xung đột ở Syria. CNN dẫn lời phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes nói ông Obama và ông Putin sẽ bàn về nhiều vấn đề khác như chống khủng bố và kiểm soát vũ khí.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron vào đêm trước hội nghị G-8, tức ngày 16-6, ông Putin đã lặp lại lời chỉ trích của Matxcơva đối với phương Tây về vấn đề Syria khi gọi quân nổi dậy là “những kẻ ăn thịt người”. “Tôi nghĩ các bạn sẽ không bác bỏ một điều rằng không thật sự cần thiết phải hỗ trợ những người không chỉ giết kẻ thù của mình mà còn mổ thi thể của họ để ăn nội tạng ngay trước công chúng và máy quay” - ông Putin huỵch toẹt. Ý ông Putin muốn nói đến một đoạn phim ngắn lan truyền trên mạng thời gian gần đây chiếu cảnh quân nổi dậy Syria ăn tim của một người lính phe chính phủ. “Có phải đây là những người mà các ông muốn hỗ trợ? Có phải các ông muốn cung cấp vũ khí cho những người như vậy?” - ông Putin đặt câu hỏi. Trước đó, Matxcơva cho rằng việc Mỹ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria chỉ khiến bạo lực leo thang.

Hướng đi nào cho Syria?

Ông Putin nêu rõ việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền al-Assad là hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế. “Chúng tôi không vi phạm bất cứ quy định, quy tắc nào và chúng tôi kêu gọi tất cả đối tác của mình cũng hành động như vậy” - ông Putin nhấn mạnh.

Tuyên bố sau cuộc gặp với ông Putin, Thủ tướng Anh Cameron đã thừa nhận những khác biệt giữa Nga và các nước phương Tây trong vấn đề Syria, nhưng cho rằng “chúng tôi có thể vượt qua được những khác biệt nếu chúng tôi cùng chia sẻ những mục tiêu cơ bản là chấm dứt xung đột, ngăn chặn việc Syria bị chia cắt, để người Syria tự quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước, chiến đấu và đánh bại các phần tử cực đoan”. Ông Cameron thừa nhận ông “cũng lo lắng như bất kỳ ai khác” về các phần tử cực đoan ở Syria, đối tượng mà ông xác định thuộc phe đối lập nhưng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và “là mối nguy lớn cho thế giới”.

Thủ tướng Anh David Cameron nói ưu tiên của ông tại hội nghị G8 là đảm bảo việc tổ chức một hội nghị hòa bình cho Syria diễn ra cuối năm nay có thể thông qua một chính phủ chuyển tiếp để thay thế Tổng thống al-Assad. Hội nghị hòa bình cho Syria được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái và hội nghị lần hai dự định diễn ra tháng này, nhưng có vẻ như sớm nhất là qua tháng 7.

Theo AFP, giới chức Mỹ đang cố thuyết phục ông Putin rằng tình hình Syria rơi vào hỗn loạn và bất ổn là không có ích lợi gì cho Matxcơva. Họ tin rằng có thể nhận được sự “thông cảm” từ Nga khi thuyết phục Nga đồng ý là chỉ cần ông Assad ra đi, còn những thành phần khác trong chính phủ vẫn có thể ở lại.

Anh theo dõi đại biểu G20

Từ nơi ẩn náu ở Hong Kong, “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp tài liệu cho tờ Guardian tiết lộ Chính phủ Anh từng lợi dụng vai trò chủ nhà để theo dõi liên lạc, đọc lén thư từ trên điện thoại và máy tính của các đại biểu dự hội nghị G20 tại nước này.

Vụ việc này gây sốc ngay trước thềm hội nghị G8 tại Bắc Ireland. Tờ Guardian ngày 16-6 cho biết vụ việc diễn ra tại các hội nghị từ tháng 4 đến tháng 9-2009 ở London. Cơ quan tình báo Anh GCHQ đã sử dụng “các khả năng tình báo đột phá” để xâm nhập thư từ, điện thoại của các quan chức và đại biểu nước ngoài. Cụ thể, GCHQ lập các quán cà phê Internet giả để lừa khách mời sử dụng máy tính đã cài sẵn các chương trình đọc lén thư và mật khẩu, xâm nhập điện thoại của các đại biểu để theo dõi tin nhắn và cuộc gọi, giám sát liên tục cuộc gọi cho nhau của các đại biểu. Trong các hội nghị này, cựu tổng thống Nga Medvedev cũng là nạn nhân của các điệp viên Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) đóng tại Anh. Bản liệt kê chi tiết các liên lạc của ông Medvedev sau đó được NSA chia sẻ với Anh, Úc, Canada và New Zealand.

Bằng chứng Guardian nắm được cho thấy lệnh theo dõi các đại biểu G20 được thông qua bởi cấp cao nhất trong chính quyền thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown. Vụ việc diễn ra ngay trước thềm hội nghị G8 “nhiều khả năng sẽ dẫn đến căng thẳng cho các đại biểu, những người muốn thủ tướng Anh giải thích liệu họ có là mục tiêu năm 2009 và liệu hành động này có lặp lại trong tuần này hay không”, tờ Guardian viết.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp