(Từ trái sang) Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Pháp Francois Hollande trồng cây ở tỉnh Mie, Nhật Bản - Ảnh: Reuters |
Phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko cho biết trong ngày đầu hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thống nhất triển khai các chính sách tài chính uyển chuyển nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Thời gian và mức độ sẽ tùy thuộc mỗi quốc gia. Tuy nhiên một số quốc gia như Anh và Đức bác bỏ kêu gọi áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế.
“Các lãnh đạo G7 quan ngại các nền kinh tế đang phát triển đang trong tình trạng ngặt nghèo dù có một số ý kiến cho rằng tình hình hiện tại không phải là khủng hoảng” - Reuters dẫn lời ông Seko nói.
Trong phần trình bày tại hội nghị, Thủ tướng chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra số liệu cho thấy giá các mặt hàng toàn cầu giảm 55% trong giai đoạn 6-2014 đến 1-2016, bằng với đợt suy giảm từ 7-2008 đến 2-2009 sau khi ngân hàng Lehman sụp đổ và khơi dậy cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ngoài ra, các lãnh đạo dự kiến khẳng định các cam kết giữ cho thị trường ngoại tệ ổn định.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. “Nếu chúng ta không nắm vị trí dẫn đầu để xử lý cuộc khủng hoảng này, sẽ không có ai đứng ra nhận” - ông Tusk nói.
Trước đó, theo Kyodo News, ông Abe đón tiếp tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo khác của nhóm tại ngôi đền Ise Grand tại tỉnh Mie, nơi diễn ra hội nghị.
Ngoài trọng tâm kinh tế, họ cũng sẽ thảo luận vấn đề khủng bố và an ninh hàng hải, nhiều khả năng sẽ ra tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận