09/06/2018 11:06 GMT+7

G7 hay G6 + 1?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Thái độ của các bên với nhau ngay trước giờ bước vào phòng họp cho thấy Hội nghị cấp cao của nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G7) khó đạt được đồng thuận.

G7 hay G6 + 1? - Ảnh 1.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Jean-Lesage, Quebec, Canada - Ảnh: Đà TRang

Dự cảm không hay này xuất phát từ các màn khẩu chiến và tuyên chiến thương mại mới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các lãnh đạo 6 nước còn lại trong nhóm.

Khẩu chiến tưng bừng

Hôm 7-6, ông Trump cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau áp đặt mức thuế nhập khẩu "khổng lồ" cũng như các trở ngại phi tiền tệ nhằm vào Mỹ, tạo khó khăn cho việc bán hàng.

Trên Twitter, tổng thống Mỹ viết: "Thủ tướng Trudeau đang trở nên tức giận, đề cập tới mối quan hệ mà Mỹ và Canada đã có rất nhiều năm nay và những thiếu sót khác... nhưng ông ấy không nhắc tới thực tế là họ đánh thuế chúng tôi tới 300% các mặt hàng sữa - làm tổn hại nông dân của chúng ta, giết chết ngành nông nghiệp của chúng ta".

Đó chỉ là một trong ba dòng trạng thái liên tiếp mà ông Trump viết trên Twitter, trong đó chỉ ra thực tế việc Pháp và Canada "không công bằng" với hàng Mỹ và người Mỹ.

Phản ứng của ông Trump xuất hiện sau khi ông Macron khẳng định G7 có thể là... G6, nếu tổng thống Mỹ muốn bị cô lập. 

Theo ông Macron, 6 lãnh đạo còn lại có thể ký thỏa thuận chung nếu cần thiết, vì "6 quốc gia đều có giá trị, họ đại diện cho một nền kinh tế đủ sức nặng và hiện là lực lượng quốc tế đúng nghĩa".

Không mặn mà

Những lời lẽ chỉ trích nêu trên đã phản ánh sự căng thẳng trước giờ khai màn G7. Và nếu không có gì thay đổi, sự kiện này có thể không đạt kết quả như các bên mong đợi. 

Trên thực tế, bất đồng trong cách xử lý thuế quan giữa Mỹ và phần còn lại vẫn sẽ là chủ đề "nóng" nhất.

Một quan chức Canada trước đó khẳng định G7 năm nay sẽ là lúc các nước khác đưa ra quan điểm không đồng tình với việc Mỹ đánh thuế lên sản phẩm sắt thép. 

Quan chức này đề cập tới việc Mỹ hồi tuần trước áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm từ Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, với lý do "an ninh quốc gia". 

Ông nói: "Chúng tôi sẽ không che giấu sự thật rằng chúng tôi bất đồng ở một số vấn đề trên, và đó là giá trị của G7, khi chúng tôi có những thảo luận thẳng thắn giữa các lãnh đạo".

Điều đáng ngại hơn dường như nằm ở phía Mỹ, khi Tổng thống Trump tỏ ra không mặn mà với sự kiện thượng đỉnh năm nay. 

Thông báo từ Nhà Trắng ngày 7-6 cho hay ông Trump sẽ rút ngắn thời gian ở lại Quebec để bay thẳng tới Singapore chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Theo kế hoạch này, ông Trump sẽ bỏ qua một số phiên họp về bình đẳng giới và biến đổi khí hậu trong ngày 9-6. 

Trong khi đó, Phó trợ lý tổng thống phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế Everett Eissenstat sẽ ở lại đại diện cho Mỹ.

Thực tế như Đài CNN chỉ ra, từ mùa hè năm ngoái ông Trump đã tỏ rõ thái độ khó chịu khi "ngồi trong căn phòng đầy rẫy các lãnh đạo thế giới". 

Bản thân tổng thống Mỹ đã bất đồng với phần còn lại từ lúc rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris ký năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Canada dự hội nghị G7 Sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Jean-Lesage, bang Quebec, Canada, sáng 8-6 (tối muộn theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm ĐH Laval.

Đây là trường hàng đầu Canada, thu hút 43.000 sinh viên, hằng năm dành hơn 300 triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã “chiêu đãi” một buổi trình diễn “Công nghệ thông minh cho tương lai” hết sức ấn tượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Laval nói riêng và Canada nói chung tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Theo Thủ tướng, hiện chỉ có 30 sinh viên Việt Nam theo học tại Laval là hơi ít.

Nhưng không ít cựu sinh viên ở đây đã trở thành GS, chuyên gia trở về có nhiều đóng góp cho quê hương. Nhân dịp này, ĐH Laval và ĐH Kinh tế quốc dân đã ký thỏa thuận hợp tác. “ĐH Kinh tế quốc dân chính là ngôi trường tôi đã theo học” - Thủ tướng vui vẻ nói.

Cũng trong ngày đầu tiên ở Quebec, Thủ tướng có cuộc gặp toàn quyền Canada, dự cơm thân mật do cựu thủ tướng Canada Jean Chretien chủ trì, tiếp thủ hiến bang Quebec, dự và phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada...

Hôm nay (9-6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có một ngày làm việc bận rộn với hàng loạt hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của nước chủ nhà. Ngoài Việt Nam còn có 10 nước khác cũng là khách mời của sự kiện này.

ĐÀ TRANG (từ Quebec, Canada)

G7 là nhóm 7 cường quốc công nghiệp gồm Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada và Mỹ. Thượng đỉnh G7 năm nay tổ chức tại Quebec, Canada từ ngày 8 tới 9-6.

Thủ tướng tin sẽ có sự bùng nổ đầu tư của Canada vào Việt Nam

TTO - "Trong môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, làn sóng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam". Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp hai nước ngày 8-6.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp