Phóng to |
Báo Wall Street Journal cho biết theo tuyên bố chung của hội nghị, G-20 khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác để né thuế. Anh, Pháp và Đức là ba quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ nhất nỗ lực này. Theo dự kiến, trong tháng 7-2013, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đề ra một kế hoạch hành động cụ thể cho G-20.
Thành lập 3 ủy ban hành động
“Chúng ta cần phải thay đổi luật bởi hành vi né thuế về cơ bản là hợp pháp” - tổng thư ký OECD Angel Gurria thừa nhận. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng luật thuế toàn cầu - phát triển từ 100 năm trước - đã quá lạc hậu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici nhấn mạnh việc buộc các tập đoàn đa quốc gia phải đóng thuế đầy đủ là để đảm bảo sự công bằng đối với công dân các nước.
Báo Guardian đưa tin sẽ có ba ủy ban hỗ trợ OECD để lập kế hoạch hành động. Anh sẽ đóng vai trò chủ tịch một ủy ban giám sát hành vi chuyển giá (cách một tập đoàn đa quốc gia tính toán chuyển các khoản chi qua các chi nhánh ở nhiều nước khác nhau). Đức sẽ chủ trì một ủy ban điều tra cách các công ty phù phép giảm lợi nhuận và tài sản chịu thuế. Pháp và Mỹ sẽ dẫn đầu một ủy ban xác định quyền đánh thuế lên các hành vi kinh doanh, đặc biệt là thương mại điện tử.
Theo báo cáo OECD công bố năm 2012, một số tập đoàn đa quốc gia đã áp dụng các hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận..., qua đó chỉ phải đóng vỏn vẹn 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, các công ty vừa và nhỏ ở Mỹ và phương Tây phải đóng tới 30% thuế. Hàng loạt quy định chống đánh thuế hai lần bị các tập đoàn lợi dụng để né gần như 100% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong những tháng gần đây, hàng loạt tập đoàn khổng lồ như Apple, Amazon, Google, Starbucks... cho đến các công ty nhà nước Pháp đều bị cáo buộc đã né thuế. Báo cáo của OECD cho biết thủ đoạn của các tập đoàn này na ná nhau. Họ thành lập chi nhánh ở những quốc gia có mức thuế thấp như Ireland, Hà Lan, rồi chuyển lợi nhuận qua các quốc gia này tới những “thiên đường trốn thuế” như Bermuda.
Các tập đoàn này còn chơi trò né thuế bằng cách trả tiền bản quyền, tiền thuê giấy phép... với mức cắt cổ cho các công ty con, hoặc vay vốn kinh doanh với lãi suất cực cao cũng từ các công ty con này, để giảm mức lợi nhuận chịu thuế tại một quốc gia. Nghiên cứu của OECD cho thấy từ năm 1970-2009, các chi phí trả tiền bản quyền, giấy phép giữa các công ty con của từng tập đoàn đã tăng vọt tới 170 lần.
Không thể chống riêng lẻ
Hồi cuối tháng 1-2013, Quốc hội Hà Lan bắt đầu thảo luận biện pháp chấn chỉnh lại hệ thống luật thuế của mình để tránh bị mang tiếng là thiên đường né thuế. Liên minh châu Âu (EU) ước tính riêng khu vực này đã thiệt hại 1.000 tỉ euro (1.340 tỉ USD) tiền thuế mỗi năm.
Không chỉ tuyên bố suông, một số quốc gia đã hành động để trừng phạt các tập đoàn né thuế. Theo báo Guardian, Chính phủ Anh vừa hoàn thành dự luật cấm các công ty né thuế được tham gia đấu thầu các dự án công tại Anh. Theo điều luật sẽ được áp dụng từ ngày 1-4, các công ty và cá nhân muốn tham gia đấu thầu dự án công của Chính phủ Anh sẽ phải cung cấp đầy đủ hồ sơ thuế. Các công ty bị phát hiện né thuế sẽ bị loại bỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh Osborne thừa nhận từng quốc gia riêng lẻ sẽ không thể ngăn chặn hành vi né thuế của các tập đoàn đa quốc gia. “Chúng ta cần một chiến lược hành động chung. Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tạo ra một hệ thống thuế quốc tế” - ông Osborne nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận