06/11/2011 07:55 GMT+7

G-20 kết thúc nhạt nhòa

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hội nghị G-20 đã kết thúc tại Cannes (Pháp) với nhiều lời cam kết chung chung. Giới quan sát cho rằng hội nghị đã thất bại và thế giới đang tiến gần hơn tới một cuộc suy thoái thứ hai.

zz9MdxkC.jpgPhóng to
Sau Hi Lạp, Ý đang rơi vào tâm chấn khủng hoảng nợ châu Âu, nhưng Thủ tướng Berlusconi vẫn cương quyết không từ chức Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo G-20 cam kết sẽ điều phối các chính sách kinh tế, tập trung vào nỗ lực tạo công ăn việc làm. Các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và Đức, khẳng định sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng cam kết sẽ đảm bảo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có đủ vốn để hỗ trợ các nước đang gặp khủng hoảng.

Tuy nhiên, G-20 không đưa ra được các con số cụ thể. Châu Âu cũng không kêu gọi được quốc gia nào đổ thêm tiền vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), hiện đang có khoảng 440 tỉ euro (606 tỉ USD).

Nước Ý trong tâm bão

Giới quan sát tỏ ra thất vọng với kết quả hội nghị. “Thất bại của G-20 cộng với việc IMF và Trung Quốc không muốn giải cứu châu Âu khiến cuộc khủng hoảng tại châu lục càng trở nên tồi tệ hơn” - Reuters dẫn lời chuyên gia Sony Kapoor thuộc Tổ chức nghiên cứu Re-Define. Báo Guardian (Anh) dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng nguy cơ nền kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái đang ngày càng cận kề.

Diễn biến đáng chú ý nhất tại G-20 là việc Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bác bỏ đề xuất viện trợ của IMF, nhưng chấp nhận để các quan sát viên IMF đến Rome trong tháng này giám sát các chính sách kinh tế của Chính phủ Ý. Theo báo Wall Street Journal, IMF đề nghị hỗ trợ Ý 45 tỉ euro (62 tỉ USD). Dù không nhận tiền của IMF nhưng ông Berlusconi chấp nhận sự giám sát của IMF để đảm bảo gói thắt lưng buộc bụng 75 tỉ USD của Chính phủ Ý được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Một nhóm chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Rome vào tuần tới để giám sát nỗ lực cắt giảm chi tiêu của chính quyền ông Berlusconi. Báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia tài chính đánh giá quyết định của ông Berlusconi cho thấy Ý đang dần thay thế Hi Lạp để trở thành trung tâm cơn bão khủng hoảng nợ châu Âu. Theo báo La Repubblica, hiện nợ công Ý đã lên tới gần 2.500 tỉ USD, tương đương 120% GDP.

Nỗi lo sợ lớn nhất của châu Âu là các thị trường sẽ ngừng cho Ý vay tiền. Hậu quả khi đó sẽ lớn hơn nhiều so với “quả bom” Hi Lạp, bởi Ý là quốc gia có GDP đứng thứ ba châu Âu, chỉ sau Đức và Pháp. Việc Ý vỡ nợ sẽ khiến khủng hoảng nợ bùng nổ khắp châu Âu, kéo theo cả hệ thống đồng euro phá sản. La Repubblica cho biết với việc chấp nhận để IMF và EC giám sát, ở Ý ông Berlusconi đã bị mang thêm tiếng là không thể quản lý được tài chính đất nước. Các đảng đối lập đang quyết liệt đòi ông Berlusconi từ chức, nhiều đồng minh của ông đã “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Berlusconi mới đây đã cam kết sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở thượng viện trong 15 ngày tới nhằm thông qua các biện pháp mới thúc đẩy tăng trưởng và giảm nợ. Thượng viện là nơi đảng của ông Berlusconi chiếm thế đa số, nhưng một vài cuộc nổi loạn có thể khiến ông mất chức.

Thủ tướng Hi Lạp tạm vượt khó

Trong khi đó, Reuters cho biết sáng 5-11 tại Athens, Thủ tướng Hi Lạp George Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội với tỉ lệ sít sao 153-145, giúp chính phủ tạm thời đứng vững. Gói cứu trợ mới của châu Âu dành cho Hi Lạp, bao gồm khoản vay 130 tỉ euro và thỏa thuận xóa 50% khoản nợ 210 tỉ euro, nhờ đó cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, Hi Lạp vẫn đang phải đối mặt với sự hỗn loạn chính trị.

Ông Papandreou đang kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất mới, tồn tại ít nhất bốn tháng, để đảm bảo tiếp nhận gói cứu trợ mới. Giới quan sát cho biết nhiều khả năng ông Papandreou sẽ từ chức, Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos sẽ tạm lãnh đạo liên minh cầm quyền mới. Tuy nhiên, đảng đối lập Dân chủ mới tuyên bố sẽ không tham gia liên minh cầm quyền mới. Lãnh đạo phe đối lập Antonis Samaras cho rằng ông Papandreou cần phải tổ chức bầu cử sớm. Bộ trưởng Venizelos khẳng định một cuộc bầu cử sớm có thể đe dọa gói cứu trợ của châu Âu.

Theo AFP, mới đây chủ tịch EC Jose Manuel Barroso thừa nhận vẫn có khả năng Hi Lạp sẽ rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp