Đội Futsal Việt Nam (áo đỏ) trong trận thắng Nhật ở tứ kết Giải vô địch Futsal châu Á 2016 - Ảnh: Quang Thắng |
Cơn địa chấn thắng Nhật Bản vào tối 17-2 tạo ra làn sóng, chia sẻ, dẫn link, bình luận, khen tặng, chúc tụng đội Futsal Việt Nam trên các mạng xã hội. Lẫn trong rừng tung hô đó, có vài status, hỏi Futsal là cái gì?
Rõ ràng, ở thời đại "hỏi anh google", chắc chỉ vài giây để hiểu Futsal và đây hẳn là dạng câu hỏi cắc cớ. Nhưng, điều này nhắc nhớ rằng, Futsal hãy còn khá xa lạ với người Việt Nam. Với một đất nước cuồng trái banh tròn như Việt Nam, nơi người người, nhà nhà coi đá banh, từ sân nhỏ tới sân lớn, từ sáng tới tối, điều này nghe có vẻ hơi chói tai.
Nhưng rõ ràng Futsal hãy còn xa lạ bởi khi đội Việt Nam gỡ hòa 3-3 vào lưới Nhật, đưa trận đấu vào hiệp phụ, xung quanh liền nghe nhiều câu hỏi giống nhau "Hiệp phụ bao nhiêu phút?". Ghê hơn, bởi đem điều này hỏi "Anh google", vẫn không thể có câu trả lời chính xác.
Dường như phần đông cổ động viên chỉ hiểu đại khái Futsal là bóng đá trong nhà nhưng chưa tường tận luật thi đấu, thời gian trận đấu, luật thay người, khoảng cách đá phạt đền... Ngược lại, với bóng đá 11 người, chắc một cậu học sinh cũng hiểu tường tận các luật.
Và chỉ khi Việt Nam gỡ hòa Nhật Bản 4-4, ở những giây cuối của hiệp phụ thứ hai, mới biết rằng, trong trận Futsal, có hai hiệp phụ, mỗi hiệp thi đấu 5 phút, không tính giờ bóng chết.
Nói như vậy chỉ để thấy rằng, người Việt đam mê bất tận với trái banh tròn của các đội tuyển nhà. Dù không nắm rõ lắm luật, dù "vừa coi vừa hiểu", nhưng hễ có Việt Nam thi đấu, khán giả Việt lại rần rần theo dõi, từ nhà ra phố, từ trực tiếp trên Fox Sports cho đến link Youtube. Tiếc rằng, có lẽ vì chỉ là Futsal, VTV đã không trực tiếp.
Nòng cốt đội Futsal Việt Nam thắng Nhật chấn động đêm 17-2 là đội Thái Sơn Nam của bầu Trần Anh Tú. Website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) kể rằng ông Tú chính là người đi chợ, nấu ăn cho các cầu thủ suốt các trận vừa qua ở Giải vô địch châu Á tại Uzbekistan.
Không nổi đình đám nhưng trong đời sống bóng đá Việt, vẫn đang có một nhóm người làm việc tâm huyết nhưng âm thầm, gầy dựng các giải phong trào, tới bán chuyên nghiệp, từ đó tạo nên nòng cốt đội tuyển Futsal quốc gia.
Và, từ Futsal nghĩ mà buồn cho bóng đá 11 người - tạm gọi là bóng đá chính thống. Môn này, cũng nhận được sự cổ vũ đầy nhiệt huyết của dân Việt, thậm chí nhiều hơn Futsal. Đầu tư từ cấp nhà nước cho tới cơ sở chắc chắn cũng nhiều hơn. Truyền thông cũng mặn mà hơn. Sẽ rất khập khiễng nếu cân đo những gì bóng đá chính thống nhận được với "miếng bánh" Futsal đang có.
Rồi kết quả ra sao? Futsal đã đến World Cup. Còn bóng đá chính thống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận