Một góc thị trấn Miharu - Ảnh: Trung Thanh |
Thiếu thông tin
Thị trấn Miharu nằm cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 45km về phía tây. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp và dường như không liên quan gì đến các hoạt động của nhà máy điện hạt nhân.
“Chúng tôi cũng biết người ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở bờ biển nhưng không quan tâm lắm. Chuyện đó chẳng liên quan gì với chúng tôi cả” - ông Shigeru Fukaya, nguyên phó thị trưởng Miharu, nhớ lại.
Tuy nhiên, sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với sự góp phần của gió và mưa bất ngờ đã lan truyền bụi ô nhiễm ra một không gian rộng không ngờ. Miharu cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của bụi phóng xạ.
Thị trấn Miharu, khi đó, ngoài dân số 18.000 người, đã trở thành nơi tập kết của khoảng 2.000 cư dân sơ tán đến từ các khu vực có bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân.
Iôt là một phương thức phòng ngừa ung thư tuyến giáp. Khi lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố, một lượng lớn phóng xạ có thể thoát ra ngoài. Lượng phóng xạ này xuất hiện dưới dạng iôt phóng xạ và sẽ ảnh hưởng đến dân cư xung quanh khu vực bị nhiễm xạ. Loại iôt độc hại này có xu hướng đọng lại ở tuyến giáp, do vậy làm tăng nguy cơ xuất hiện hạch tuyến giáp, cũng là các tế bào ung thư. Khi đó, việc dùng ngay viên nén iôt kali sẽ cho phép giảm nguy cơ nhiễm iôt phóng xạ. Iôt kali sau khi uống sẽ đọng lại trên tuyến giáp làm bão hòa khả năng hấp thụ của cơ quan này và ngăn cản iôt độc hại (phóng xạ) đọng lại trên tuyến giáp. |
Những ngày đen tối nhất của Miharu chủ yếu là do thiếu thông tin về sự cố từ nhà máy điện hạt nhân cũng như nồng độ phóng xạ trong môi trường để hành động.
Ông Shigeru Fukaya cho biết hầu như hội đồng thị trấn không nhận được thông tin rõ ràng từ chính quyền trung ương cũng như chính quyền Fukushima.
Nhiều lúc, để lấy tin tức, người ta phải mở truyền hình cáp xem bản tin của các hãng truyền hình quốc tế.
Sáu thị trấn (Tomioka, Futaba, Okuma, Naraha, Miharu và Namie) và hai thành phố (Iwaki và Minamisoma) gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã được dự trữ viên nén iôt kali để phân phối cho dân phòng ngừa ung thư tuyến giáp trong trường hợp có sự cố hạt nhân.
Tuy nhiên khi sự cố xảy ra, chính quyền cấp tỉnh và trung ương không hề có bất cứ hướng dẫn nào về việc phát viên nén iôt kali cho người dân.
Mặc dù vậy, hội đồng thị trấn Futaba, Tomioka, Okuma và Miharu vẫn quyết định phân phối iôt kali. Trong đó chỉ có Miharu phát đủ thuốc cho cư dân thị trấn và cả những người đến lánh nạn vào ngày 15-3.
Các địa phương còn lại thì “ngoan ngoãn” ngồi chờ chỉ đạo từ cấp trên và trong bối cảnh hỗn loạn của thảm họa “ba trong một”, họ đã không bao giờ nhận được chỉ đạo đó.
Có được quyết định kịp thời này là do Miharu nhận được tư vấn từ một số nhà khoa học độc lập đang nghiên cứu về phóng xạ tại địa phương. Những ghi nhận về nồng độ phóng xạ của các nhà khoa học này đã “cứu” người dân Miharu khỏi thảm họa.
Sau vụ đó, chính quyền trung ương Nhật cũng như tỉnh Fukushima và giới truyền thông coi Miharu như một điển hình của việc tự chủ ứng xử với thảm họa trong điều kiện thiếu thông tin.
Thành quả này cũng nảy sinh một ý tưởng rằng nếu có một mạng lưới độc lập giám sát mức độ bức xạ thì có thể sẽ tránh được các sai lầm trong tương lai khi ứng phó với thảm họa.
Đây chính là tiền đề để hình thành nên một dự án có tên gọi Misho tại Miharu (MMP) mà đến nay vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Ông Shigeru Fukaya, nguyên phó thị trưởng Miharu - Ảnh: Văn Hiệp |
Gieo hạt giống
Trong tiếng Nhật, misho có nghĩa là hạt giống, bắt nguồn từ việc thị trấn Miharu là quê hương của một trong ba cây anh đào báu vật quốc gia của Nhật Bản, cây Takizakura đã trên 1.000 năm tuổi.
Đến nay cây Takizakura vẫn khỏe mạnh, nhiều tán và hoa đẹp tuyệt vời, góp phần kéo hàng trăm ngàn du khách từ khắp mọi nơi đến với Miharu mỗi dịp xuân về.
Người dân ở đây cho rằng cây anh đào Takizakura sống lâu và hoa đẹp như vậy là do nó được ươm mầm từ một hạt giống chứ không phải là cây cấy ghép.
Dự án Misho cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp trong việc sử dụng sức mạnh của cộng đồng để bảo vệ mạng sống cũng như đất đai trong thảm họa.
Và hạt giống này sẽ nảy nở và trở thành hình mẫu để áp dụng cho các địa phương khác trong tương lai.
TS Takeshi Koike - ĐH Tohoku, một trong những người xây dựng dự án MMP - cho biết mặc dù Chính phủ Nhật và tỉnh Fukushima đã tiến hành đo bức xạ nhưng số lượng các điểm đo vẫn chưa đủ.
Trong khi đó, phóng xạ phát tán không chỉ gây nhiễm độc các ngôi làng nông nghiệp xinh đẹp ở Fukushima, mà còn gây ra vết thương trong tim người dân Nhật Bản.
Thiếu kiến thức và thiếu thông tin về phóng xạ đã gây ra nỗi sợ hãi vô căn cứ, phân biệt đối xử đối với con người và các sản phẩm từ tỉnh Fukushima.
MMP được xây dựng để bổ khuyết sự thiếu hụt đó, đồng thời tạo niềm tin và sức mạnh để mỗi người dân có thể tự mình xua tan nỗi ám ảnh phóng xạ.
Với tư cách là phó thị trưởng Miharu thời điểm xảy ra thảm họa, ông Shigeru Fukaya quả quyết vấn đề nhiễm xạ sẽ được giải quyết tại địa phương với một cam kết lâu dài của những người bản địa.
Việc giám sát mức độ bức xạ cho trẻ em và phụ nữ mang thai được ưu tiên nhất. Học sinh được phát máy đo nồng độ phóng xạ bỏ túi để tự theo dõi mức độ nhiễm xạ trong suốt cả năm học.
Kết quả bước đầu sau hơn ba năm thực hiện dự án Misho rất đáng khích lệ. Các phép đo được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ĐH Tohoku cho thấy phóng xạ trong đất thấp hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các cuộc điều tra toàn bộ cơ thể cũng đã tiến hành với 93% học sinh trong độ tuổi 6-15 ở Miharu trong ba năm liên tiếp 2011-2013.
Kết quả có khoảng 60% trẻ em thường xuyên ăn gạo hoặc nông sản địa phương trong giai đoạn trên mà không có em nào vượt quá tiêu chuẩn an toàn về nhiễm xạ của Nhật Bản.
Dự án Misho (MMP) được chính thức triển khai từ ngày 20-6-2011, khoảng ba tháng sau thảm họa “3 trong 1”. Với triết lý vấn đề nhiễm xạ tại Miharu sẽ do chính người Miharu giải quyết bằng một cam kết lâu dài, dự án chọn cách tiếp cận từ dưới lên trên. Cụ thể, thông qua việc phát viên nén iôt kali và máy đo nồng độ phóng xạ bỏ túi, dự án sẽ giúp mỗi cư dân Miharu làm chủ thông tin về tình trạng nhiễm xạ của môi trường và của chính mình, đồng thời biết cách tự bảo vệ mình cũng như môi trường, đất đai canh tác. Sau hơn ba năm triển khai, người dân Miharu và các tình nguyện viên tại ĐH Tohoku đã thu thập được khối lượng thông tin đồ sộ về quá trình tẩy rửa phóng xạ và hành xử của người dân sau thảm họa. Dữ liệu này đang được phân tích và sẽ được công bố trong thời gian tới. |
_________________
Kỳ cuối: Vượt qua khủng hoảng nhờ thông tin
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận