Người sử dụng flycam cần phải xin phép theo đúng quy định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những năm gần đây, phong trào sử dụng máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ (flycam/drone) ngày càng phổ biến. Với những tiện ích sẵn có, những loại thiết bị này trở thành món đồ công nghệ được ưa chuộng.
Hậu quả từ bay flycam "chui"
Với giá bán chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, ai ai cũng dễ dàng sắm cho mình một chiếc flycam. Chính vì mua thiết bị dễ và rẻ như vậy nên việc tổ chức bay cũng tràn lan, đa số là bay "chui" không phép.
Từ trước tới nay, không hiếm các vụ việc đáng tiếc xảy ra do bay flycam trái phép. Người bay mải mê chú ý điều khiển flycam mà té ngã gây thương tích, từng có thanh niên đã rơi khỏi cầu Nhật Tân (Hà Nội) và bị thương rất nặng do cố đuổi theo flycam. Hay không ít người đi đường hoảng hồn khi bất ngờ thấy flycam "từ trên trời rơi xuống", gây mất an toàn giao thông.
Mới đây, ngày 21-6 TAND TP.HCM đã tuyên phạt một người quốc tịch Anh 15 triệu đồng về tội vô ý gây thương tích và buộc bồi thường cho bị hại hơn 441 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 7-2020, tại một quán ăn trên đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), anh này đã mất kiểm soát để flycam bay đập thẳng vào mắt một thực khách đang dùng bữa tại quán này. Nạn nhân bị chấn thương vùng mắt trái gây rách giác mạc, mất thủy tinh thể phải khâu giác mạc..., tỉ lệ tổn thương cơ thể 34%.
Đặc biệt, flycam được xác định là "đối tượng nguy hiểm" bậc nhất uy hiếp an toàn hàng không. Trong năm 2019, liên tiếp nhiều vụ mất an toàn bay ở sân bay Liên Khương, sân bay Tân Sơn Nhất... khiến Thủ tướng phải khẩn cấp ra chỉ thị cấm thiết bị bay không người lái hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng không miền Nam, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm nay đã có 17 trường hợp vi phạm an toàn hoạt động bay.
Trong đó, có tới 8 trường hợp được xác định là do các vật thể bay (flycam/drone/...) gây nguy hiểm tới hoạt động bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Tưởng chừng như chỉ là một hoạt động vui chơi công nghệ, tuy nhiên nếu bay flycam không phép, bay không đúng thời gian, địa điểm quy định... thì nhiều hệ lụy đáng tiếc rất dễ xảy ra, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Bay flycam phải xin cấp phép
Theo quy định hiện nay, tất cả chuyến bay bằng flycam đều phải được xin phép. Trước khi diễn ra các chuyến bay 7 ngày, tổ chức/cá nhân cần nộp đơn đề nghị cấp phép bay lên Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) để được cấp phép bay.
Nội dung đơn đề nghị cấp phép cần có tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Bên cạnh đó, người xin cấp phép cũng phải cung cấp các thông tin như đặc điểm nhận dạng tàu bay (bao gồm ảnh chụp), khu vực tổ chức bay, hướng bay, thời hạn bay...
Tuy nhiên, công tác quản lý đối với thiết bị bay không người lái này vẫn còn nhiều kẽ hở, gặp nhiều khó khăn. Thủ tục cấp phép vẫn còn mang tính thủ công, rườm rà, gây mất thời gian. Đây cũng là lý do nhiều người lách luật.
Để chấm dứt tình trạng bay flycam "chui", cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các quy định hiện hành, cơ quan chức năng mỗi địa phương phải quản lý chặt người mua và sử dụng các thiết bị này.
Theo đó, nên có thêm quy định chỉ những người trên 18 tuổi, tham gia lớp học/tập huấn bay thiết bị bay không người lái do Bộ Quốc phòng tổ chức và được cấp chứng chỉ thì mới được phép mua và sử dụng thường xuyên flycam.
Đối với những người không có chứng chỉ này, khi có nhu cầu bay phải xin cấp phép như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý người dân có flycam hay hoạt động xin phép, cấp phép bay được diễn ra nhanh chóng thì cần sử dụng triệt để các giải pháp công nghệ. Nên phát triển một ứng dụng để người dân có nhu cầu thì sẽ vào app và đặt lệnh xin phép bay, nếu đủ điều kiện thì cấp quản lý sẽ phê duyệt, cấp phép ngay trên nền tảng này.
Thông qua hệ thống định vị kết nối với các flycam, ứng dụng này cũng có thể thống kê, quản lý có bao nhiêu flycam đang bay trên lãnh thổ Việt Nam trong cùng một thời điểm, bay ở vị trí tọa độ nào và có bay vi phạm vào các khu vực cấm hay không...
Nếu kết hợp đồng bộ được các giải pháp trên, chắc chắn flycam bay "chui" sẽ giảm và các hậu quả đáng tiếc do hoạt động này gây ra cũng sẽ giảm.
Hiện nay, theo quy định, flycam không được bay gần các khu vực như khu quân sự, sân bay, ga tàu, cảng biển, công trình thủy lợi, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhà máy điện/nước...
Một cá nhân có thể bị phạt đến 60 triệu đồng, đối với tổ chức thì có thể từ 80 - 100 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu thiết bị khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận