Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-6 về việc kết quả điều tra của cơ quan công an cho biết florua tồn dư trong nước RO dùng để chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cao hơn 245-260 lần so với ngưỡng cho phép, một chuyên gia về thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo tiêu chuẩn của Mỹ, ngưỡng tồn dư tối đa của florua trong nước là 0,20 mg/l.
Florua cũng được sử dụng trong kem đánh răng nhằm làm cứng và chắc răng. Tuy nhiên khi tồn dư ở mức cao, florua là chất độc có thể làm phá hủy mô, tế bào.
Cũng theo chuyên gia này, trước khi cho một đơn vị thận nhân tạo hoạt động, các chuyên gia sẽ kiểm tra ba nhóm tiêu chí: nội độc tố, vi sinh vật và 23 chỉ số lý hóa trong nước. Thông thường màng lọc RO đóng nhiều loại cặn, việc tẩy rửa kéo dài cả ngày và thường sử dụng axit, xút để tẩy cặn, việc vì sao có florua trong các hóa chất sử dụng để tẩy rửa vẫn chưa rõ ràng.
"Quá trình điều tra nguyên nhân, theo tôi qua bước một xác định nước liên quan đến tai biến, bước hai xác định florua là nguyên nhân dẫn đến tai biến làm cả 18 bệnh nhân trong ca chạy thận bị trúng độc, 8/18 bệnh nhân tử vong. Hiện nay đã xong bước hai và bước ba xác định florua ở đâu ra vì chúng tôi không sử dụng chất này khi tẩy rửa hệ thống lọc nước RO"- chuyên gia trên cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận